Sỏi túi mật có nguy hiểm không? Khi nào cần mổ sỏi túi mật
Sỏi túi mật có nguy hiểm không?
Sỏi mật nguy hiểm, nó có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, viêm tụy cấp, viêm đường mật... ở những trường hợp sỏi lớn, nằm ở vị trí hiểm hóc không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do sỏi túi mật thường ít khi gây triệu chứng, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 2% người bệnh có sỏi mật bị đau do sỏi gây tắc nghẽn ống dẫn mật, nên đã khiến nhiều người chủ quan không điều trị hay kiểm tra định kỳ, chỉ đau mới đi viện.
Sỏi túi mật có thể nhỏ vài mm hoặc lớn đến vài cm và có nhiều hình dạng cấu tạo khác nhau. Có người chỉ có một hoặc một vài viên sỏi nhưng có người lại bị rất nhiều sỏi trong túi mật.
Sỏi mật có nên mổ không? Khi nào nên mổ sỏi túi mật?
Đây là thắc mắc chung của nhiều người bệnh: thông thường nếu sỏi mật không gây triệu chứng (không đau, không nhiễm trùng) thì chưa cần thiết phải phẫu thuật mà người bệnh có thể chung sống hòa bình với sỏi, vẫn sinh hoạt, làm việc như bình thường và chỉ cần lưu ý ăn giảm dầu mỡ, giảm chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây và tập thể dục thường xuyên.
Sỏi túi mật không thể tự biến mất, vì thế, nếu sỏi mật gây đau, viêm, sốt,... hoặc các triệu chứng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng khác như tắc mật, viêm túi mật cấp, viêm tụy... thì sẽ được khuyên phẫu thuật cắt túi mật.
Những triệu chứng của bệnh sỏi mật đang nặng lên mà người bệnh cần lưu ý: cơn đau xuất hiện ở giữa hoặc bên phải ổ bụng, ngay dưới xương sườn, đau nặng dần lên và kéo dài khoảng 60 phút hoặc lâu hơn, mức độ đau giảm dần trong vài tiếng tiếp theo. Đôi khi người bệnh cảm thấy đau như dao đâm kèm theo đầy trướng, buồn nôn, cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc dưới cánh tay phải. Khi túi mật trở lại trạng thái bình thường, cơn đau sẽ thuyên giảm dần.
Mổ sỏi túi mật có nguy hiểm không?
Rủi ro của phẫu thuật sỏi túi mật là tương đối thấp, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ nhất định có nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng, rò rỉ dịch mật, tổn thương đường mật,... Nhưng những nguy cơ này khá thấp và nếu phẫu thật viên giàu kinh nghiệm sẽ giúp hạn chế đối đa rủi ro cho sức khỏe.
Sau mổ cắt túi mật, gan vẫn tiếp tục sản xuất dịch mật, sau đó dịch mật được tiết từ gan sẽ đổ thẳng vào ruột qua ống mật chủ để duy trì quá trình tiêu hóa như bình thường. Thông thường khi có túi mật dự trữ, dịch mật chỉ được đưa xuống ruột non sau bữa ăn. Nhưng ở người đã cắt túi mật, ở mọi thời điểm trong ngày, kể cả lúc đói, ruột không có thức ăn thì dịch mật vẫn được đưa xuống đường tiêu hóa gây ra tình trạng tiêu chảy. Nhưng khi cơ thể thích nghi được với việc thiếu vắng túi mật thì hiện tượng tiêu chảy sẽ giảm dần, thời gian này thường kéo dài từ 6 đến 8 tháng sau phẫu thuật.
Phẫu thuật mổ sỏi mật: những điều cần lưu ý
Phẫu thuật sỏi túi mật gồm 2 phương pháp gồm: mổ nội soi cắt túi mật và mổ hở cắt túi mật. Trong đó phẫu thuật nội soi được áp dụng phổ biến hơn phẫu thuật mổ hở.
Mổ nội soi sỏi túi mật giá bao nhiêu?
Tổng chi phí cho một ca phẫu thuật cắt túi mật nội soi vào khoảng 15 – 20 triệu đồng. Chi phí mổ nội soi cắt túi mật ở một số bệnh viện công vào khoảng 3 triệu đồng/ lần (chưa bao gồm tiền thuốc men và các dịch vụ y tế khác), còn ở một số bệnh viện tư chi phí phẫu thuật có thể chênh lệch đôi chút. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật thường không phức tạp, tỷ lệ tai biến và biến chứng thấp, thời gian nằm viện sau mổ từ 1 – 3 ngày.
Trên đây chỉ là mức giá tham khảo, để hiểu cụ thể hơn người bệnh cần liên hệ trực tiếp với bệnh viện nơi tiến hành phẫu thuật.
Mổ sỏi túi mật chủ yếu thực hiện bằng phẫu thuật nội soi
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ sỏi túi mật
Sau mổ sỏi mật, người bệnh có thể ở lại bệnh viện để theo dõi từ 1-3 ngày (phẫu thuật nội soi) hoặc khoảng 1 tuần (với những trường hợp mổ hở). Trong thời gian nằm viện, người bệnh thường được khuyến khích đi bộ xung quang ngay khi có thể, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
Sau khi xuất viện về nhà, người bệnh cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi nhiều trong khoảng thời gian từ 5 – 7 ngày sau mổ.
- Tránh nâng các vật nặng hay làm việc quá sức.
- Tránh làm nhiễm nước vào vết mổ khi tắm hoặc vệ sinh thân thể.
- Các vấn đề tiêu hóa có thể bị rối loạn trong một vài ngày đầu. Người bệnh thường gặp phải triệu chứng như đầy trướng, đau bụng, tiêu chảy,... Để hạn chế hiện tượng này cần lưu ý ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Tránh đồ ăn chứa nhiều chất béo và dầu mỡ, vừa ăn vừa theo dõi, khi vấn đề tiêu hóa được cải thiện thì có thể quay về chế độ ăn như bình thường. Hầu hết mọi người đều bình phục tốt trong thời gian khoảng 1 tuần sau mổ.
Không phải bất kỳ ai mắc sỏi túi mật đều cần phải phẫu thuật mổ sỏi túi mật, mà cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe, kích thước sỏi, tình trạng túi mật, các bệnh mắc kèm của người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nhưng trước mắt, bạn hãy tạo thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý, trong đó có sỏi mật và kết hợp cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
https://www.webmd.com/digestive-disorders/surgery-for-gallstones#1
http://www.laparoscopicconsultant.co.uk/gallbladder-stones-surgery.html
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/gallbladder-gallstones-and-surgery
Bình luận