Biến chứng rung nhĩ do bệnh cường giáp
Trong nhiều nguyên nhân có thể gây rung nhĩ như tuổi cao, bệnh tim mạch, cao huyết áp..., cường giáp không được xếp hàng đầu, nhưng là một nguyên nhân phổ biến. Hiểu về cách phòng ngừa và điều trị biến chứng rung nhĩ là rất cần thiết nếu bạn hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh cường giáp.
Tại sao cường giáp lại gây ra rung nhĩ?
Cường giáp là một trong những bệnh về nội tiết hay gặp nhất, do phản ứng tự miễn của cơ thể hoặc phát triển khối u gây tăng tiết hormone tuyến giáp. Là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể nằm ở cổ của bạn, tuyến giáp sản sinh hormon tuyến giáp, giúp điều hòa nhiều chức năng sống còn của cơ thể, trong đó có nhịp tim.
Trong bệnh lý cường giáp, các hormone tuyến giáp tăng sinh một cách quá mức làm tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim, đồng thời gây rối loạn hệ thống dẫn truyền tín hiệu điện trong tim, gây nguy cơ cao dẫn đến biến chứng rung nhĩ. Nghiên cứu cho thấy, rung nhĩ là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất ở bệnh nhân cường giáp. Cường giáp làm tăng nguy cơ mắc rung nhĩ lên 3 lần, và có tới 25 – 40% bệnh nhân cường giáp trên 60 tuổi mắc bệnh rung nhĩ.
Biến chứng rung nhĩ do bệnh cường giáp nên được phát hiện và điều trị sớm
Nhận biết biến chứng rung nhĩ do cường giáp
Các triệu chứng của rung nhĩ có thể bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc không đều, chóng mặt, choáng ngất, đánh trống ngực… Theo Giáo sư Gordon Tomaselli, Trưởng khoa tim mạch của bệnh viện Johns Hopkins, Baltimore cho biết: Rung nhĩ rất khó chẩn đoán vì triệu chứng nó gây ra có thể giống với rất nhiều bệnh khác và nhiều trường hợp thậm chí không xuất hiện triệu chứng.
Vì vậy, khi bạn nghi ngờ mình có nguy cơ phát sinh rung nhĩ, đến gặp bác sỹ để được thăm khám là cách tốt nhất. Chỉ bằng những khám xét đơn giản như nghe tim, bắt mạch, kiểm tra hệ thống điện của tim bằng điện tâm đồ, bác sỹ có thể chẩn đoán chính xác bạn có bị rung nhĩ hay không.
Điều trị biến chứng rung nhĩ do bệnh cường giáp
Khi bạn được phát hiện rung nhĩ, một trong những điều đầu tiên bác sỹ làm để tìm nguyên nhân gây bệnh là kiểm tra hormone tuyến giáp. Điều này sẽ làm sáng tỏ câu hỏi: Liệu tuyến giáp hoạt động quá mức có phải là cội rễ của rung nhĩ hay không? Nếu có, điều trị cường giáp là bước đầu tiên để kiểm soát biến chứng rung nhĩ. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng cuả cường giáp mà các bác sỹ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị như: dùng thuốc kháng giáp, iot phóng xạ hay xạ trị…
Bên canh đó, bệnh nhân sẽ được điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng của rung nhĩ. Do rung nhĩ làm tăng nguy cơ phát triển huyết khối, nó có thể dẫn tới đột quỵ khi cục máu đông di chuyển trong tuần hoàn, làm tắc mạch máu não. Do đó, bác sỹ sẽ chỉ định các thuốc chống đông (aspirin, warfarin) để phòng tránh biến chứng của rung nhĩ. Song song với đó, các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim khác như thuốc chẹn beta (propranolol, esmolol…) và chẹn kênh canxi (diltiazem, verapamil…) cũng được kê đơn để làm chậm nhịp tim và làm giảm các triệu chứng của rung nhĩ.
Một trong các thuốc dùng để điều trị chứng rung nhĩ là amiodarone (Cordarone). Tuy nhiên việc sử dụng thuốc này cần thận trọng do nó có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến giáp của bạn, gây suy giảm hoặc tăng sinh hormone tuyến giáp.
Phòng ngừa biến chứng rung nhĩ do bệnh cường giáp
Nếu như bạn mắc bệnh cường giáp, tuân thủ chế độ điều trị để kiểm soát tốt bệnh là cách hữu hiệu để phòng ngừa biến chứng rung nhĩ. Bên cạnh đó, bạn cần loại bỏ các yếu tố thuận lợi có thể gây khởi phát rung nhĩ như: hút thuốc lá, cà phê và rượu. Ngoài ra, thăm khám bệnh theo định kỳ, và đi khám bác sỹ ngay nếu nhận thấy mình có các triệu chứng của bệnh tim mạch sẽ giúp chẩn đoán sớm, phòng ngừa biến chứng tiến triển.
Bình luận