Bảo vệ sức khỏe trái tim để sống lâu hơn
Để duy trì sự sống, tim miệt mài co bóp để đưa dòng máu đỏ đi khắp cơ thể nuôi sống từng tế bào, từng cơ quan. Cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên hoạt động của trái tim và sức khỏe của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cảm xúc, huyết áp, chế độ ăn uống, sinh hoạt. Cùng tìm hiểu bí quyết làm thế nào để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.
Cảm xúc - yếu tố quan trọng giúp trái tim khỏe mạnh
Xúc động đột ngột, những cơn giận dữ hay lo lắng sẽ làm cho tim đập nhanh, gây tình trạng hồi hộp và cảm giác khó thở. Việc giữ cho cảm xúc được cân bằng, bình tĩnh trước mọi nghịch cảnh, giữ tâm được thanh tịnh là một trong những biện pháp tốt giúp cho trái tim luôn được khỏe mạnh.
Bảo vệ trái tim khỏi sự tấn công của bệnh thấp tim
Những yếu tố thấp sinh ra trong quá trình nhiễm khuẩn vùng họng và đường hô hấp sẽ tấn công vào các van tim làm cho nó bị hư hỏng và đưa đến bệnh hẹp hay hở van tim. Nếu không được can thiệp kịp thời bằng phẫu thuật, bệnh có thể gây tử vong. Thực tế đã có rất nhiều người phải chấp nhận kết quả cuối cùng đó vì tính chất nặng nề của việc mổ tim, chi phí cho một ca mổ rất cao, không phải ai cũng kham nổi trong khi bệnh này hay gặp ở những người có thu nhập thấp, điều kiện sinh sống không được tốt. Chính vì vậy, việc phòng ngừa nhiễm trùng vùng họng và đường hô hấp trên là rất quan trọng để giảm nguy cơ bệnh thấp tim, nhất là vào mùa lạnh. Bên cạnh đó, việc nâng cao mức sống và điều kiện sống cũng là một biện pháp rất tốt giữ cho trái tim khỏe mạnh, không bị bệnh thấp tim tấn công.
Bảo vệ trái tim để không bị bệnh thấp tim tấn công
Phòng cao huyết áp
Đối với sức khỏe trái tim, huyết áp đóng một vai trò quan trọng. Cao huyết áp chính là “kẻ giết người thầm lặng”, làm cho thất trái của tim ngày càng dày lên, tim to hơn bình thường và đến một lúc nào đó gây ra tình trạng suy tim. Khi đó, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, phù chân, gan lớn… nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tử vong. Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp chúng ta tránh được tình trạng cao huyết áp, đó là: ăn ít muối, giảm mỡ và chất béo, nhiều rau xanh và trái cây tươi… Nếu có điều kiện nên sử dụng cá làm thực phẩm chính, kết hợp thêm dầu ôliu, uống một chút rượu vang… Chế độ ăn tốt nhất này được giới chuyên môn gọi là chế độ ăn Địa Trung Hải.
Không rượu bia nhiều để bảo vệ trái tim
Không chỉ nói không với thuốc lá, mà nói “không” với rượu bia là điều cần thiết trong một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Uống quá nhiều rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp và rồi vòng xoáy bệnh lý giữa cao huyết áp và bệnh mạch vành sẽ khiến cho trái tim càng ngày càng suy yếu. Tuy nhiên có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng nếu uống rượu bia vừa phải, có điều độ, nhất là rượu vàng có thể làm cho trái tim tốt hơn. Nhưng cũng phải rất cẩn thận vì ranh giới giữa uống ít, điều độ với uống nhiều trở thành nghiện bia rượu là rất mỏng manh, đặc biệt là ở người Việt Nam.
Uống ít rượu bia để bảo vệ trái tim
Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá
Trước đây, người ta tưởng rằng thuốc lá chỉ gây ra bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi, nhưng thật sự tác hại của nó trên tim mạch là rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Chúng gây nên tình trạng viêm tắc động mạch trong đó có cả động mạch vành. Nhất là khi kết hợp với các bệnh khác mà chủ nhân của trái tim mắc phải như béo phì, đái tháo đường, xơ vữa động mạch… thì hậu quả thật tai hại. Chính vì vậy không nên hút thuốc lá hay bỏ hút thuốc lá là một thông điệp vô cùng quan trọng với sức khỏe của trái tim.
Hạn chế cà phê hay trà xanh
Các nghiên cứu đều đã chỉ ra rằng sử dụng cà phê và trà xanh tốt cho trái tim và cả bộ não, nhưng ở lượng vừa phải. Nó giúp cho con người cảm thấy sảng khoái hơn, yêu đời hơn, tốt cho những người huyết áp thấp vì có thể làm tăng nhịp tim, giúp sức co bóp của cơ tim tăng lên và huyết áp được cải thiện. Nhưng ngược lại, nếu dùng quá 5 ly cà phê mỗi ngày tim sẽ đập nhanh hơn, huyết áp sẽ tăng cao và mất ngủ. Vì vậy, muốn có một trái tim khỏe mạnh bạn cần cân nhắc một liều lượng vừa phải nhất.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bên cạnh những lưu ý trên, các thầy thuốc khuyến cáo những người tuổi trên 40, việc khám kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một biện pháp tích cực nhằm phát hiện sớm những trục trặc của trái tim. Từ đó để có thể có biện pháp thay đổi lối sống, điều trị bệnh ngay từ khi mới khởi phát.
PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam
(Theo Sức khỏe đời sống)
Bình luận