Chẩn đoán và điều trị vôi hóa thành túi mật
Chẩn đoán vôi hóa thành túi mật
Nguyên nhân và cơ chế hình thành túi mật sứ
Có tới 90% các trường hợp túi mật sứ có liên quan tới sỏi mật. Sỏi mật có kích thước như một hạt cát, thậm chí lớn như quả bóng golf được hình thành trong túi mật hoặc ống mật, làm cản trở dòng chảy bình thường của dịch mật gây tắc mật. Tắc mật diễn ra lâu ngày gây nhiễm trùng tại chỗ và lây nhiễm cho toàn bộ túi mật, cuối cùng dẫn tới tình trạng viêm túi mật mãn tính. Theo thời gian, các đợt nhiễm trùng và viêm diễn ra; thành và niêm mạc túi mật dày lên, cứng lại; thành túi mật trở nên chắc, giòn và có màu phớt xanh do bị vôi hóa.
Phương pháp chẩn đoán túi mật sứ
Bệnh nhân túi mật sứ thường không có triệu chứng, chỉ tình cờ được phát hiện trên X-quang, siêu âm ổ bụng, hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).
Chụp cắt lớp vi tính có độ nhạy và khả năng phát hiện túi mật sứ cũng như biến chứng của nó là ung thư túi mật cao hơn nhiều so với chụp X quang ổ bụng thông thường.
Siêu âm là phương pháp chủ yếu để chẩn đoán túi mật sứ vì nó dễ dàng phát hiện sự vôi hóa nằm ở thành túi mật; tuy nhiên, đôi khi siêu âm phát hiện nhầm túi mật sứ với sỏi canxi lớn trong túi mật và viêm túi mật khí thũng (viêm túi mật do thiếu máu cục bộ ở người bệnh tiểu đường đã bị biến chứng thần kinh).
Điều trị như thế nào?
Có đến 30% số bệnh nhân khi được chẩn đoán túi mật sứ đã phát hiện ung thư túi mật, 70% còn lại có nguy cơ cao bị ung thư túi mật so với người bình thường. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng nên phẫu thuật cắt bỏ túi mật khi phát hiện có hiện tượng vôi hóa. Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng có thể khác nhau dựa vào hình ảnh của túi mật trên siêu âm và biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân.
Trên siêu âm, có 3 dạng khác nhau của thành túi mật bị vôi hóa: (I) dải hoặc hình bán nguyệt tăng âm có bóng cản - niêm mạc thành túi mật vôi hóa rất rộng và liên tục của các lớp cơ; (II) cấu trúc tăng âm cong, hai mặt lồi với mức độ cản âm thay đổi; và (III) cục gồ ghề tăng âm có bóng cản. Loại II và III được đặc trưng bởi sự hiện diện của nhiều loại chấm vôi hóa nằm trên niêm mạc túi mật, đây là loại vôi hóa đặc trưng cho vôi hóa kiểu quả dâu – được xem là 2 thể nguy hiểm nhất, có nguy cơ ung thư cao. Trong trường hợp này phẫu thuật mở cần được khuyến cáo ưu tiên cho bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một vết rạch khoảng 13-18 cm ở phần hạ sườn phải để loại bỏ hoàn toàn túi mật. Ngược lại với loại II và III, túi mật sứ loại I ít nghiêm trọng hơn, đôi khi có thể được điều trị bằng phẫu thuật ít xâm lấn như cắt túi mật nội soi để giảm nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
DS. Đông Tây
Bình luận