Những nguyên nhân gây bệnh gan
Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những bệnh lí về gan cũng đang ngày càng gia tăng và trở nên phổ biến. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh gan có thể được phân thành 3 nhóm:
1. Bệnh gan do thuốc hoặc độc tố
- Bệnh gan do rượu: Tác nhân phổ biến nhất gây độc cho gan mà chúng ta vẫn thường biết đến chính là rượu. Rượu là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau viêm gan B. Những người uống quá nhiều rượu trong thời gian dài gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe lá gan của họ. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do uống rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu bệnh sẽ tiến triển dần, các tế bào gan bị viêm và hoại tử. Tổn thương kéo dài qua nhiều năm, các tế bào gan sẽ chết dần và được thay thế bằng các mô xơ, giai đoạn cuối cùng bệnh nhân sẽ bị xơ gan do rượu. Gan mất dần khả năng hoạt động và có thể dẫn đến tử vong.
- Thuốc gây tổn thương gan: Rất nhiều loại thuốc có thể gây độc gan, từ những loại thuốc thông thường như acetaminophen (paracetamol - giảm đau, hạ sốt) có thể dẫn đến suy gan nếu quá liều, đến một số loại thuốc như thuốc hạ mỡ máu (statin) cũng làm hỏng gan. Một số loại thuốc khác cũng có thể gây hại cho gan bao gồm thuốc kháng sinh - nitrofurantoin, tetracycline, isoniazid… hoặc thuốc chống ung thư - methotrexate…
2. Viêm gan do virut
- Viêm gan siêu vi B và C: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về gan hiện nay. Virut lây truyền qua đường máu hoặc quan hệ tình dục, gây tổn thương gan mạn tính, thậm chí có thể dẫn đến ung thư gan. Viêm gan B đã có vắc - xin để phòng tránh, nhưng viêm gan C cho đến nay chưa có loại thuốc nào có thể chích ngừa hoặc chữa lành hẳn. Tại Hoa Kỳ, viêm gan C hiện vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc thay ghép gan.
- Viêm gan A: Virut viêm gan A có thể lây truyền qua đường tiêu hóa, qua thức ăn và nguồn nước bị ô nhiễm. Bệnh thường không có giai đoạn mãn tính và không gây tổn thương vĩnh viễn đối với gan. Triệu chứng thường rất nhẹ và mơ hồ, không gây trở ngại gì đáng kể trong cuộc sống hàng ngày. Một số ít trường hợp có thể bị viêm gan cấp tính tái đi tái lại nhiều lần, và một số rất ít trường hợp có thể bị viêm gan ác tính dẫn đến tử vong.
3. Bệnh gan do rối loạn trao đổi chất và một số nguyên nhân khác
- Gan nhiễm mỡ không do rượu: Thường xảy ra ở những người có béo phì, tiểu đường và có cholesterol trong máu cao.
- Bệnh Hemochromatosis: Là một rối loạn gây ra do cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt. Lượng sắt dư thừa được lắng đọng trong các mô và các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là da, tim, gan, tuyến tụy và khớp xương, gây thiệt hại mô và các cơ quan. Đây thường là một bệnh lí di truyền. Khi có quá nhiều sắt lắng đọng trong gan, các tế bào gan sẽ bị tổn thương, có thể dẫn đến gan to, xơ gan, suy gan và ung thư gan.
- Bệnh Wilson: Là bệnh di truyền do sự tích lũy đồng trong cơ thể, chủ yếu là ở gan và não. Sự tích lũy đồng gây độc cho gan và do đó thường gây viêm gan, dẫn đến vàng da, đau bụng và buồn nôn. Nếu không được điều trị, sự tổn thương tế bào gan sẽ gây ra xơ gan.
- Viêm gan tự miễn: Xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể nhận thấy các tế bào gan như một tế bào lạ và tấn công nó, gây tổn thương gan. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
- Xơ gan mật tiên phát: Đây cũng là một tình trạng được cho là bệnh lý tự miễn, làm phá hủy dần các ống dẫn mật trong gan, cản trở sự tiết mật, gây viêm gan kéo dài, hình thành những vết sẹo trong gan và dần dần dẫn đến xơ gan.
- Sỏi mật: Sỏi làm tắc nghẽn đường mật, gây ứ trệ và tăng áp lực dịch mật, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn đi ngược dòng và xâm nhập gây nhiễm khuẩn đường mật. Cuối cùng có thể dẫn đến áp xe gan mật.
- Ung thư gan: Có thể là ung thư nguyên phát (ung thư bắt đầu từ gan), hoặc ung thư thứ phát (do một ổ ung thư khác di căn đến như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư xương…). Việc chẩn đoán và điều trị sớm ung thư gan sẽ quyết định đến tuổi thọ của bệnh nhân.
DS Đông Tây
Bình luận