Có nên hạn chế ăn trái cây khi bị tiểu đường?
1. Ăn trái cây nhiều hay ít không ảnh hưởng đến kết quả điều trị tiểu đường
Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về lượng trái cây tiêu thụ ở 63 nam giới và phụ nữ được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2. Những người này được chia thành 2 nhóm, một nhóm ăn ít nhất hai loại hoa quả mỗi ngày, trong khi nhóm còn lại chỉ ăn không quá hai loại quả. Sử dụng thuốc, dinh dưỡng và các yếu tố kháccủa 2 nhóm là tương tự nhau.
Những người tham gia thực hiện theo chế độ ăn trái cây này trong suốt ba tháng. Trước và sau khi thử nghiệm, họ đều được kiểm tra chỉ số HbA1c (đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong 2-3 tháng), trọng lượng cơ thể và vòng eo. Theo ghi nhận, tất cả người tham gia đều có HbA1c trên 6.5%.
Sau 3 tháng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ăn nhiều trái cây ít có sự khác biệt về chỉ số HbA1c, trọng lượng cũng như kích thước vòng eo so với nhóm tiêu thụ ít trái cây.
Người tiểu đường không nên hạn chế ăn trái cây!
Như vậy, khuyến cáo hạn chế ăn trái cây ở những người thừa cân, béo phì và người tiểu đường type 2 không làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị bệnh tiểu đường. Vì vậy, hạn chế ăn trái cây là không cần thiết.
Thậm chí trên thực tế, khi các dữ liệu được nghiên cứu chặt chẽ hơn thì những người ăn trái nhiều còn có thể giảm cân nhanh hơn và có vòng eo thấp hơn so với những người ăn ít trái cây.
2. Trái cây có tác dụng giảm đường huyết
Một lý do nữa không nên hạn chế trái cây ở người tiểu đường là chúng có chứa một số polysaccharides dài như pectin, đã được chứng minh có tác dụng làm giảm đường huyết.
Ngoài ra, trái cây còn chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, tốt cho đường tiêu hóa. Lượng chất xơ trong trái cây dao động từ 3gram/100 calo - 7.8gram/100 calo, trong các loại quả như mâm xôi, quả việt quất, mận và quả sung. Một quả táo hoặc quả lê sẽ chứa gần 4 gam mỗi loại. Tất nhiên, trái cây tươi và nước ép trái cây là hoàn toàn khác nhau về các con số này. Lượng chất xơ được khuyến cáo mỗi ngày từ 30 - 40 gram là tốt nhất cho cơ thể, nếu không con số này nên đạt được khoảng 25 gram.
Chất xơ rất quan trọng để duy trì sự cân bằng đường trong máu. Chất xơ hòa tan (hòa tan trong nước) giúp làm giảm hấp thu cholesterol. Bên cạnh đó, chúng cũng làm chậm sự hấp thụ carbohydrate và làm giảm nhu cầu insulin. Chính vì thế mà trái cây có khả năng cân bằng đường máu. Bên cạnh đó, chất xơ không hòa tan có thể gắn kết với chất chất thải trong đường tiêu hóa, tăng loại bỏ chúng ra ngoài qua phân.
3. Một số lưu ý khi sử dụng trái cây ở người tiểu đường
Thực tế không phải trái cây nào ngọt cũng đều làm tăng nhanh đường huyết sau ăn. Để đánh giá khả năng này, các chuyên gia sử dụng chỉ số đường huyết thực phẩm GI. Theo đó, người bệnh nên ăn nhiều hơn các loại trái cây có chỉ số GI thấp và trung bình như: táo, ổi, thanh long, việt quất, cam, bưởi, xoài, mơ, dâu tây, lựu, trái bơ… và hạn chế trái cây có chỉ số GI cao như chuối, nho, dưa hấu, dứa…
Top trái cây tốt nhất cho người tiểu đường
Tuy không cần kiêng kị bất kỳ loại trái cây nào, nhưng bạn cần lưu ý về số lượng và thời điểm sử dụng, tránh trường hợp đường huyết tăng cao đột ngột:
- Một khẩu phần ăn trái cây tương đương 80g hoặc nắm trọn trong lòng bàn tay. Không sử dụng quá 150g trái cây mỗi lần.
- Thời gian giữa 2 lần ăn phải cách nhau ít nhất 6 giờ.
- Dùng trái cây như một bữa phụ, giữa 2 bữa chính
- Sử dụng trái cây nguyên vỏ (trừ loại bắt buộc bỏ vỏ). Không xay sinh tố vì có thể loại bỏ bớt chất xơ. Không sử dụng trái cây sấy khô vì hàm lượng đường cao.
Như vậy, tổng kết lại chúng ta biết được rằng trái cây mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh tiểu đường, vì vậy việc hạn chế dùng trái cây không phải là một quyết định khôn ngoan. Điều quan trọng là bạn cần biết cách sắp xếp thời điểm ăn, cũng như lựa chọn các loại quả phù hợp theo sở thích cá nhân.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn: http://www.diabetesincontrol.com/fruit-restriction-for-type-2s-good-or-not/
Bình luận