Nhồi máu cơ tim - biến chứng của xơ vữa động mạch vành
Nhồi máu cơ tim là gì ?
Quả tim được tưới máu bởi các động mạch vành. Người có bệnh xơ vữa động mạch thường có mảng xơ vữa trong các động mạch vành. Nếu một mảng xơ vữa trong động mạch vành bị vỡ ra, tại chỗ vỡ mảng sẽ xuất hiện một cục máu đông gây tắc động mạch vành.
Nếu cục máu đông gây tắc hoàn toàn động mạch vành, máu sẽ không đến được vùng cơ tim tương ứng và vùng cơ tim này sẽ chết. Biến chứng này của bệnh xơ vữa động mạch được gọi là nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim là biến chứng của xơ vữa động mạch vành
Nhồi máu cơ tim có biểu hiện như thế nào?
Biểu hiện thông thường nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực. Đau thường là kiểu nặng ngực, có tính chất giống như ai đó bóp chặt quả tim, vị trí thường là sau xương ức (hoặc đôi khi ở trên rốn), có thể lan lên cằm trái và cánh tay trái, xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức tối thiểu và kéo dài hơn 30 phút. Khi người bệnh ngậm một số loại thuốc như nitroglycerine hoặc isosorbide dinitrate cơn đau có thể giảm. Đau thường kèm theo cảm giác lo lắng, người bệnh thường vã mồ hôi, mặt tái. Đôi khi nhồi máu cơ tim có biểu hiện không phải là đau ngực mà là cảm giác ngột thở.
Nhồi máu cơ tim nguy hiểm hay không?
Nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Khoảng 1/4 – 1/3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim chết trước khi kịp đến bệnh viện, thường là do các rối loạn nhịp tim nặng. Trong số những người đến được bệnh viện có 5 – 10% chết trong bệnh viện do các biến chứng như suy tim, choáng tim, rối loạn nhịp tim.
Trong nhồi máu cơ tim một phần cơ tim bị chết, do đó chức năng bơm máu của quả tim ít nhiều bị suy giảm. Nếu không điều trị thật tích cực sau khi xuất viện, người bệnh sẽ bị suy tim tiến triển và có thể chết vì suy tim. Mặt khác, người đã bị nhồi máu cơ tim thường có nhiều mảng xơ vữa động mạch ở những động mạch khác (ngoài động mạch vành đã bị tắc gây ra nhồi máu cơ tim), vì vậy nếu không điều trị tích cực người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim tái phát hoặc bị các biến cố huyết khối xơ vữa khác như đột quỵ.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi cục máu đông gây tắc hoàn toàn động mạch.
Phải làm gì khi nghi ngờ bản thân mình hoặc người thân trong gia đình bị nhồi máu cơ tim?
Khi nghi ngờ bản thân mình hoặc người thân trong gia đình bị nhồi máu cơ tim thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Ở bệnh viện các bác sĩ sẽ khám và làm một số nghiệm pháp cận lâm sàng như ghi điện tâm đồ, xét nghiệm máu, siêu âm tim để xác định có nhồi máu cơ tim hay không. Nếu xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ sẽ dùng một trong 2 biện pháp sau đây để tái lưu thông động mạch vành bị tắc: Biện pháp thứ nhất là tiêm thuốc để làm tan cục máu đông trong động mạch vành; biện pháp thứ 2 là thông tim để nong động mạch vành bị tắc. Thông tim để nong động mạch vành có hiệu quả cao hơn tiêm thuốc, tuy nhiên ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chỉ có một số bệnh viện có khả năng thực hiện thủ thuật này. Các bệnh viện này gồm: Viện Tim, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Thống Nhất.
Điều trị người đã từng bị nhồi máu cơ tim
Người sống sót qua giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim cần được điều trị thật tích cực để ngăn ngừa suy tim tiến triển, rối loạn nhịp tim nặng và nhồi máu cơ tim tái phát. Người bệnh phải có lối sống lành mạnh (như bỏ thuốc lá, giảm bia rượu, ăn lạt và kiêng ăn chất béo) và phải dùng dài hạn một số loại thuốc như thuốc chẹn bêta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc nhóm statin và thuốc kháng tiểu cầu (gồm aspirin và clopidogrel). Người bệnh phải đi tái khám định kỳ theo đúng hẹn và không được tự ý bỏ thuốc ngay cả khi có cảm giác khỏe mạnh bình thường.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim cũng chính là phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, béo phì, ít vận động thể lực.
Cụ thể phải :
- Bỏ thuốc lá (nếu đang hút)
- Điều trị bệnh tăng huyết áp (nếu có) để đưa huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mm Hg và huyết áp tâm trương xuống dưới 90 mm Hg
- Điều trị bệnh đái tháo đường (nếu có) để đưa mức đường huyết lúc đói xuống dưới 126 mg/dl
- Điều trị bệnh tăng cholesterol máu để đưa cholesterol LDL (cholesterol có hại) xuống dưới 100 mg/dl
- Kiêng ăn và vận động thể lực thường xuyên để giảm cân nếu bị béo phì hoặc thừa cân
Ths BS Hồ Huỳnh Quang Trí – Trưởng khoa Hồi sức - Viện Tim TP HCM
Bình luận