Khác với bệnh đái tháo đường type 2 với những dấu hiệu kín đáo, triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1 thường xuất hiện đột ngột, với các dấu hiệu rất rõ nét. Nguyên nhân là do tuyến tụy mất khả năng sản xuất insulin (chìa khóa mở cánh cửa đưa đường từ máu vào tế bào) nên khiến đường huyết tăng cao nhanh chóng.

Dấu hiệu và triệu chứng đái tháo đường type 1

Tại thời điểm bệnh đái tháo đường type 1 được “kích hoạt”, cơ thể còn sẵn một lượng insulin nên mức glucose trong máu vẫn bình thường. Theo thời gian, lượng insulin tự nhiên trong cơ thể giảm đi khiến đường huyết tăng lên nhanh chóng và các triệu chứng sau sẽ bắt đầu xuất hiện:

- Khát nước liên tục

- Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm

- Cảm thấy vô cùng mệt mỏi

- Sút cân và mất cơ mặc dù ăn nhiều hơn

- Ngứa quanh vùng sinh dục hoặc bị tưa miệng (một loại nhiễm trùng nấm men)

- Nhìn mờ do thủy tinh thể trong mắt bị thay đổi hình dạng

- Các vết thương chậm liền hơn so với bình thường

- Ói mửa, hơi thở nặng và sâu: Các triệu chứng này thường xảy ra ở giai đoạn sau, là một dấu hiệu nguy hiểm đòi hỏi người bệnh phải nhập viện ngay lập tức để điều trị.

Di-tieu-nhieu-hon-binh-thuong-la-trieu-chung-cua-benh-dai-thao-duong-type-1
Đi tiểu nhiều hơn bình thường là triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1

Ngoài ra, một số dấu hiệu sau cũng có thể liên quan đến bệnh đái tháo đường type 1:

- Nhịp tim nhanh

- Huyết áp giảm xuống dưới mức 90/60mmHg

- Thân nhiệt thấp dưới 97oF (dưới 36,1oC)

Bạn nên đi khám hoặc gọi cấp cứu ngay nếu có bệnh đái tháo đường type 1 và gặp các triệu chứng như: Mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn hoặc nôn, thân nhiệt cao, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây hoặc mùi sơn móng tay…

Cẩn trọng với triệu chứng hạ đường huyết (glucose trong máu thấp)

Hạ đường huyết (hypoglycaemia) là tình trạng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường type 1, xảy ra khi quá liều tiêm insulin. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây hạ đường huyết bao gồm bỏ bữa, tập thể dục quá sức hoặc uống rượu/bia khi đói.

Các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm:

- Run rẩy và cáu kỉnh

- Đồ mồ hôi

- Ngứa môi

- Cảm giác ốm yếu

- Lú lẫn

- Đói

- Buồn nôn

Tình trạng hạ đường huyết được kiểm soát bằng bổ sung đường cho cơ thể qua thức ăn hoặc nước uống. Nếu không xử trí kịp thời, hạ đường huyết có thể khiến người bệnh bị lú lẫn, nói lắp và rơi vào trạng thái bất tỉnh. Trong trường hợp này, người bệnh cần tiêm cấp cứu glucagon (một loại hormone làm tăng glucose trong máu).

Triệu chứng tăng đường huyết (glucose trong máu cao)

Khi bị đái tháo đường type 1, cơ thể không sản xuất được insulin, do đó lượng đường trong máu có thể tăng lên rất cao. Tình trạng này được gọi là tăng đường huyết (hyperglycaemia).

Duong-huyet-co-the-tang-len-rat-cao-o-benh-nhan-dai-thao-duong-type-1
Đường huyết có thể tăng lên rất cao ở bệnh nhân đái tháo đường type 1

Các triệu chứng tăng đường huyết thường đến rất đột ngột, bao gồm:

- Khát nước

- Khô miệng

- Mờ mắt

- Buồn ngủ

- Tiểu tiện thường xuyên

Nếu không điều trị, người bệnh có thể bị nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton đặc biệt nguy hiểm, xảy ra khi cơ thể phá vỡ chất béo và cơ để tạo thành nguồn năng lượng thay thế cho đường glucose (không dùng được do thiếu insulin). Quá trình phân hủy chất béo và cơ dẫn đến sự tích tụ của các acid trong máu, gây nôn mửa, mất nước, bất tỉnh, thậm chí tử vong.

Hiểu về dấu hiệu, triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1 là cách tuyệt vời để làm chủ sức khỏe của bạn cũng như các thành viên trong gia đình. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ là đái tháo đường type 1, hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo:

http://www.nhs.uk/conditions/diabetes-type1/pages/symptoms.aspx

http://www.endocrineweb.com/conditions/type-1-diabetes/type-1-diabetes-symptoms

Bình luận