Bệnh tim mạch có thể gặp nhiều hơn ở những nghề: nhân viên văn phòng, lính cứu hỏa, cảnh sát, lái xe…

Đặc điểm nhất định của một số công việc như ngồi nhiều giờ tại bàn làm việc, căng thẳng, giờ làm bất thường và tiếp xúc với một số hóa chất, ô nhiễm… cũng có thể gây tổn hại cho tim của bạn, làm gia tăng nguy cơ các cơn đau tim và các vấn đề khác.

Dưới đây là một số công việc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mà bạn nên biết.

Nhân viên văn phòng - ngồi nhiều có nguy cơ gặp các vấn đề về tim

Những người có đặc thù nghề nghiệp ít vận động như nhân viên văn phòng sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề về tim cao hơn so với những người có công việc hoạt động nhiều, Martha Grogan - bác sĩ tim mạch của Bệnh viện Mayo ở Rochester, Minnesota (Mỹ) cho biết.

Ngồi nhiều trong một thời gian dài có thể làm giảm độ nhạy cảm insulin và tăng tích tụ mỡ, gây tổn hại cho hệ tim mạch. Vì thế, hãy tranh thủ đứng lên và đi bộ xung quanh sau mỗi giờ làm việc, để thể chất được nghỉ ngơi, thư giãn.

ngồi nhiều dễ bị tim mạch

Ngồi nhiều dễ bị tim mạch

Nghề ứng phó khẩn cấp - có thể gây hại tới tim mạch

Những người làm công việc thường xuyên phải ứng phó khẩn cấp hay có những hoạt động căng thẳng cao như lính cứu hỏa, đội cứu hộ hay các sỹ quan cảnh sát… có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 22% trường hợp sỹ quan cảnh sát và 45% ở nhân viên cứu hỏa tử vong trong công việc do bệnh tim mạch.

Giờ làm việc kéo dài, theo ca, ăn uống không lành mạnh tại nơi làm việc, tiếp xúc thường xuyên với căng thẳng, hóa chất độc hại như carbon monoxide hoặc chất gây ô nhiễm khác… chính là nguyên nhân gây hại đến hệ tim mạch. Nếu bạn không thể thay đổi công việc, hãy tập trung vào rèn luyện thể chất, duy trì ăn uống lành mạnh và kiểm soát huyết áp thường xuyên.

Nghề lái xe - có nguy cơ bị cao huyết áp

Nghề tài xế có nguy bị tăng huyết áp cao hơn so với những nghề khác, ông Peter L. Schnall, MD, giáo sư y khoa tại Đại học California, Irvine nói. Nguyên nhân có thể bởi vì lái xe là một nghề nghiệp vừa ít vận động lại vừa nhiều căng thẳng, luôn đòi hỏi phải cảnh giác, tập trung cao độ để tránh tai nạn và giữ cho hành khách an toàn.

Trong một nghiên cứu, 56% lái xe buýt ở Đài Bắc (Trung Quốc) bị tăng huyết áp so với 31% lao động ở nghề khác. Những người này cũng có cholesterol cao hơn, trọng lượng cơ thể tăng và tỷ lệ mắc bệnh tim cũng nhiều hơn.

Nghề trực ca luân phiên

Trực ca luân phiên là lịch trình phổ biến đối với các bác sỹ, y tá và nhiều nghề khác. Đặc thù công việc này đã được chứng minh là có mối liên hệ với nguy cơ bệnh tim và tiểu đường type 2. Nguyên do là lịch trình công việc bất kể ngày đêm đã phá vỡ nhịp điệu sinh học. Mà "đồng hồ cơ thể" đóng một vai trò quan trọng trong sự điều hòa đường máu, huyết áp, và các hoạt động của insulin.

Lối sống không lành mạnh cũng có thể là một yếu tố nguy cơ. Những công nhân làm đêm thường có khả năng hút thuốc nhiều hơn và thời gian ngủ ngắn hơn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.

Công nhân hầm và cầu đường

Một nghiên cứu năm 1988 thực hiện trên hơn 5.000 công nhân đường hầm ở thành phố New York phát hiện thấy: Những người làm việc trong ngành giao thông, cầu đường có nguy cơ tử vong liên quan đến tim mạch tăng 35% so với bộ phận dân số khác. Nguyên nhân là do những lao động này tiếp xúc thường xuyên với mức độ carbon monoxide cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

nghe-nghiep-nguy-hiem-cho-tim

Công nhân hầm và cầu đường có nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Ngoài ra, làm việc nhiều giờ hay mất việc cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim.

Nếu bạn không thể thay đổi nghề nghiệp của mình, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách kiểm soát lối sống: ăn nhiều trái cây và rau quả, ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục hàng ngày.

Bình luận