Đường huyết tăng cao trong bệnh tiểu đường type 2 là do cơ thể đề kháng insulin và hoặc tuyến tụy có xu hướng giảm hoạt động, sản xuất ít insulin hơn. Do vậy, tùy vào mức độ và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định các nhóm thuốc điều trị sao cho phù hợp. Hầu hết các loại thuốc này đều có khả năng tác động làm tăng độ nhạy cảm của insulin, kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin hoặc làm giảm hấp thu đường sau ăn.

Nhóm thuốc Biaguanide ứng dụng phổ biến trong điều trị tiểu đường

Metformin (Glucophage) là thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm Biaguanide, chúng hoạt động bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan và làm cho các tế bào nhạy cảm với insulin hơn, tăng sử dụng glucose ở cơ và giảm hấp thu glucose ở ruột. Metformin có thể được sử dụng kết hợp cùng với các loại thuốc tiểu đường khác.

Metformin còn có thể giúp người bệnh giảm cảm giác thèm ăn, không gây hạ đường huyết hoặc tăng trọng lượng cơ thể, do đó, nó được coi là lựa chọn đầu tiên cho hầu hết những bệnh nhân bị tiểu đường type 2, đặc biệt nếu họ bị thừa cân, béo phì. Ngoài ra, nó còn được sử dụng cho trẻ em, phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang và trong giai đoạn tiền tiểu đường để ngăn ngừa nguy cơ tiến triển thành tiểu đường type 2. Một số nghiên cứu cho thấy, thuốc có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đau tim và tử vong do biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.

Thuoc-Metformin-trong-dieu-tri-benh-tieu-duong-type-2
Thuốc Metformin trong điều trị bệnh tiểu đường type 2

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc: vị kim loại trong miệng, rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, giảm khả năng hấp thu vitamin B12 và acid folic, hiếm gặp hơn là bị nhiễm toan lactic có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Để hạn chế tác dụng phụ, nên bắt đầu Metformin với liều thấp, sau đó tăng lên từ từ và uống khi đang ăn hay sau bữa ăn.

Nhóm Sulfonylurea, dòng thuốc uống trị tiểu đường ra đời đầu tiên

Sulfonylurea là nhóm thuốc kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin. Để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, người bệnh nên uống 20 - 30 phút trước bữa ăn. Một số biệt dược thường được sử dụng như: gliclazide (Diamicron, Glyade), glibenclamide (Daonil, Glimel), glipizide (Melizide, Minidiab), glimepiride (Amaryl, Aylide).

Phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc những ai bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc không nên sử dụng nhóm Sulfonylurea. Các tác dụng phụ có thể gặp như: tăng cân, giữ nước và gây phản ứng hạ đường huyết. Do vậy, cần thông báo cho bác sĩ ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên.

Nhóm thuốc tiểu đường Meglitinides có thể gây hạ đường huyết

Nhóm thuốc này cũng có khả năng kích thích tế bào beta sản xuất insulin, hiệu quả nhanh, chỉ 30 phút sau khi uống. Nên dùng thuốc trước khi ăn 15 - 30 phút, không được uống nếu không ăn vì sẽ gây hạ đường huyết. Một số biệt dược hay sử dụng như: repaglinide (Prandin), nateglinide (Starlix), và mitiglinide.

Thuốc có thể là lựa chọn tốt cho những người có nguy cơ bệnh thận, nhưng với người bị suy tim hoặc bệnh gan nên thận trọng khi sử dụng. Thuốc có thể gây đau đầu và tiêu chảy.

Nhóm Thiazolidinediones (TZD) bao gồm pioglitazone (Actos) và rosiglitazone (Avandia)

Thuốc nhóm TZD có tác dụng làm tăng nhạy cảm của insulin và giảm mỡ máu tương tự như nhóm Biguanide. Người bệnh có thể sử dụng thuốc nhóm TZD 1 -2 lần/ngày nhưng sẽ mất vài ngày để nhận thấy hiệu quả điều trị.

Thuốc làm tăng tích trữ mỡ dưới da nên thường gây tăng cân. Mặt khác nó còn gây giữ nước, phù bàn chân, cẳng chân, do đó cần thận trọng khi sử dụng điều trị cho những người bệnh tim mạch hay viêm gan, men gan tăng cao.

Nhóm ức chế men α-glucosidase làm giảm hấp thu đường sau ăn

Bao gồm các biệt dược như: Acarbose (Glucobay), Voglibose, Migliton. Các thuốc này có tác dụng giảm đường huyết sau ăn, do làm chậm hấp thu glucose ở ruột non. Nhóm này thường không có hiệu quả khi sử dụng một mình nhưng khi kế hợp với metformin, insulin, hoặc một sulfonylurea thì hiệu quả lại tăng cao rõ rệt.

Thuốc cần được uống trong bữa ăn. Nó thường gây đầy hơi, tiêu chảy, đặc biệt là sau bữa ăn giàu carbohydrate.

Acarbose-Glucobay-duoc-xem-la-giup-lam-giam-hap-thu-duong-sau-an
Acarbose (Glucobay) - được xem là giúp làm giảm hấp thụ đường sau ăn

Nhóm ức chế DPP - 4, nhóm thuốc mới giúp kiểm soát đường huyết

Biệt dược như: Sitagliptin (Januvia), Saxagliptin (Onglyza), Linagliptin (Tradjenta), Alogliptin (Nesina)

Các thuốc thuộc nhóm này giúp làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện chỉ số HbA1c và không gây hạ đường huyết. Thông qua việc ngăn ngừa sự phân hủy của hormon GLP - 1 (được tăng tiết sau bữa ăn và có tác dụng làm giảm đường huyết, giảm sản xuất glucose ở gan, nhưng lại bị phân hủy rất nhanh bởi enzyme DPP - 4), thuốc làm kéo dài thời gian hoạt động của GLP - 1 nên giúp giảm glucose huyết. Thường được áp dụng với bệnh nhân tiểu đường type 2 không thể kiểm soát đường huyết bằng metformin hoặc một loại thuốc sulfonylurea.

Nhóm ức chế SGLT2: Canagliflozin (Invokana), Dapagliflozin (Farxiga)

Nhóm thuốc này cũng mới được FDA chấp nhận trong điều trị tiểu đường type 2 vào đầu năm 2014. Thông qua việc ức chế kênh Na - glucose (SGLT2) có tác dụng tái hấp thu glucose máu ở thận, do đó, thuốc làm tăng đào thải glucose qua nước tiểu, giảm đường huyết trong cơ thể. Tuy nhiên có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, âm đạo, nước tiểu do tạo môi trường thuận lợi cho nấm men, vi khuẩn phát triển.

Pramlintide, thuốc tiêm thế hệ mới giúp kiểm soát đường huyết khi dùng insulin

Pramlintide ra đời năm 2005, là một dạng tổng hợp của amylin, một loại hormone cũng do tuyến tụy sản xuất ra, có vai trò giống như trợ thủ của Insulin, phối hợp cùng Insulin để điều tiết lượng đường trong máu. Thuốc được sử dụng kết hợp với insulin để giảm lượng đường huyết trong 3 giờ sau bữa ăn.

Insulin sử dụng khi người bệnh tiểu đường type 2 không còn đáp ứng tốt với các thuốc điều trị

Sau khoảng 5 đến 10 năm bị tiểu đường type 2, tuyến tụy có thể giảm hoạt động hoặc mất khả năng sản xuất insulin, người bệnh không còn đáp ứng với thuốc điều trị và cần phải tiêm insulin để ổn định đường huyết. Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường, người bệnh tiểu đường type 2 nên sử dụng insulin càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp cải thiện chức năng của tuyến tụy, kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do đường huyết tăng cao.

Phối hợp thuốc trong điều trị tiểu đường type 2

Để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh sẽ cần đến sự phối hợp của nhiều loại thuốc khác nhau, một số lựa chọn có thể được áp dụng như:

(1) Sử dụng  Sulfonylurea cùng Metformin/Acarbose/TZD;

(2) Metformin + Acarbose/TZD;

(3) Insulin + Acarbose/Metformin/Sulfonylure.

(4) Nhóm ức chế SGLT2 + Metformin

Sử dụng thuốc đúng cách, đủ liều sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường huyết trong bệnh tiểu đường type 2. Hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng ngừa biến chứng do tiểu đường gây ra.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn: http://www.nytimes.com/health/guides/disease/type-2-diabetes/medications.html
BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận