6 cách ngăn ngừa chứng hạ đường huyết ban đêm ở người tiểu đường
Nguyên nhân và dấu hiệu của tình trạng hạ đường huyết ban đêm
Nguyên nhân gây hạ đường huyết ban đêm có thể do các yếu tố: tập thể dục quá gần thời gian ngủ, uống rượu vào buổi tối, ăn tối quá sớm, tác dụng của một số loại Insulin kéo dài.
Dấu hiệu của chứng hạ đường huyết ban đêm gồm:
- Vã mồ hôi, thức dậy thấy quần áo ẩm
- Đau đầu khi thức dậy
- Ác mộng
- Rối loạn giấc ngủ
Cách ngăn ngừa chứng hạ đường huyết ban đêm
Hạ đường huyết ban đêm dù phổ biến nhưng người bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các phương pháp đơn giản.
1. Đo đường huyết trước khi đi ngủ
Chuyên gia nội tiết khuyến cáo đường huyết mục tiêu trước khi đi ngủ không thấp hơn 140 mg/dl. Kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ giúp người bệnh xác định xem mình có nguy cơ bị hạ đường huyết trong lúc ngủ hay không.
Nếu lượng đường trong máu thấp, nên ăn một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Nếu bạn sử dụng một máy bơm insulin tự động, hãy cân nhắc việc tạm thời giảm liều của insulin.
Đo đường huyết trước khi đi ngủ để nhận biết nguy cơ hạ đường huyết
2. Nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết
Các triệu chứng của hạ đường huyết thường xuất hiện khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg / dl. Bao gồm: run rẩy, vã mồ hôi, lú lẫn, nhức đầu và chóng mặt. Ở những người mắc chứng hạ đường huyết ban đêm, các dấu hiệu trên có thể làm bạn thức giấc nhưng cũng có nhiều trường hợp người bệnh không nhận biết được các triệu chứng này.
Hạ đường huyết ban đêm là một tình trạng nguy hiểm vì thế người bệnh cần chủ động trao đổi với bác sĩ về cách nhận biết các triệu chứng này và có biện pháp ứng phó.
3. Không bỏ bữa tối
Bỏ bữa tối hoặc ăn quá ít vào buổi tối là một trong những nguyên nhân phổ biến làm giảm lượng đường trong máu vào ban đêm. Vì vậy, để ngăn ngừa hiện tượng này bạn cần có những bữa ăn cân bằng, đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng, chú ý khẩu phần ăn hợp lí.
4. Tránh tập thể dục và vận động mạnh về đêm
Người tiểu đường được khuyến cáo tập thể dục thường xuyên nhưng nếu bạn tập thể dục hoặc vận động mạnh trước khi đi ngủ thì có thể làm hạ đường huyết. Vì thế, người bệnh nên tránh tập thể dục trong vòng 2h trước khi đi ngủ. Nếu đường huyết < 100 mg/dl sau khi tập thể dục bạn cần có một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ để đối phó với tình trạng tụt đường huyết.
Tránh tập luyện quá sức vào ban đêm để không bị hạ đường huyết khi ngủ
5. Hạn chế uống rượu vào buổi tối
Rượu và một số loại thức uống có cồn khác có thể gây hạ đường huyết, vì thế khi uống rượu vào buổi tối bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị hạ đường huyết ban đêm. Người tiểu đường cần hạn chế sử dụng bia rượu, không nhiều hơn 2 ly/ngày ở nam giới và 1 ly/ngày ở nữ giới. Tránh uống rượu vào ban đêm trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, nếu uống rượu vào buổi tối thì nên ăn một chút gì đó khi uống nhằm tránh nguy cơ đường huyết giảm.
6. Chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi hạ đường huyết
Khi thức dậy và có dấu hiệu của chứng hạ đường huyết, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng một thứ gì đó để ứng phó với tình trạng này. Bạn có thể đặt một vài chiếc bánh ngọt, kẹo, nước soda hoặc trái cây ở ngay đầu giường để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.
Hiểu rõ về chứng hạ đường huyết ban đêm có thể giúp người tiểu đường có một giấc ngủ tốt hơn, ngăn chặn được những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn gặp phải tình trạng này thường xuyên, bạn cần trao đổi với bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích nhằm điều chỉnh liều thuốc, phương pháp điều trị để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
http://www.joslin.org/info/avoiding_nighttime_lows.html
https://www.everydayhealth.com/hs/diabetes-and-insulin-guide/treatment-plan-insulin/preventing-low-blood-sugar-at-night/
Bình luận