Chế độ ăn chay có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ - kết quả nghiên cứu từ Nhật Bản.

Một nghiên cứu lớn từ Nhật Bản mới được công bố trực tuyến trên tạp chí JAMA Internal Medicine ngày 24/2/2014 cho hay việc áp dụng chế độ ăn chay có thể giúp hạ huyết áp.

Nghiên cứu đã tổng hợp kết quả của 39 cuộc khảo sát trên gần 22.000 người và kết luận: Người ăn chay có huyết áp thấp hơn đáng kể so với những người ăn thịt, với con số trung bình là 5-7 mm/Hg cho huyết áp tâm thu và 2-5 mm/Hg huyết áp tâm trương.

Nguoi-an-chay-co-huyet-ap-thap-hon-dang-ke-so-voi-nhung-nguoi-an-thit
 Người ăn chay có huyết áp thấp hơn đáng kể so với những người ăn thịt

Các tác giả nghiên cứu chia sẻ thêm, nếu duy trì chế độ ăn chay này theo thời gian, nguy cơ đau tim có thể giảm bớt 9% và nguy cơ đột quỵ giảm bớt 14%. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia tim mạch cho rằng kết quả nghiên cứu này vẫn còn sơ bộ và người bệnh chưa nên từ bỏ hoàn toàn việc ăn thịt.

Một điểm đáng lưu ý ở đây là, dường như kết quả này không có sự khác biệt giữa các chế độ ăn chay khác nhau của từng người, cho dù là những người chỉ chú trọng vào rau, ngũ cốc, đậu, trái cây… hay những người chú trọng vào các sản phẩm từ sữa, trứng, cá, chỉ loại trừ thịt.

"Không có khác biệt đáng kể giữa các chế độ ăn chay cụ thể", nhà nghiên cứu Yoko Yokoyama, Phòng y tế dự phòng tại Trung tâm não và tim mạch quốc gia tại Osaka cho biết. Nhưng, ông nói thêm, điều này cũng có thể là do những nghiên cứu về các chế độ ăn chay là rất nhỏ, không đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả tổng thể.

Các nghiên cứu đã xem xét, so sánh sự khác biệt giữa những người ăn thịt và những người không. Tuy nhiên chúng chỉ mô tả các mối quan hệ chứ không thể khẳng định chế độ ăn uống là lý do duy nhất khiến người ăn chay thường có huyết áp thấp hơn so với người ăn thịt.

Tiến sĩ Gregg Fonarow, phó giám đốc Trung tâm tim mạch tại UCLA tại Los Angeles - một bác sĩ tim mạch không tham gia vào nghiên cứu này cho biết ông muốn thấy các nghiên cứu bổ sung trước khi tư vấn cho bệnh nhân của ông từ bỏ thịt. "Hầu hết các dữ liệu trong tổng quan xuất phát từ nghiên cứu quan sát. Thời gian quan sát trong các thử nghiệm lâm sàng còn  hạn chế". Theo ông, nghiên cứu sâu hơn là cần thiết.

Bình luận