Insulin là một loại hormon quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa đường để tạo ra năng lượng. Ở người bệnh tiểu đường insulin bị thiếu hụt hoặc hoạt động không hiệu quả chính là nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao và gây nên nhiều hệ lụy cho sức khỏe, đáng chú ý nhất là biến chứng tiểu đường.

Có nhiều cách khác nhau để tiêm insulin vào cơ thể bao gồm: Tiêm insulin bằng xy lanh thường, bút tiêm insulin, máy bơm insulin tự động và insulin dạng xịt giúp cho người bệnh có nhiều sự lựa chọn hơn trong sử dụng insulin để điều trị bệnh tiểu đường.

Tiêm insulin bằng xy lanh thường

Đây là một thiết bị gồm: một ống rỗng, pit tông và kim tiêm có thể tháo rời. Bên ngoài ống tiêm được đánh dấu bằng các đường kẻ để đo liều lượng

Một số mẹo để tiêm insulin đúng cách bằng xy lanh thường:

- Dùng kim ngắn hơn có thể đỡ gây đau hơn. Tuy nhiên, chiều sâu tiêm ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu của insulin do vị trí của kim có đúng vào mô mỡ hay không.

- Dùng kích cỡ xy lanh phối hợp (1cc, ½ cc, 3/10 cc) để phù hợp với liều insulin.

- Không sử dụng lại xy lanh

- Không dùng chung một xy lanh với người khác

- Vứt bỏ các xy lanh đã qua sử dụng trong một hộp đựng có thể bịt kín. Đậy nắp đầu kim tiêm, tháo rời khỏi xy lanh và vứt đúng nơi quy định.

- Nên kiểm tra kỹ chất lượng của lọ insulin trước khi sử dụng. Bảo quản trong tủ lạnh theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất.

 Tiem-insulin-voi-xy-lanh-thuong

Tiêm insulin với xy lanh thường

Bút tiêm insulin

Insulin nạp vào thiết bị được thiết kế thành dạng như một cây bút lớn. Nó thay thế lọ thuốc rời và xy lanh, rất thích hợp cho những người bệnh có thị lực kém, tránh dùng quá liều hoặc dưới liều.

Có rất nhiều loại bút tiêm insulin trên thị trường. Bút sử dụng hộp mực là insulin và kim tiêm dùng một lần. Bạn có thể chọn (quay số) trên thân bút để chọn liều thích hợp, số này được hiển thị trên cửa sổ của bút. Một số loại bút có thể cho bạn chọn lại liều khi đã chọn sai liều trước đó. Kim tiêm được gắn vào một vị trí cố định trên bút và dễ dàng loại bỏ sau khi sử dụng xong. Ngoài ra, một số loại khác không yêu cầu phải làm lạnh ngay lần sử dụng đầu tiên hoặc có bộ nhớ để ghi nhớ liều dùng trong quá khứ hay có loại đã quy định sẵn liều dùng và chỉ dùng một lần. Vì thế, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và bảo quản trước khi dùng.

Lưu ý khi sử dụng bút tiêm insulin:

- Tránh tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng – để bút ở nhiệt độ phòng sau lần sử dụng đầu tiên.

- Luôn tháo kim ra khỏi bút khi không sử dụng.

Không sử dụng lại kim tiêm đã dùng.

- Không dùng chung bút tiêm hoặc kim tiêm với người khác.

- Vứt bỏ bút / kim tiêm đúng cách trong một hộp đựng có thể bịt kín và không bị đâm thủng, đặt đúng nơi quy định.

 an-doc-ky-huong-dan-su-dung-truoc-khi-dung-but-tiem-insulin

Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bút tiêm insulin

Bơm Insulin tự động

Bơm tiêm insulin tự động chứa insulin có kích cỡ chỉ bằng chiếc điện thoại di động, một đầu gắn liền với đường ống nhỏ, đầu kia gắn một cây kim cắm da bụng dưới lớp mỡ của người bệnh và được cố định tại đấy bằng băng dính. Bơm tiêm insulin tự động là một phương pháp rất hữu ích với những người bệnh đái tháo đường khó kiểm soát được đường huyết bằng các thiết bị thông thường (xy lanh hoặc bút tiêm)

Bơm được nạp đầy với insulin tác dụng nhanh hoặc ngắn. Insulin được định lượng trước mỗi bữa ăn và sẽ có một lượng nhỏ insulin được tự động bơm vào cơ thể trong 24 giờ. Bệnh nhân chỉ cần lên chương trình về liều lượng cũng như thời gian tiêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ và lại nạp đầy insulin khi hết. 

Bơm không được cấy bên trong cơ thể bệnh nhân mà được đeo bên người 24/24 nên đôi khi có thể gây bất tiện cho người sử dụng. Hơn nữa, giá thành của thiết bị này khá đắt, chưa  phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người bệnh.

Bút tiêm insulin bằng phản lực

Thiết bị này được thiết kế dành cho người tiểu đường sợ kim tiêm và chứa nhiều liều insulin. Thiết bị này có cấu tạo gồm 3  phần: đầu phun (có hình dạng như bút), vòi phun sử dụng một lần và dụng cụ chứa insulin.

Sau khi nạp insulin vào thiết bị, điều chỉnh liều cần tiêm, đặt bút lên bề mặt da. Với thiết kế gồm lò xo nén hoặc khí nén tạo ra áp lực đẩy dòng insulin cao áp qua lỗ nhỏ xíu ở đầu phun thành dạng hơi qua các lỗ chân lông trên da và vào máu người bệnh.

Ưu điểm của thiết bị này là không cần sử dụng kim, có thể dùng với liều insulin ít hơn, insulin được hấp thu vào máu nhanh hơn.

Nhược điểm là đắt tiền, khó sử dụng, nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương da, gây đau, liều lượng không chính xác.

Lưu ý khi sử dụng:

- Để đảm bảo cho đầu phun hoạt động tốt cần giữ cho đầu phun sạch, khô, tránh ánh nắng mặt trời.

- Khi không sử dụng, cho thiết bị vào hộp đựng và bảo quản theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Insulin dạng hít

Insulin dạng hít là insulin tác động nhanh đã được FDA chấp thuận sử dụng trước bữa ăn.

Ưu điểm: Tác dụng nhanh. Các nhà nghiên cứu cho biết các khi sử dụng thiết bị này nồng độ insulin sẽ đạt đỉnh trong máu trong khoảng 15-20 phút và nồng độ gần như không còn sau 2- 3 giờ. Không cần dùng kim.

Nhược điểm:

- Cần kết hợp nhiều loại insulin. Insulin dạng hít có thể được sử dụng cho cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2. Nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường tuyp 1 phải sử dụng kết hợp với cả insulin tác dụng kéo dài.

- Những người hút thuốc lá, mắc bệnh phổi mãn  tính, hen phế quản không nên sử dụng insulin loại này.

 Insulin-dang-hit

Insulin dạng hít

Miếng dán insulin

Miếng dán insulin thông minh được các nhà khoa học Mỹ phát minh hình vuông, mỏng kích thước nhỏ hơn một đồng xu chứa hơn một trăm kim tiêm nhỏ xíu, mỗi kim tiêm có kích thước bằng một sợi lông mi. Những “kim tiêm siêu nhỏ” này chứa insulin và các enzyme cảm biến nồng độ đường, nó giúp nhanh chóng giải phóng insulin vào cơ thể khi đường huyết tăng cao.

Những “kim tiêm cực nhỏ” sử dụng axit hyaluronic, thành phần chính của các hạt nano, nhưng dưới dạng cứng hơn nên các kim tiêm nhỏ xíu này đủ cứng để xuyên qua da, chúng đủ nhỏ để không gây cảm giác đau. Khi miếng dán này được dán lên da, các kim tiêm cực nhỏ xuyên qua bề mặt, nối vào mạch máu chảy qua các mao mạch ngay bên dưới. Khi lượng đường trong máu tăng cao, dưới tác dụng của một loại enzym cảm ứng đường, insulin sẽ được giải phóng vào máu giúp giảm đường huyết.

Insulin dạng viên uống

Đây là một dạng bào chế mới của insulin dưới dạng viên uống. Các viên insulin này được bao một lớp bảo vệ bên ngoài để tránh bị tiêu hủy bởi dịch tiêu hóa. Ngoài ra họ còn sử dụng một liều thật lớn, để dù insulin có bị phá hủy bởi dịch tiêu hóa thì vẫn còn một lượng đủ để ngấm vào máu và cho tác dụng hạ đường huyết.

Ngoài sự tiện lợi và hạn chế đau đớn cho bệnh nhân, các nhà nghiên cứu tin rằng những viên thuốc insulin có thể tốt hơn cho bệnh nhân, vì nó giống với đường lưu thông của insulin tự nhiên trong cơ thể, tức là insulin sẽ đi qua gan trước khi vào máu. Hiện nghiên cứu mới này vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Ngày nay, khi khoa học ngày càng phát triển chúng ta có quyền kỳ vọng hơn nữa về các giải pháp điều trị bệnh tiểu đường an toàn, hiệu quả trong tương lai.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo:

https://www.endocrineweb.com/guides/insulin/insulin-delivery

https://www.webmd.com/diabetes/features/insulin-delivery#1

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận