Tìm hiểu về phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng ERCP

Tìm hiểu về phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng ERCP

Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography viết tắt là ERCP) là một kỹ thuật chuyên biệt dùng để quan sát hình ảnh của các ống dẫn mật và đôi khi là các ống tụy.

Ống dẫn mật là những ống dẫn lưu mật từ gan vào túi mật và đổ xuống tá tràng, ống tụy là những ống dẫn lưu dịch tụy đến ruột non. Phần ống tại nơi mà ống mật chủ và ống tụy hòa nhập để đi vào tá tràng sẽ phình to ra gọi là bóng Vater.

ERCP có thể giúp chẩn đoán chính xác, đồng thời giúp điều trị các bệnh lý sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật do sỏi, hẹp - tắc nghẽn đường mật, giun chui ống mật, viêm tụy cấp do sỏi kẹt tại bóng Vater....

Cách thức tiến hành và đối tượng cần làm ERCP

Bác sĩ dùng ống nội soi nhỏ, mềm, đầu được gắn camera, đưa qua miệng bệnh nhân xuống thực quản, dạ dày và phần đầu ruột non, nơi có lỗ của đường mật - tụy chảy xuống ruột non. Thông qua lỗ này bác sĩ bơm thuốc cản quang, chụp hình đường mật - tụy. Thủ thuật có thể kéo dài từ 30 - 60 phút tùy thuộc vào những gì được thực hiện. Hình ảnh nhìn thấy giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí, kích thước, số lượng sỏi mật; hình ảnh giun trong đường mật; ung thư đường mật... Qua đó tiến hành lấy sỏi, tán sỏi, gắp giun, đặt stent đường mật... tùy theo bệnh lý cụ thể.

Phương pháp ERCP thường được các bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Sỏi ống mật chủ.
- Nhiễm trùng đường mật.
- Viêm tụy cấp do sỏi mật.
- Giun chui ống mật.
- U nhú Vater.
- Ung thư tụy
- Ung thư đường mật.....

ERCP được thực hiện phổ biến nhất là để khảo sát và điều trị những bệnh lí của ống mật hoặc tuyến tụy. Các phương pháp: siêu âm bụng, CT Scanner, MRI chỉ có thể giúp đánh giá và chẩn đoán nhưng không có khả năng can thiệp, điều trị. Trong khi ERCP có thể thực hiện can thiệp điều trị như lấy sỏi, mở thông đường mật tụy.
Phuong-phap-noi-soi-mat-tuy-nguoc-dong-ERCP

Cần chuẩn bị như thế nào trước khi làm ERCP?

- Ruột của bạn cần phải sạch để bác sĩ có thể quan sát được rõ ràng vì vậy bạn phải nhịn ăn uống ít nhất 8h trước khi nội soi.
- Nếu bạn thường dùng thuốc tim mạch hoặc thuốc chống co giật thì dùng nó như bình thường vào ngày chỉ định, hạn chế uống nước.
- Nếu bạn bị tiểu đường: không uống thuốc buổi sáng cho đến sau khi làm ERCP.
- Liên hệ với bác sĩ ít nhất 10 ngày trước khi làm thủ thuật nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang uống chống đông như: Aspirin, Warfarin, Enosaparin (clexane), Plavix (clopidogrel).
- Mang theo danh sách của các loại thuốc và liều dùng thuốc của bạn.

Những biến chứng có thể xảy ra:

Nhìn chung ERCP là một phương pháp khá an toàn và tối ưu nếu bác sĩ nội soi được đào tạo tốt, có kinh nghiệm.

Sau khi thực hiện nội soi, người bệnh có thể gây khó chịu nhẹ bao gồm buồn nôn, trướng bụng, tác dụng tê tại tại chỗ vùng cổ họng khoảng 1 giờ dẫn đến khó khăn trong việc nuốt và cũng có thể gây ra một số biến chứng:
- Chảy máu đường mật (2%)
- Viêm đường mật (2%)
- Viêm tụy (2%)
- Tổn thương đường mật (1%)
- Thủng tá tràng (1%)

Vì thế, người bệnh cần phải nhập viện hoặc báo ngay cho bác sĩ biết khi thấy có những triệu chứng sau xuất hiện: Đau bụng dữ dội, đầy trướng, ói mửa, sốt hoặc ớn lạnh, khó khăn trong việc nuốt hoặc đau họng nghiêm trọng...

DS Đông Tây

Bình luận