7 nguyên nhân rối loạn nhịp tim và cách cải thiện hiệu quả
Nhịp tim của người bình thường là từ 60-100 nhịp/ phút. Rối loạn nhịp tim xảy ra khi tim đập quá nhanh (>100 nhịp/ phút) hoặc quá chậm (<60 nhịp/ phút). Tình trạng bất thường về nhịp đập này có thể gây ra các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, choáng váng, chóng mặt, đổ mồ hôi, ngất. Các triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Tuy nhiên ở nhiều người bệnh các triệu chứng này có thể xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, liên tục trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và tiềm ẩn nhiều rủi ro tim mạch nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim, cụ thể như sau:
Bệnh tim mạch
Những người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch như bệnh cơ tim, bệnh lý van tim, bệnh mạch vành, hồi phục sau nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… sẽ có nguy cơ cao mắc rối loạn nhịp tim.
Các tế bào cơ tim cho phép tín hiệu điện dẫn truyền qua, tạo thành các xung động giúp tâm thất, tâm nhĩ co bóp và đó là nhịp tim bình thường. Khi có bất thường về cấu trúc tim, tổn thương cơ tim, quá trình dẫn truyền xung động này có thể bị ảnh hưởng và gây ra rối loạn nhịp tim.
Những bệnh tim mạch kể trên có thể làm cho cấu trúc tim mất sự đồng bộ, hình thành các mô cứng, phì đại cơ tim, thiếu máu nuôi dưỡng, làm cho tim suy yếu. Rối loạn nhịp tim là hậu quả của quá trình trên và người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau thắt ngực, rối loạn nhịp, khó thở, nặng ngực, đánh trống ngực…
Nguyên nhân rối loạn nhịp tim đến từ các tổn thương bệnh lý tim mạch
Rối loạn nhịp tim ở người có tiền sử bệnh tim mạch là vô cũng nguy hiểm. Bệnh có thể tiến triển tăng nặng đột ngột và có thể gây đột tử. Vì thế người bệnh cần được thăm khám thường xuyên và điều trị phù hợp để ngăn biến chứng, kéo dài tuổi thọ.
Rối loạn điện giải
Rối loạn nhịp tim trong rối loạn điện giải liên quan đến cơ chế rối loạn huyết động, mất cân bằng các kênh ion trên màng tế bào cơ tim. Để màng tế bào cơ tim có thể dẫn truyền xung điện thì cần có một điện thế hoạt động. Điện thế này được hình thành từ các ion trên màng tế bào cơ tim, bao gồm ion kali, ion natri, ion magie, ion canxi.
Rối loạn điện giải làm mất cân bằng nồng độ các ion này, thường là giảm nồng độ ion kali, magie. Điều này ảnh hưởng đến các cơ chế khử cực, tái khử cực, thời kỳ trơ của tế bào cơ tim, làm cho các dẫn truyền điện thế bị sai lệch, gây cà bất thường về nhịp tim như bỏ nhịp, đập nhanh, mạnh bất thường…
Để điều trị, người bệnh sẽ cần được truyền điện giải, dùng thuốc để bổ sung lượng điện giải bị thiếu hụt và theo dõi sức khỏe theo tiên lượng bệnh.
Rối loạn điện giải, hạ kali máu gây rối loạn nhịp tim
Sốt, nhiễm trùng
Sốt làm thân nhiệt cơ thể tăng cao, gây mất nước, tăng độ nhớt máu, tăng huyết áp. Điều này kích thích tim phải tăng cường hoạt động và làm tăng nhịp tim. Trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng, nhiễm virus như nhiễm Sars-CoV-2, rubella, thương hàn, nhiễm khuẩn huyết… sẽ gặp phải phản ứng viêm trên toàn cơ thể, gây tổn hại đến mạch máu, cơ tim.
Nhiễm trùng gây rối loạn nhịp tim là một biến chứng nặng cần được điều trị và kiểm soát kịp thời. Vì thế nếu bạn có dấu hiệu sốt, tăng nhịp tim, hồi hộp, khó thở, đau thắt ngực, nôn… thì hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm nhất.
>>> Xem thêm: Tim đập nhanh hậu COVID-19 có nguy hiểm không? Làm sao để giảm?
Bệnh cường giáp
Có đến 10-20% người bị cường giáp có mắc rối loạn nhịp tim, thường là rung nhĩ, nhịp nhanh thất với tần số tim có thể lên tới 160-180 nhịp/ phút.
Nhịp tim không chỉ bị tác động bởi hệ thống dẫn điện tim, điện thế màng tế bào cơ tim mà còn bị ảnh hưởng bởi các hormone. Adrenalin là hormon có thể gắn vào thụ thể trên nút xoang và tế bào cơ tim, kích thích nút xoang phát nhiều xung điện hơn, làm tăng nhịp tim.
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng cường hoạt động và tăng tiết các hormon T3, T4. Hai hormon này có khả năng tăng cường số lượng thụ thể có trên nút xoang, tế bào cơ tim. Số lượng thụ thể tăng thì càng có nhiều adrenalin được gắn nhiều hơn và gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim.
Trong trường hợp này, người bệnh cần điều trị tốt bệnh cường giáp bằng cách dùng thuốc kháng giáp thionamides, điều trị iod phóng xạ, hoặc phẫu thuật, dùng thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng cho người bệnh.
Cường giáp có thể gây rối loạn nhịp tim - nhịp nhanh thất vô cùng nguy hiểm
Lạm dụng các chất kích thích
Rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc và các chất kích thích khác nếu lạm dụng quá mức có thể gây hại đến hệ tim mạch nói chung và gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim nói riêng. Các chất kích thích này không chỉ làm nặng hơn các triệu chứng của rối loạn nhịp tim mà còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. Vì thế, với người có mắc các bệnh lý về tim mạch, lời khuyên hàng đầu của chuyên gia là phải loại bỏ, hạn chế sử dụng các chất kích thích này.
Rối loạn thần kinh tim
Nếu người bệnh có các triệu chứng hồi hộp, trống ngực, tim đập nhanh mà đi khám mà không có tổn thương tim, không phát hiện các nguyên nhân gây bệnh trên thì khả năng cao là rối loạn thần kinh tim.
Rối loạn thần kinh thực tim là một dạng rối loạn thần kinh thực vật gây ra các triệu chứng trên hệ tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn thần kinh tim là tình trạng lo âu, căng thẳng, stress trong thời gian dài, gây ức chế và mất cân bằng hai hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm, ảnh hưởng đến các hoạt động cơ bản của cơ thể. Ngoài ra, tăng huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh truyền nhiễm cũng là yếu tố nguy cơ gây rối loạn thần kinh tim.
Rối loạn nhịp tim gây ra bởi rối loạn thần kinh tim khá lành tính, người bệnh có thể được cải thiện chỉ bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc nếu có chỉ định.
Rối loạn thần kinh tim gây loạn nhịp tim thường do căng thẳng kéo dài
>>> Xem thêm: Bác sĩ tư vấn cách điều trị rối loạn thần kinh tim hiệu quả
Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị
Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ rối loạn nhịp tim, thường là nhịp tim nhanh, gây hồi hộp, trống ngực, đau ngực, huyết áp thất thường, chóng mặt… Các thuốc này bao gồm:
- Thuốc điều trị trầm cảm 3 vòng.
- Thuốc kháng histamin H1
- Thuốc giảm đau, chống viêm nhóm NSAID (Ibuprofen, Naproxen).
- Thuốc điều trị hen suyễn (Ephedrine).
- Thuốc điều trị nghẹt mũi (Pseudoephedrine, Phenylephrine).
- Thuốc kháng sinh.
Trong quá trình sử dụng các thuốc trên nếu bạn xuất hiện những triệu chứng của rối loạn nhịp tim thì hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.
>>> Xem thêm: Tim đập nhanh uống thuốc gì cho hiệu quả?
Cách cải thiện hiệu quả các rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim gặp ở mọi lứa tuổi và có nhiều dạng nguy hiểm (rung nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh nhĩ đa ổ…). Bệnh có thể diễn biến nhanh thành biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế phát hiện và điều trị sớm bệnh là vô cùng quan trọng, giảm tỷ lệ phải can thiệp phẫu thuật (đốt điện tim, đặt máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim…).
Phát hiện và điều trị sớm rối loạn nhịp tim để hạn chế phải phẫu thuật, đặt máy
Đừng để đến khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của rối loạn nhịp tim rồi mới đi khám, hãy đi khám định kỳ thường xuyên 1 năm ít nhất từ 1-2 lần, đặc biệt là ở nhóm đối tượng trên 65 tuổi. Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng các cách cải thiện rối loạn nhịp tim đơn giản tại nhà như sau:
- Tập thiền, hít thở, hít sâu, thở chậm, trấn tĩnh tâm hồn giúp ổn định nhịp tim.
- Kiểm soát căng thẳng, sắp xếp công việc, hạn chế làm việc khuya, làm việc quá sức, căng thẳng, áp lực, nên nghe nhạc cổ điển, đọc sách trò chuyện tâm sự với bạn bè…
- Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày ít nhất từ 45 phút đến 1 tiếng, trong đó ít nhất 20 phút tập cường độ cao bằng các bài tập aerobic, thời gian còn lại có thể đi độ, chạy bền, đạp xe, tập yoga…
- Ăn uống khoa học lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất vi lượng như trái cây tươi (cam, dứa, bơ, bưởi, dưa hấu), rau lá màu xanh đậm, cá hồi, cá trích, cá mòi, khoai lang…
- Sử dụng thảo dược giúp ổn định nhịp tim như Khổ sâm, Đan sâm, Hoàng đằng. Những thảo dược này đã được nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh công dụng giúp ổn định nhịp tim. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y sinh và Công nghệ sinh học quốc tế, trong Khổ sâm có chứa hai hoạt chất là matrine và oxymatrine có khả năng ổn định nhịp tim theo đa cơ chế: Cân bằng điện thế màng tế bào cơ tim, ổn định thần kinh tim, tăng cường máu đến nuôi tim.
Thảo dược Khổ sâm giúp hỗ trợ cải thiện rối loạn nhịp tim
Bài viết trên đây là cung cấp cho bạn đọc những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim phổ biến, giúp bạn có cái nhìn toàn diện và chủ động hơn trong phòng ngừa và cải thiện rối loạn nhịp tim. Nếu còn bất kỳ vấn đề nào thắc mắc cần giải đáp hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể nhất cho bạn.
Tài liệu tham khảo
https://www.nhs.uk/conditions/arrhythmia/
https://www.webmd.com/heart-disease/atrial-fibrillation/heart-disease-abnormal-heart-rhythm
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537011/
https://www.nhs.uk/conditions/arrhythmia
Bình luận