Trào ngược dạ dày và bệnh tim mạch
Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản “che giấu” cơn đau tim tiềm ẩn
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là do acid dư thừa trong dạ dày bị trào lên thực quản gây ra đau rát ở phía sau xương ức và có thể kèm theo chứng ợ chua đau ngực. Tuy nhiên, đau rát ngực cũng là một dấu hiệu đặc trưng của nhồi máu cơ tim – một tình trạng cần được cấp cứu khẩn cấp, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Đừng coi thường triệu chứng đau ngực của bạn, vì nó có thể không đơn thuần chỉ là chứng trào ngược dạ dày, mà là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim thực sự. Đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, biết cách phân biệt các triệu chứng sẽ rất hữu ích để giúp bạn đánh giá đúng vấn đề và tìm sự trợ giúp phù hợp khi cần. Dưới đây là những điểm khác nhau chính của 2 bệnh lý dễ bị nhầm lẫn này.
Trào ngược dạ dày thực quản có liên quan mật thiết với bệnh tim mạch
Các triệu chứng của đau thắt ngực |
Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) |
Đau nhói, ngực bị đè nặng giống như bị ép, đâm, hoặc đau âm ỉ ở vùng giữa ngực |
Đau rát ngực bắt đầu ở xương ức và lan ra vùng tim |
Đau lan ra đến vai, cổ, cánh tay |
Đau lan dần lên phía cổ họng nhưng không lan xuống vai, cổ, cánh tay |
Nhịp tim không đều hoặc tăng nhanh |
Ợ, có vị thức ăn đẩy ngược lên miệng |
Mồ hôi lạnh, buồn nôn, khó tiêu và đôi khi nôn mửa |
Miệng có vị đắng, chua ở cổ họng |
Khó thở, đầu óc quay cuồng, mệt mỏi và chóng mặt |
Đau nặng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống |
Các triệu chứng xuất hiện khi gắng sức hoặc căng thẳng cao |
Các triệu chứng xuất hiện sau một bữa ăn no hoặc ăn nhiều gia vị cay |
Thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản “độc dược” với bệnh nhân tim mạch
Thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản là “độc dược” với bệnh nhân tim mạch
Đối với bệnh nhân tim mạch, trào ngược dạ dày thực quản không chỉ đem lại nguy cơ che giấu triệu chứng của nhồi máu cơ tim, mà còn gây ra vấn đề về tương tác thuốc. Điều trị bằng các thuốc ức chế bơm proton (PPI) như esomeprazole (Nexium), omeprazole (Prilosec, Zegerid)… là chỉ định hàng đầu hiện nay cho GERD, bởi nó có tác dụng giảm tiết acid dạ dày hiệu quả hơn nhiều so với các thuốc điều trị thế hệ cũ. Tuy nhiên, một số báo cáo lâm sàng cho thấy thuốc ức chế bơm proton tương tác với thuốc clopidogrel (Plavix) làm giảm hiệu quả chống đông máu, nên làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ của thuốc này đối với bệnh nhân tim mạch đang sử dụng thuốc chống đông.
Không chỉ vậy, mới đây trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Plos One, thuốc ức chế bơm proton còn được cho là làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Mặc dù đây mới chỉ là mối lo ngại chưa có cơ sở rõ ràng, bởi tỷ lệ tăng nguy cơ đau tim ở những bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế bơm proton có thể do nguyên nhân nhầm lẫn giữa trào ngược dạ dày thực quản và nhồi máu cơ tim, hoặc do những bệnh lý mắc phải khác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đề nghị những bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế bơm proton nên quan tâm hơn đến sức khỏe tim mạch của mình, kiểm tra định kỳ đề phòng tránh những cơn đau tim nguy hiểm.
Trào ngược dạ dày thực quản là chứng bệnh phổ biến. Ở Mỹ, cứ 14 người thì có 1 người đang sử dụng ít nhất một loại thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế dùng thuốc nếu không thực sự cần thiết để hạn chế nguy cơ đau tim và phòng tránh các tác dụng phụ khác. Trong trường hợp mắc trào ngược dạ dày thực quản nhẹ, bạn hoàn toàn có thể cắt giảm hoặc không sử dụng thuốc ức chế bơm proton, nhưng nên tham khảo sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa. Ngoài ra, điều chỉnh lối sống bằng cách giảm cân, bỏ thuốc lá, tránh nằm trong vòng 3 giờ sau khi ăn, gối đầu cao và nằm nghiêng trái khi ngủ có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, đồng thời cũng tốt cho sức khoẻ tim mạch của bạn.
Trích nguồn: http://www.health.harvard.edu
Bình luận