Những điều cần biết về hội chứng sau cắt túi mật
Hội chứng sau cắt túi mật là gì?
Bao gồm một nhóm các dấu hiệu, triệu chứng xảy ra ngay sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật hoặc bị dai dẳng kéo dài nhiều năm, thậm chí là vài chục năm sau đó. Đây là một trong những vấn đề mà người bệnh có thể phải đối mặt sau khi mổ cắt bỏ túi mật với tỷ lệ ước tính khoảng 10 - 15% trên tổng số người bệnh.
Các dấu hiệu của triệu chứng này có thể giống như với biểu hiệu của sỏi túi mật (thời điểm chưa cắt túi mật như: đau bụng, đầy trướng, chậm tiêu, buồn nôn… hoặc có một số điểm khác biệt nhất định.
- Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn: Ước tính có khoảng 70% người bệnh mắc hội chứng này bị đau bụng. Trong cơn đau có thể kèm theo buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy.
- Vàng da: Một trong những dấu hiệu của hội chứng sau cắt túi mật nhưng không phổ biến. Vàng da xuất hiện khi có ứ mật, làm tăng nồng độ bilirubin trong máu.
- Lượng dịch mật đổ xuống thực quản và đường tiêu hóa nhiều có thể gây viêm thực quản, viêm dạ dày.
70% người bệnh mắc hội chứng sau cắt túi mật bị đau bụng
Nguyên nhân của hội chứng sau cắt túi mật
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, trong đó có tới 50% các trường hợp là liên quan để sự bất thường trong dòng chảy của dịch mật, nguyên nhân cụ thể như:
- Tổn thương đường mật sau phẫu thuật
- Hẹp lòng ống mật
- Rò rỉ dịch mật sau phẫu thuật
- Nhiễm khuẩn đường mật, vết mổ hoặc ổ bụng
- Sót sỏi trong đường mật hoặc ống tụy
- Rối loạn hoạt động cơ vòng Oddi
- Khối u đường mật trong gan
- Viêm dạ dày; trào ngược dạ dày, thực quản
- Hội chứng ruột kích thích
- Căng thẳng, stress và các yếu tố tâm lý liên quan
Đặc biệt những người phải cắt túi mật nhưng không do sỏi, cắt túi mật trong những trường hợp cấp cứu, người trẻ hoặc người có tiền sử mắc hội chứng ruột kích thích từ trước có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Khoảng 5% trường hợp mắc PCS nhưng không tìm ra nguyên nhân.
Cách điều trị khi mắc hội chứng sau cắt túi mật
Một trong những khó khăn trong chẩn đoán khi mắc PCS là các triệu chứng không thực sự rõ ràng, đôi khi dễ gây nhầm lẫn. Cách chính để điều trị là xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp: điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hội chứng sau cắt túi mật để có chỉ định điều trị phù hợp
Điều trị nội khoa
Thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc để điều trị và cải thiện triệu chứng. Nếu người bệnh gặp hội chứng ruột kích thích sẽ cần điều chỉnh chế độ ăn tăng cường chất xơ để tăng khối lượng phân, kết hợp dùng thuốc giảm co thắt cơ để tránh co bóp đại tràng. Các thuốc giúp loại bỏ bớt acid mật trong đường tiêu hóa được kê cho người bệnh để kiểm soát tình trạng tiêu chảy.
Còn với những người gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton hoặc kháng histamin để điều trị hạn chế hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản.
Đặc biệt, người bị cắt túi mật nên ăn uống những thực phẩm dễ tiêu, hạn chế mỡ và những đồ ăn chiên rán; vừa ăn vừa thăm dò với lượng thức ăn từ ít đến nhiều, nếu không thấy xuất hiện những khó chịu nào đáng kể thì có thể trở lại ăn uống bình thường.
Can thiệp ngoại khoa
Can thiệp - phẫu thuật thường được trong những trường hợp xác định được nguyên nhân chính xác như sót sỏi trong ống mật hoặc rối loạn hoạt động cơ vòng Oddi. Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) thường được chỉ định vừa để thăm dò, đồng thời vừa để lấy sỏi còn lại trong đường mật.
Còn những nguyên nhân liên quan đến mật - tụy, rối loạn hoạt động cơ vòng Oddi có thể được chỉ định phẫu thuật tái tạo cơ vòng Oddi qua tá tràng.
Với một số người “Hội chứng sau cắt túi mật” không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng với một số khác hội chứng này lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống. Vì thế, sau phẫu thuật cắt túi mật nếu vẫn còn gặp phải các dấu hiệu như đau bụng, chậm tiêu, tiêu chảy hoặc vàng da… trong thời gian dài tốt nhất cần sớm đến cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.
Biên tập viên sức khỏe
Tham khảo:
http://www.medfriendly.com/post-cholecystectomy-syndrome.html
https://emedicine.medscape.com/article/192761-overview#a5
Bình luận