Nếu bạn đang có mắc các bệnh về gan, hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học. Điều này có thể giúp phục hồi phần nào chức năng gan và ngăn ngừa những tổn thương nặng thêm.

Nguyên tắc ăn uống khi mắc bệnh gan:

Giảm bớt mỡ; tăng cường chất đạm; bổ sung thêm nhiều vitamin tan trong dầu như A, D, E, K và vitamin nhóm B; ăn nhiều glucid (đường) để gan tạo được nhiều glycogen. Nhiều bằng chứng cho thấy, chế độ ăn nhiều glucid còn làm chậm lại sự xâm nhập của lipid (mỡ) vào gan.


Chế độ dinh dưỡng họp lý cho người bị viêm gan cấp

Thực đơn cho người bị viêm gan cấp

Khi viêm gan cấp hàng loạt các rối loạn về chuyển hóa sẽ xảy ra do tế bào gan bị hoại tử, biểu hiện là tăng men gan, chủ yếu là ALT (SGPT). Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời và chính xác thì tế bào gan có thể được tái tạo, chức năng gan có thể hồi phục hoàn toàn. Trong điều trị viêm gan cấp thì điều cốt yếu là chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý.

Thực đơn chế độ ăn lỏng cho người bệnh viêm gan cấp giai đoạn đầu:

Trong thời gian đầu khi đang sốt, nên uống nước đường, nước luộc rau. Khi đã đỡ sốt, đi tiểu nhiều nên dùng sữa và bột. Sữa là thức ăn tốt để giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa, sữa tách bơ càng tốt. Dùng sữa cùng với đường, mật, bột (cháo).

+ 6h: sữa bò tươi 300ml + đường 10g.

+ 9h: nước cam (cam 1 quả 250g, đường 20g).

+ 11h: nước cháo đường 300ml (gạo 30g, đường 30g).

+ 14h: nước cam (cam 1 quả 250g, đường 20g).

+ 17h: nước cháo 300ml (gạo 30g, đường 30g).

+ 20h: sữa bò tươi 300ml + đường 10g.

Tổng hợp thực phẩm: gạo 60g, cam 50g, sữa bò tươi 600ml, đường kính 120g.

Thành phần dinh dưỡng: năng lượng 1.236Kcal; protid 28g; lipid 21g; glucid 234g.

Nếu ăn không đủ theo đường tiêu hóa có thể truyền thêm glucose để thêm năng lượng.

Thực đơn bổ sung cho giai đoạn tiếp theo:

Khi thời gian nôn ọe đã qua, dùng chế độ sữa + bột + rau củ, nghĩa là cùng với sữa cho ăn thêm cháo, phở, quả chín (chuối), rau tươi nấu chín (trừ cải, đậu đỗ).

Năng lượng: 30Kcal/kg cân nặng hiện tại/ngày.

Protid: 0,8 – 1g/kg cân nặng hiện tại/ngày. Tỷ lệ protid động vật tổng số trên 50%.

Lipid: 10 – 15% tổng năng lượng. Acid béo không no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và acid béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.

Đủ vitamin, chất khoáng và nước. Không dùng thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng. Số bữa ăn 4 – 6 bữa/ngày.

Giai đoạn hồi sức: cần chú ý tăng protid (chất đạm), ngoài sữa cần dùng thêm thịt cá, trứng. Protid: tăng lên 1 – 1,5g/kg thể trọng. Có thể chọn 1 trong 2 thực đơn sau:

Thực đơn 1:

Bánh mì 70g, gạo 300g, rau 400g, dầu 10g, thịt nạc 80g, đậu phụ 50g, chuối 50g; năng lượng 1.572Kcal; protid 57g; lipid 23g; glicid 285g; nước 554ml.

Sáng: bánh mỳ + thịt nạc.

Trưa: cơm 150g gạo, đậu phụ kho thịt nạc (đậu phụ 70g, thịt 30g); canh rau (rau 200g).

Chiều: cơm gạo 150g, canh rau (rau 200g), thịt xíu 50g, chuối 1 quả.

Chú ý: Nấu nhạt nếu bệnh nhân bị phù.

Thực đơn 2:

Thịt thăn 100g, trứng gà 40g; sữa tươi 200ml, dầu 8g; gạo 300g; rau cải 100g; khoai 200g; đường 25g; năng lượng 1.723Kcal; protid 59g; lipid 29g; glucid 307g; nước 566ml.

Sáng: sữa tươi 200ml + đường 25g; trứng gà 1 quả.

Trưa: cơm gạo 150g + thịt viên hấp 50g + canh rau nấu thịt (thịt 10g, rau 100g)

Chiều: cơm + khoai tây hầm thịt (khoai 200g + thịt 40g, dầu 8g).

Chú ý: Nấu ít muối nếu bệnh nhân không phù. Không nấu muối nếu bệnh nhân phù (ăn nhạt).

DS Đông Tây

Kim Đởm Khang Giúp làm mềm sạn sỏi và bài sỏi mật

Bình luận