Trái tim của chúng ta mỗi ngày tạo ra những nhịp đập đều đặn và liên tục vì nó được điều khiển bằng máy tạo nhịp tim tự nhiên của cơ thể - nút xoang. Thực tế, tất cả các tế bào cơ tim có khả năng kích hoạt lực co bóp của mình một cách độc lập với nút xoang, vậy nhưng trong điều kiện bình thường, chúng luôn hoạt động đều đặn theo tín hiệu phát ra từ nút xoang. Nếu có bất cứ vùng tim nào đập sớm hơn hoặc không đập theo tín hiệu điện tim, hay tự động phát nhịp, tim sẽ tạo ra một nhịp đập sớm, nhịp phụ, hay còn gọi là nhịp ngoại tâm thu.

Ngoại tâm thu là gì?

Ngoại tâm thu là tình trạng xuất hiện những nhịp đập hoặc nhịp nghỉ bất thường trong hoạt động của tim. Đôi khi những thay đổi này không được người bệnh chú ý tới nếu nó diễn ra trong thời gian ngắn. Còn khi nó xảy ra kéo dài sẽ được gọi là rối loạn nhịp tim, hay theo cảm giác thường thấy nhất của người bệnh chính là nhịp đập, nhịp bỏ. Có hai dạng ngoại tâm thu phổ biến là co thắt tâm thất sớm (PVC) và co thắt tâm nhĩ sớm (PAC).

Nguyên nhân ngoại tâm thu

Ngoại tâm thu đôi khi xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng, nó có thể xuất hiện khi người bệnh vừa trải qua trạng thái tâm lý bất ổn định, sau khi vận động mạnh, hoặc chỉ đơn giản sau khi sử dụng một loại đồ ăn hoặc thức uống nào đó.

Ở một số trường hợp, ngoại tâm thu có thể gây ra bởi các bệnh lý tim mạch, do máu không đủ cung cấp tới tim hoặc nồng độ chất điện giải trong máu thấp, điển hình là giảm kali máu. Lúc này, bạn cần đến thăm khám tại chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Sau đây là một số nguyên nhân gây ngoại tâm thu:

Nhịp đập, nhịp bỏ là dấu hiệu điển hình của ngoại tâm thu

Nhịp đập, nhịp bỏ là dấu hiệu điển hình của ngoại tâm thu

- Chất kích thích hoặc thuốc điều trị: tình trạng ngoại tâm thu có thể xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn sử dụng thuốc lá, rượu, bia, cà phê hoặc các chất kích thích khác. Một số loại thuốc điều trị cũng gây ra nhịp ngoại tâm thu.

- Lo lắng, căng thẳng, stress kéo dài

- Bệnh lý tại tim: bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, sau nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim.

- Bệnh lý khác: cường giáp, lupus, sốt, rối loạn điện giải

- Phụ nữ giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh…

- Người ở tuổi trung niên, người cao tuổi, các đối tượng đang mắc bệnh tim mạch.

- Thiếu vận động: Một trường hợp gặp phải nhịp ngoại tâm thu do thiếu hoạt động thể chất. Bởi những người không thường xuyên tập thể dục sẽ không có cơ hội để nhịp tim được tăng lên, nhằm cung cấp máu tới các cơ quan. Kết quả là lượng máu có thể bị giảm, dẫn đến các biến chứng bao gồm ngoại tâm thu.

Triệu chứng ngoại tâm thu

Sự xuất hiện của nhịp ngoại tâm thu làm gián đoạn hoạt động điện bình thường trong tim, vì vậy gây ra các biểu hiện như choáng váng, chóng mặt, khó thở và mệt mỏi, tim đập không đều, lúc nhanh, lúc chậm, hay nhát đập, nhát bỏ. Khi nhịp ngoại tâm thu nặng hơn thì người bệnh thường có biểu hiện đánh trống ngực, tim đập mạnh, cảm giác như ngựa phi trong lồng ngực. Ở một số trường hợp, người bệnh không có triệu chứng rõ ràng và nhịp ngoại tâm thu chỉ được phát hiện trên điện tâm đồ.

Ngoai-tam-thu-va-cach-chua-tri

Chẩn đoán ngoại tâm thu

Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán nhịp ngoại tâm thu bằng việc kiểm tra hoạt động thể chất nếu chúng xuất hiện theo quy luật. Trong hầu hết các trường hợp khác, huyết áp của người bệnh trong giới hạn bình thường và nhịp ngọai tâm thu cũng xuất hiện không thường xuyên, họ cần làm thêm một số xét nghiệm sau đây để chẩn đoán bệnh:

- Theo dõi điện tim liên tục trong vòng 24h hoặc lâu hơn bằng thiết bị Holter monitor: Thiết bị này có thể ghi lại hoạt động điện của tim khi bệnh nhân đi lại bình thường và trong tất cả các hoạt động hàng ngày của. Nhiều bệnh tim chỉ được phát hiện trong thời gian người bệnh hoạt động và phương pháp này khá hữu ích để phát hiện nhịp ngoại tâm thu và rối loạn nhịp tim.

- Chụp động mạch: Là một phương pháp sử dụng chất cản quang và chụp X-quang để kiểm tra lưu lượng máu qua động mạch vành tim.

- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh điện tim, cung cấp thông tin chi tiết hơn nhiều so với chụp X-quang.

- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim khi nghỉ ngơi, thử nghiệm này được tiến hành bởi một nhân viên y tế.

Tất cả các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh trên là không xâm lấn và không cần gây mê.

Thiết bị Holer đo nhịp tim trong 24h giúp phát hiện ngoại tâm thu

Thiết bị Holer đo nhịp tim trong 24h giúp phát hiện ngoại tâm thu

Ngoại tâm thu có nguy hiểm không?

Đối với người bình thường khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tim, sự hiện diện của một vài nhịp ngoại tâm thu thường lành tính, ít nguy hiểm và ít ảnh hưởng đến tuổi thọ của họ, nó chỉ gây ra một vài sự khó chịu nhỏ trong cuộc sống. Các thử nghiệm quan trọng để khẳng định chức năng tim vẫn bình thường, bao gồm siêu âm tim, quét MRI tim.

Nếu chức năng của tim bị suy yếu, hoặc người bệnh có bất thường trong cấu trúc tim như bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tim bẩm sinh… thì sự xuất hiện nhịp ngoại tâm thu có thể là hậu quả của các bệnh này. Cần làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây ngoại tâm thu, từ đó có hướng điều trị hợp lý. Bởi ngoại tâm thu xảy ra kéo dài, nếu không được điều trị có thể gây các cơn rối loạn nhịp thất, giãn tâm thất trái, suy tim, và nguy cơ hình thành cục máu đông, gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Điều trị ngoại tâm thu như thế nào?

Bệnh nhân thường được kê toa điều trị bằng các thuốc giảm nhịp tim đơn giản như chẹn beta giao cảm (beta-blockers) để làm giảm bớt nhịp ngoại tâm thu. Ở những người có bệnh đường hô hấp như hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính, thuốc chẹn kênh canxi có thể là lựa chọn thay thế cho các beta-blockers.

Trong trường hợp nhịp ngoại tâm thu gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tim, bác sỹ có thể yêu cầu thủ thuật đốt điện tim qua sóng radio cao tần (gọi là catheter ablation) để triệt đốt các vùng cơ tim phát sinh tín hiệu điện bất thường. Đây là một thủ thuật xâm lấn, nhưng người bệnh được sử dụng thuốc an thần và gây tê tại chỗ, quá trình đốt được thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng 30s nên hiện nay nó trở thành một thủ thuật rất hiệu quả trong việc ngăn chặn nhịp ngoại tâm thu.

Phòng ngừa ngoại tâm thu

Hầu hết các trường hợp ngoại tâm thu đều có thể tự cải thiện bằng các phương pháp luyện tập và sinh hoạt lành mạnh. Người bệnh ngoại tâm thu nên giảm thiểu sử dụng cà phê, thuốc lá và chất kích thích khác để giảm nguy cơ và tần suất của cơn ngoại tâm thu. Và nên tập thể dục thường xuyên, bởi nó giúp giảm được căng thẳng – một nguyên nhân gây ngoại tâm thu và dần đưa nhịp tim trở về bình thường. Ngoài ra, giảm sress, giữ tâm lý thoải mái, xin tư vấn chuyển loại thuốc điều trị khác nếu nghi ngờ ngoại tâm thu do thuốc gây ra, điều trị tốt các bệnh lý có thể gây ngoại tâm thu (cường giáp, lupus…) cũng là điều bạn nên làm.

Hãy bảo vệ trái tim bạn bằng việc thay đổi lối sống

Tuy nhiên, ngoại tâm thu cũng là dấu hiệu cảnh báo cho sự bất thường của nhịp tim như nhịp nhanh thất. Vì vậy, nếu tình trạng ngoại tâm thu liên tục tái phát với các triệu chứng như tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, lo âu, choáng váng thì bạn nên sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Nhưng trước mắt, hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học và có một đời sống tinh thần thoải mái!


Trích nguồn: http://www.nytimes.com
http://www.livestrong.com

Bình luận

  • Trần Thị Thu Trang
    Trần Thị Thu Trang - Gửi lúc 23:12 17/03/2021
    Dạ e chào bác sỹ a!Cách đây hai năm e đi thường xuyên bị tim đập nhanh khó thở e đi khám và làm điện tim 24 h bác sỹ kết luận e bị ngoại tâm thư và có cơn tim nhanh. Bác sỹ chỉ định e đốt sóng và e đã làm cách đấy 2 năm. Tuy nhiên giờ e hay có triệu trứng mệt tức ngực. Bác sỹ có thể tư vấn giúp e k ạ?
    • https://dongtay.net.
      Chào bạn,Bạn đã đốt điện tim cách đây 2 năm nhưng có hiểu hiện mệt, đau tức ngực thì có thể do rối loạn nhịp tim tái phát hoặc gặp bệnh lý tim mạch khác như thiếu máu cơ tim, hẹp hở van tim... Vì vậy bạn cần đi khám lại để kiểm tra sức khỏe, xác định xem nguyên nhân gây đau ngực là gì, từ đó mới có hướng điều trị hiệu quả.Thân mến.