Bệnh cơ tim giãn nở là bệnh cơ tim được đặc trưng bởi sự giãn các buồng tim và giảm chức năng co bóp của thất.

Bệnh phổ biến ở độ tuổi từ 20-50. Các bệnh nhân thường tử vong do cơ tim giãn ra và giảm dần chức năng tâm thu và tâm trương dẫn đến suy tim ứ huyết nặng.

Dấu hiệu và chẩn đoán bệnh cơ tim giãn

Biểu hiện bên ngoài: Hoàn toàn bình thường

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (BV Quốc tế Minh Anh) cho biết ông và các đồng nghiệp đã gặp khá nhiều bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn nở, nhìn bề ngoài họ chẳng có vẻ gì bệnh tật, nhất là không có dấu hiệu bệnh về tim mạch như đau ngực, khó thở khi nghỉ ngơi…

Tuy nhiên, những cơn khó thở về đêm xảy ra ngày càng nhiều hơn làm bệnh nhân không ngủ được và phải ngồi dậy để dễ thở; hoặc có khi quá khó thở phải vào bệnh viện cấp cứu chính là biểu hiện của tình trạng suy tim ứ huyết. Đôi khi có tình trạng rối loạn nhịp tâm thất, phát hiện bằng điện tâm đồ, trong khi bệnh nhân hoàn toàn không có cảm giác hồi hộp hay hụt hơi.

Bởi vậy bệnh nhân thường chủ quan, thậm chí ngay cả thầy thuốc nếu khám bệnh không kỹ cũng không phát hiện bệnh, cho đến khi bệnh nhân bị suy tim nặng thì tiên lượng bệnh đã khá xấu.

Chẩn đoán: Ở hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng suy tim phát triển từ từ. Vì vậy, về mặt chẩn đoán, bệnh có thể được phát hiện do tim to không có triệu chứng, những bất thường trên điện tim hoặc tim loạn nhịp kiểu ngoại tâm thu thất.

Hinh-anh-cua-trai-tim-bi-benh-gian-co-tim

Hình ảnh của trái tim bị bệnh giãn cơ tim

Bên cạnh đó, nếu chụp phim X-quang ngực thẳng và nghiêng, thấy tim bệnh nhân rất to. Hiện nay với sự phát triển của hình ảnh học, nhất là siêu âm tim, thầy thuốc có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh này. Tuy nhiên, về mặt chuyên khoa sâu, một số trường hợp phải sinh thiết cơ tim mới chẩn đoán chính xác. Nhưng kỹ thuật này khá khó và có những tai biến nhất định nên ít được thực hiện.

Bệnh cơ tim giãn nếu không điều trị, có thể tử vong

Bệnh cơ tim giãn nở là một bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, nhất là khi nguyên nhân của bệnh là do viêm cơ tim (có nhiều loại viêm cơ tim: viêm cơ tim do vi rút, viêm cơ tim do rượu, viêm cơ tim do nhiễm độc và viêm cơ tim cấp). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân này sau 5 năm là 35% và lên đến 70% sau 10 năm theo dõi.

Sự tiến triển của bệnh cơ tim giãn nở rất đa dạng nếu không có suy tim trên lâm sàng. Một số bệnh nhân ít thay đổi tình trạng bệnh, số khác thì xấu dần theo thời gian, nặng lên nhanh chóng.

Ngoài chết vì biến chứng suy tim, bệnh nhân có thể chết vì thuyên tắc động mạch phổi và thuyên tắc động mạch ngoại vi. Chính vì vậy, khi điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn nở, bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc chống đông máu đi kèm.

Bệnh cơ tim giãn cần ngưng uống rượu

Bệnh hay xảy ra ở những người đàn ông trên 40 tuổi, thường là nghiện rượu hay có tình trạng viêm cơ tim. Bệnh nhân hay có những cơn mệt và khó thở vào ban đêm hay mệt nhiều khi đi lên xuống cầu thang.

Nên ngừng uống rượu là lời khuyên cho tất cả các bệnh nhân cơ tim giãn. Người ta thấy có sự phục hồi khá kỳ diệu của chức năng tim sau một thời gian kiêng rượu đối với bệnh cơ tim giãn nở do rượu. Tình trạng suy tim được cải thiện và dần dần tim không còn to nữa. Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân của bệnh mà thầy thuốc chuyên khoa tim mạch sẽ có chế độ điều trị thích hợp.

Phòng ngừa bệnh

Phần lớn các trường hợp bệnh cơ tim giãn nở cần phải tuân thủ điều trị đặc hiệu, đó là chống suy tim bằng thuốc và hạn chế ăn mặn. Trong những đợt cấp và nặng, bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi tuyệt đối và điều trị tại bệnh viện.

Muốn phòng ngừa bệnh này, điều quan trọng là phải giảm lượng rượu uống hàng ngày, hạn chế các loại rượu có nồng độ cồn cao và các loại rượu không có nguồn gốc rõ ràng. Có chế độ sống và làm việc thích hợp để hạn chế hiện tượng viêm nhiễm và tăng cường sức đề kháng, làm việc trong môi trường thoáng khí, sạch sẽ, không có độc chất…

Các bác sỹ khuyến cáo mọi người dân nên khám sức khỏe định kỳ một năm hai lần, nếu bạn đã trên 40 tuổi. Một khi thấy xuất hiện các dấu hiệu mệt, khó thở về đêm… hãy đến ngay bệnh viện hay cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.

Sống một cuộc sống lành mạnh và thường xuyên quan tâm tới sức khỏe sẽ tránh được rất nhiều rủi ro do bệnh tật, vì bao giờ “phòng” cũng hơn “chữa”, nhất là với bệnh cơ tim giãn nở.

Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam

Bình luận