Chỉ xác (Fructus Citri aurantii) là vị thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền. Dược liệu được lấy từ nhiều loài cây thuộc chi citrus, họ cam (rutaceae). Ở Việt Nam, người ta thu hái vị thuốc này từ loài citrus hystrix DC. Tùy theo thời kỳ thu hái mà có chỉ thực hoặc chỉ xác. Chỉ thực là quả non được hái ở cây hoặc do gió mạnh làm rụng xuống gốc (nhưng chưa bị úa hoặc thối vàng) vào tháng 5, tháng 6; còn chỉ xác là quả hái vào lúc gần chín, vỏ ngoài còn màu xanh vào tháng 7, tháng 8.

Có khi lại là cây chấp (quả dùng gội đầu thay chanh). Quả chấp được dùng làm chỉ thực có đường kính 1-2cm và chỉ xác với đường kính 3-5cm. Người ta còn dùng cả quả bưởi non, cam sành non làm chỉ xác.

Những quả được dùng làm chỉ thực, chỉ xác, hái về, bổ đôi theo chiều ngang, để nguyên ruột và hạt, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 40-50oC (không phơi nắng to hoặc sấy ở nhiệt độ cao vì làm giảm phẩm chất của dược liệu). Dược liệu đã chế biến là những nửa quả, to nhỏ không đều, có vỏ ngoài dày và nhăn nheo, màu lục đen hoặc nâu sẫm, ở giữa là các múi nhỏ xếp theo hình nan hoa, nhăn nhúm màu đen tím, có lẫn hạt, chất cứng rắn, khó bẻ gẫy, mùi thơm nhẹ. Thành phần hóa học của chỉ thực, chỉ xác là tinh dầu, alcaloid, saponin... Kinh nghiệm dân gian cho là dược liệu để càng lâu càng quý và tốt giống như vị trần bì (vỏ quýt).
Chi-xac-la-mot-duoc-lieu-quy-giup-gian-day-truong-kho-tieuChỉ xác là một dược liệu quý giúp giản đầy trướng, khó tiêu

Khi dùng, khoét bỏ ruột và hạt, rửa sạch, ngâm nước ủ mềm, thái lát rồi phơi hoặc sấy khô để dùng sống. Nếu dùng dạng sao thì bào chế theo cách sau: Cho cám gạo vào nồi với tỷ lệ cứ 100g cám cho 1kg dược liệu, rang cám nóng đến khi có khói bốc lên thì đổ chỉ thực, chỉ xác đã thái lát vào, đảo đều đến khi dược liệu có màu vàng nhạt là được. Lấy ra, sàng bỏ cám.

Theo Y học cổ truyền, chỉ xác có vị đắng, cay chua, mùi thơm, tính mát hơi lạnh, vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng có tác dụng phá khí, tiêu tích, hóa đờm, giảm đau, lợi tiểu.

Với người bị sỏi mật, sỏi làm cản trở sự lưu thông của dịch mật, dẫn đến thiếu dịch mật để tiêu hóa thức ăn, khiến người bệnh có cảm giác đầy bụng, khó tiêu đặc biệt là sau những bữa ăn giàu chất béo. Trong trường hợp này chỉ xác sẽ giúp kích thích tiêu hóa, làm giảm triệu chứng đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu.

Chỉ xác có thể được dùng với lượng 6-12g một ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống. Dược liệu thường được dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

+ Chữa gan, dạ dày kém hoạt động: Chỉ xác còn được biết đến là một dược liệu tốt cho gan. Chỉ thực 20g, bạch truật 6g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2-3 lần trong ngày.

+ Chữa kém tiểu, bụng đầy trướng, khó tiêu: Kết quả thực nghiệm cho thấy Chỉ thực và Chỉ xác vừa có tác dụng làm giảm trương lực cơ trơn của ruột và chống co thắt vừa có thể hưng phấn tăng nhu động ruột, do trạng thái chức năng cơ thể, nồng độ thuốc và thực nghiệm khác nhau mà có tác dụng cả hai mặt ngược nhau, như vậy dùng thuốc để điều chỉnh sự rối loạn chức năng đường tiêu hóa ở trạng thái bệnh lý là tốt.

Ngoài ra, Chỉ xác có tác dụng trừ đờm, hoá thấp, lợi tiểu, ra mồ hôi, yên dạ dày, ruột … Ngày 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc: Chỉ xác, rễ xuyên tiêu, nhục quế, nghệ rừng (lượng bằng nhau), phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi ngày uống 16g với nước gừng, chia làm hai lần trước bữa ăn (Nam dược thần hiệu).

+ Chữa táo bón: Chỉ thực hoặc chỉ xác 20g, bồ kết 20g bỏ hạt. Hai vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.

+ Chữa đau tức, đầy hơi, ăn không được: Chỉ xác 25g, táo mèo 25g, củ sả 25g, vỏ vối 25g, vỏ quýt 25g, củ gấu 40g, gừng tươi 20g, phèn phi 10g. Tất cả phơi khô, sao giòn, tán bột mịn. Người lớn: Mỗi lần uống hai thìa cà phê; trẻ em tùy tuổi: 1/2-1 thìa cà phê. Ngày hai lần, uống với nước ấm.

+ Chữa cam tích trẻ em: Chỉ thực 8g, nghệ đen 6g, quả giun 6g. Sắc hoặc tán bột uống với nước sắc hạt muồng sao.

Ngoài ra, chỉ xác, kinh giới, hoa hòe và ngải cứu nấu nước, rồi hòa ít phèn chua, dùng xông và rửa để chữa trĩ.

Lưu ý: Phụ nữ có thai, người tỳ vị hư hàn, tạng gầy yếu không nên dùng chỉ thực, chỉ xác.

DS Đông Tây

Bình luận