Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim) thường bắt nguồn từ cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch vành, làm thiếu máu cục bộ một vùng cơ tim, nguy cơ đe doạ tính mạng người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được cấp cứu nhanh chóng nếu có dấu hiệu đau ngực dữ dội, khó thở, ngất để giảm thiểu thiệt hại cho cơ tim, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nặng nề của nhồi máu cơ tim.

Phần I: Bệnh nhồi máu cơ tim: nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và đối tượng có nguy cơ cao

Vai trò của động mạch vành tim

Tim cấu tạo chủ yếu từ các cấu trúc cơ đặc biệt, được gọi là cơ tim. Nó hoạt động như một chiếc máy bơm, chịu trách nhiệm bơm máu giàu oxy vào động mạch để đưa đến tất cả các cơ quan và hút máu giàu CO2 từ các cơ quan trở về tim. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả và liên tục như vậy, tim có một hệ thống mạch máu riêng cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng, được gọi là hệ thống động mạch vành. Động mạch vành chính là 1 nhánh đi ra từ động mạch chủ (động mạch nhận máu giàu oxy từ các buồng tim để cung cấp cho cơ thể). Động mạch vành chính này được chia thành các nhánh nhỏ hơn và cung cấp máu đến tất cả các phần của cơ tim.

He-thong-mach-vanh-nuoi-tim

Hệ thống mạch vành nuôi tim

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Cục máu đông (huyết khối): Là nguyên nhân hàng đầu gây ra cơn đau tim. Ở động mạch khỏe mạnh bình thường, các cục máu đông thường ít có cơ hội hình thành. Nhưng nếu xuất hiện mảng xơ vữa hoặc tổn thương lòng động mạch sẽ là yếu tố tiền đề cho việc hình thành cục máu đông.

Mảng vữa xơ bao gồm một lớp màng mỏng bên ngoài với một lõi chất béo mềm bên trong. Nó có thể hình thành qua nhiều năm, tại một hoặc nhiều vị trí trong động mạch vành. Khi lớp vỏ bên ngoài của mảng xơ vữa nứt vỡ, lớp lõi mềm mại bên trong có điều kiện tiếp xúc với các thành phần trong máu và kích hoạt các cơ chế đông máu để tạo thành cục máu đông. Vì vậy, có thể khẳng định rằng mảng xơ vữa chính là nguyên nhân gốc rễ của cơn nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân hiếm gặp khác

Một vài bệnh lý bất thường khác có thể ngăn chặn dòng máu từ động mạch vành tới cơ tim như:

- Viêm động mạch vành

- Vết thương đâm vào tim

- Cục máu đông hình thành ở nhiều vị trí khác trong cơ thể (như trong buồng tim) nhưng di chuyển tới động mạch vành và bị mắc kẹt tại đó.

- Co thắt động mạch vành cấp do dùng chất kích thích, điển hình như cocaine

- Biến chứng sau phẫu thuật tim và một số bệnh tim khác…

Ai có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim?

Nguy cơ nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào các yếu tố như:

- Độ tuổi: Tại Anh, có tới 146.000 người trên 50 tuổi gặp phải cơn nhồi máu cơ tim mỗi năm, nguy cơ này sẽ tăng lên cùng với độ tuổi, nhưng những người trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuổi tác cũng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở Việt Nam, theo thống kê của bệnh viện Hữu nghị, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim tăng dần theo lứa tuổi, từ 53% ở độ tuổi 60 -69 lên đến 83% ở độ tuổi trên 80.

- Giới tính: Ở độ tuổi dưới 50, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở nam giới cao gấp 3 lần so với phụ nữ. Tuy nhiên, sau 50 tuổi, nguy cơ này như nhau ở nam và nữ, do suy giảm nội tiết tố nữ nên mất đi yếu tố bảo vệ tim.

- Bệnh tim mạch: Cơn đau tim có thể xảy ra ở những người bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành hay rối loạn mỡ máu… đang có cơn đau thắt ngực. Nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người không có triệu chứng báo trước của bệnh tim, bởi mảng xơ vữa thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào.

- Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim là: hút thuốc lá, thừa cân, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch.

Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim là gì?

Triệu chứng thường gặp nhất là đau ngực dữ dội, người bệnh cảm thấy có vật nặng đè lên trên ngực. Cơn đau tim có thể đi lên quai hàm, xuống hai cánh tay, kèm theo đổ mồ hôi, khó thở và cảm thấy mệt. Cơn đau có thể giống với đau thắt ngực, nhưng nó nặng hơn và kéo dài lâu hơn vì đau thắt ngực thường hết sau một vài phút, còn đau tim thường kéo dài trên 15 phút, có khi vài giờ.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, có thể người bệnh chỉ có cảm giác khó chịu nhẹ ở lồng ngực, cơn đau tim lúc này dễ bị nhầm lẫn với chứng khó tiêu hoặc ợ nóng.

Hiếm gặp cơn đau tim xảy ra mà không có dấu hiệu nào và nó chỉ được chẩn đoán trên điện tâm đồ sau đó.

Nếu bạn nghĩ rằng mình hoặc người thân đang gặp phải tình trạng nhồi máu cơ tim, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu ngay lập tức.

Các biến chứng của nhồi máu cơ tim

Thường phụ thuộc vào số lượng của cơ tim đã bị tổn thương, hay nói cách khác là vị trí mạch vành bị tắc nghẽn. Trong nhiều trường hợp, chỉ một phần nhỏ cơ tim bị ảnh hưởng và sau đó chỉ để lại sẹo nhỏ, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của tim. Một cơn đau tim với vùng cơ tim lớn bị ảnh hưởng có thể đe dọa tính mạng hoặc gây ra các biến chứng sau đây:

- Suy tim: Nếu phần lớn cơ tim bị tổn thương sau nhồi máu cơ tim, sẽ làm giảm đáng kể khả năng bơm máu của tim, khiến toàn bộ cơ thể thiếu máu, đặc biệt khi tập thể dục hoặc làm việc nặng. Những triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, phù mắt cá chân… là những dấu hiệu của suy tim. Suy tim nhẹ thường có thể được điều trị bằng thuốc, nhưng nếu ở thể nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

- Rối loạn nhịp tim: Xảy ra khi các hoạt động điện của tim bị ảnh hưởng. Đặc trưng bởi tình trạng tim đập nhanh đột ngột, hỗn loạn, dẫn tới rung thất - là nguyên nhân phổ biến gây ngừng tim. Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức bằng sốc điện hay máy khử rung tim để tránh nguy cơ tử vong đột ngột. Các trường hợp nhịp tim bất thường nhưng ít nghiêm trọng khác cũng có thể xảy ra và được điều trị bằng thuốc.

Roi-loan-nhip-tim-la-1-bien-chung-cua-nhoi-mau-co-tim

Rối loạn nhịp tim là 1 biến chứng của nhồi máu cơ tim

- Tái nhồi máu cơ tim: Có thể xảy ra nếu động mạch vành bị tắc nghẽn trở lại do mảng xơ vữa, cục máu đông tiếp tục hình thành. Vì vậy, người bệnh có nguy cơ cao nên đặt stent trong quá trình phẫu thuật lần đầu hoặc làm can thiệp mở rộng các động mạch vành bị hẹp khác, mặc dù nó chưa bị tắc nghẽn.

Phần II: Chẩn đoán, điều trị nhồi máu cơ tim và chăm sóc sau nhồi máu cơ tim

 

Nguồn tham khảo:
http://patient.info/
http://vnha.org.vn/

Bình luận