Rối loạn vận động mật
Rối loạn vận động mật thường là triệu chứng của một bệnh nào đó như sỏi mật, viêm đường mật, túi mật, viêm tụy cấp hoặc mãn tính, và nhiều rối loạn tiêu hóa khác.
Nguyên nhân gây rối loạn vận động mật có thể là do: mất cân bằng giữa cholecystoltinin và anticholecy stokinin, suy nhược thần kinh, rối loạn hormone sinh dục, thời kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng của các phản xạ, các ổ viêm nhiễm lân cận, viêm túi mật mãn tính, căng thẳng thần kinh...
Các triệu chứng của bệnh rối loạn vận động mật
Rối loạn vận động mật tùy theo mức độ của bệnh mà gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như: khó tiêu, đầy hơi; xuất hiện các cơn đau quặn gan; đau dữ dội vùng hạ sườn phải, lan ra sau lưng và lên vai phải, đôi khi đau lan sang cả vùng thượng vị nên dễ nhầm tưởng là đau dạ dày hoặc đau do sỏi mật gây ra, tuy nhiên trong trường hợp này sẽ không có sốt và vàng da như bị sỏi mật.
Rối loạn vận động mật có 02 dạng chủ yếu:
- Rối loạn vận động do khả năng co bóp của túi mật kém: Túi mật bị mất trương lực sẽ bị giãn ra và ứ đầy mật, dẫn đến việc co bóp tống đẩy mật ra khó khăn. Rối loạn này ít gây đau đớn mà chỉ làm cho bệnh nhân khó tiêu.
- Rối loạn nhu động của cơ vòng Oddi: Khi con người ăn vào, một hormone được gọi là cholecystokinin được tiết ra bởi các tế bào ruột non, cholecystokinin liên kết với các thụ thể trong cơ túi mật và làm cho túi mật co bóp để đẩy dịch mật ra khỏi túi mật.
Bên cạnh đó thì các cholecystokinin cũng liên kết với các thụ thể trong cơ vòng Oddi và làm giãn cơ vòng này ra. Khi cơ vòng Oddi giãn ra, túi mật co lại, bằng cách này mật sẽ từ túi mật di chuyển xuống đường ống dẫn mật và vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Trong một số trường hợp cơ vòng Oddi hoạt động không đúng, dịch mật không lưu thông được thì gây ra rối loạn vận động mật và gây ra những cơn đau quặn gan.
Phương pháp điều trị rối loạn vận động mật
Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc giảm đau, chống co thắt, thuốc nhuận mật, thuốc an thần hoặc tiến hành thông tá tràng tháo dịch mật nếu có điều kiện. Có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp điều trị ngoại khoa nếu điều trị nội khoa thất bại.
Ngoài ra, các bệnh nhân bị rối loạn vận động mật có thể chú ý một số điều sau:
- Cố gắng giữ bình tĩnh vì rối loạn vận động mật có thể liên quan đến hệ thống thần kinh.
- Chia nhỏ bữa ăn ra, có thể làm 4 – 5 bữa trong ngày.
- Tránh thức ăn có nhiều chất béo, đồ chiên xào, nước sốt và các món hầm; nên ăn nhiều đồ luộc hoặc nướng.
- Ngừng hút thuốc, cố gắng luyện tập thể dục thể thao và có một lối sống lành mạnh.
DS Đông Tây
Bình luận