Thuốc Plavix (Clopidogrel): Những lưu ý khi sử dụng để phòng ngừa cục máu đông
1. Thuốc Plavix được sử dụng khi nào?
Thông thường khi mạch máu bị tổn thương, các tế bào tiểu cầu sẽ được huy động ngay lập tức để tạo thành cục máu đông, ngăn chặn tình trạng chảy máu và làm lành vết thương. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng khi đó là những vết thương hở, ngoài da. Tuy nhiên, nếu cục máu đông xuất hiện ở bên trong lòng các động mạch như tim, não, mà không được phá vỡ thì thực sự rất nguy hiểm, bởi nó có thể gây tắc động mạch dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Tiểu cầu là những tế bào nhỏ trong máu, khi phát hiện mạch máu bị vỡ, nó sẽ tạo ra một chất hóa học thu hút tiểu cầu khác và gắn kết lại với nhau để tạo thành cục máu đông. Clopidogrel làm giảm khả năng kết dính các tế bào này, nên ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối) bên trong cơ thể.
Đối tượng sử dụng được Plavix:
Bác sỹ có thể chỉ định dùng Clopidogel, cho các trường hợp:
- Cơn đau thắt ngực không ổn định trong hội chứng mạch vành cấp.
- Cơn đau tim, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua
- Rối loạn nhịp tim (máu dễ bị ứ trệ tại tim và hình thành cục máu đông)
- Sau đặt stent mạch vành, hoặc sau phẫu thuật tim mạch
- Người mắc bệnh động mạch ngoại biên
Người không nên dùng thuốc Plavix (Clopidogrel)
Nếu bạn từng có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc chảy máu đường ruột, dưới 16 tuổi, mẫn cảm với thành phần của thuốc clopidogrel thì không nên sử dụng thuốc Plavix.
Thận trọng sử dụng thuốc với người mới bị chấn thương, có kế hoạch sắp phẫu thuật hay mới phẫu thuật xong; hoặc đang có vấn đề về gan, thận vì thuốc được chuyển hóa và thải trừ chính qua hai cơ quan này.
Thuốc chống đông Plavix không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
2, Lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông Plavix (clopidogrel)
Bạn nên dùng liều thuốc chống đông sẽ theo chỉ định của bác sĩ, hãy lên thời gian biểu cố định sử dụng thuốc để tránh quên liều và đặc biệt không tự ý ngừng thuốc mà chưa hỏi ý kiến bác sỹ để tránh nguy cơ mắc phải cơn đau tim. Trong quá trình sử dụng, nên hạn chế một số loại thực phẩm hoặc thuốc sau đây để giảm các tương tác hoặc nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ.
Tương tác của clopidogrel với các thuốc khác
- Aspirin liều thấp: được kết hợp với clopidogrel trong nhiều trường hợp, và mang lại tác dụng chống đông máu rất hiệu quả, tuy nhiên người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị chảy máu ruột, dạ dày tăng dần theo độ tuổi. Do vậy, bác sĩ sẽ phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi có chỉ định cụ thể cho từng trường hợp. Nếu có sự kết hợp của 2 thuốc trên, thì thời gian sử dụng rất hạn chế, thường tối đa là trong 12 tháng. Sau giai đoạn này, người bệnh chỉ nên sử dụng một trong hai loại thuốc chống đông máu.
- Các thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu của clopidogrel: Bao gồm các thuốc chống đông máu khác (warfarin, dipyridamole); thuốc giảm đau chống viêm không steroid (diclofenac, ibuprofen); thuốc điều trị trầm cảm (fluoxetine, sertraline); thuốc kháng lao (rifampicin)…
- Các thuốc làm giảm tác dụng của clopidogrel: Bao gồm thuốc điều trị loét dạ dày, tá tràng (omeprazole, lansoprazole); thuốc kháng nấm (Fluconazole; ketoconazole); do những chất này ức chế men chuyển hóa Plavix tại gan.
Nếu đang sử dụng bất kỳ 1 loại thuốc nào kể trên, bạn hãy trao đổi thật kỹ với bác sỹ hoặc dược sỹ để được hướng dẫn phù hợp, tránh xảy ra tình trạng chảy máu quá mức hoặc cục máu đông vẫn hình thành.
Thực phẩm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc:
- Làm giảm tác dụng chống đông của thuốc: Gồm những thực phẩm giàu vitamin K như rau cải xanh, bắp cải, rau chân vịt, mùi tây, măng tây, súp lơ, tỏi, dưa chuột…
- Làm tăng nguy cơ chảy máu: Gồm các thực phẩm chứa salicylate như táo, cam, ớt xanh, bí xanh… bởi chất này có tác dụng như một loại thuốc chống đông máu. Người đang sử dụng Plavix cũng cần tránh uống rượu.
Nhỡ hoặc quên một liều thuốc chống đông Plavix
Nếu bạn lỡ quên uống 1 liều thuốc chống đông, hãy dùng liều đó ngay khi nhớ ra, sau đó tiếp tục duy trì uống thuốc theo lịch cố định. Tuy nhiên, nếu liều đã bỏ quên gần với thời gian của lần uống thuốc tiếp theo (khoảng cách trên 12 giờ), hãy bỏ qua liều đã quên mà không uống bù với liều gấp đôi vì sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc.
3. Tác dụng phụ của clopidogrel và cách xử trí
- Clopidogrel có thể gây đau đầu, chóng mặt, đặc biệt khi bạn sử dụng cùng rượu hoặc một số thuốc nhất định. Vì vậy, bạn nên tránh vận hành máy móc hoặc lái xe khi đang sử dụng thuốc này.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc này, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, nó có thể xảy ra say khi sử dụng clopidogrel một thời gian ngắn dưới 2 tuần. Vì vậy, khi sử dụng thuốc mà xuất hiện các dấu hiệu như bầm tím, đốm đỏ li ti dưới da, mệt mỏi bất thường, sốt hoặc ớn lạnh, đau bụng, đau lưng dữ dội do xuất huyết tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, chảy máu… bạn cần liên hệ với bác sỹ điều trị để nhập viện ngay.
Dấu hiệu xuất huyết dưới da khi sử dụng clopidogrel
- Do clopidogrel làm giảm quá trình đông máu, cầm máu, nên bạn cần tránh các hoạt động có thể gây bầm tím hoặc chấn thương. Hãy báo cho bác sỹ biết khi bạn có vết bầm tím bất thường, chảy máu cam, phân đen lẫn máu.
- Khi can thiệp nha khoa hoặc làm phẫu thuật khẩn cấp, hãy khai báo thông tin trong bệnh án rằng bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu.
- Thuốc có thể gây phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa, rộp da, khó thở, tức ngực, khản giọng, sưng môi, miệng, lưỡi. Vì thế hãy liên hệ ngay với chuyên gia y tế để được can thiệp kịp thời.
Mặc dù người bệnh thu được nhiều lợi ích khi sử dụng thuốc chống đông Plavix (clopidogrel) nói riêng và tất cả các thuốc tim mạch khác nói chung, nhưng họ vẫn có nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài việc dùng đúng, đủ liều theo thời gian quy định, họ cần lưu ý cả về các thực phẩm hoặc thuốc khi dùng cùng, đặc biệt là cách phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn để có hướng xử lý kịp thời, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh.
Biên tập viên sức khỏe Đông tây
Nguồn tham khảo:
www.nhs.uk
www.drugs.com
www.webmd.com
www.livestrong.com
Bình luận