Thuốc chẹn canxi trong điều trị rối loạn nhịp tim và những câu hỏi thường gặp
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được tất cả câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng thuốc chẹn Canxi, để giúp việc điều trị bệnh của bạn đạt được hiệu quả cao nhất.
Thuốc chẹn canxi giúp ổn định nhịp tim như thế nào?
Thuốc chẹn kênh Canxi được xếp vào nhóm thuốc chống loạn nhịp nhóm IV, hữu ích trong điều trị các rối loạn nhịp nhanh, trong đó chủ yếu là nhịp tim nhanh trên thất. Thuốc hoạt động bằng cách giảm lượng ion Ca++ đi vào tế bào cơ tim, giúp giảm tính kích thích của các tế bào cơ tim, từ đó làm giảm nhịp tim.
Có rất nhiều loại thuốc chẹn kênh Canxi khác nhau nhưng chỉ có 2 thuốc thường được dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim đó là: diltiazem (Cartia, Cardizem, Dilacor XR, Diltia XT, Tiamate) và verapamil (Covera-HS, Calan, Isoptin, Verelan).
Verapamil là thuốc chẹn kênh Canxi thường được dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim
Những ai không nên sử dụng thuốc chẹn Canxi?
Nếu bạn nằm trong số những đối tượng dưới đây, bạn cần thông báo với bác sĩ để được cân nhắc trước khi dùng thuốc chẹn Canxi, bởi thuốc có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho bạn.
- Bị dị ứng với thuốc nhuộm hay thực phẩm
- Bạn có ý định mang thai, đang mang thai, hoặc bạn đang cho con bú. Mặc dù chưa có báo cáo nào về các ảnh hưởng của thuốc chẹn Canxi trên phụ nữ có thai và cho con bú, tuy nhiên khi sử dụng thuốc vẫn cần thận trọng.
- Người trên 60 tuổi. Bởi người lớn tuổi sử dụng thuốc chẹn Canxi dễ gặp phải các tác dụng bất lợi hơn so với những người trẻ tuổi.
- Bị huyết áp thấp.
- Bị suy tim hoặc mắc các bệnh tim mạch khác.
- Bị bệnh về gan thận.
- Có đường huyết thấp, do thuốc chẹn Canxi có thể làm hạ đường huyết nếu dùng liều lớn hơn 60 mg mỗi ngày.
- Mắc bệnh Parkinson.
- Có tiền sử trầm cảm.
Làm thế nào để sử dụng thuốc chẹn kênh Canxi hiệu quả?
Khi dùng thuốc chẹn Canxi bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Không được tự ý tăng, giảm liều hoặc ngưng thuốc đột ngột.
Bạn nên uống thuốc chẹn kênh canxi trong bữa ăn hoặc dùng cùng với sữa để bảo vệ dạ dày.
Bạn cũng cần theo dõi huyết áp và nhịp tim thường xuyên, nếu thấy các chỉ số bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn.
Nếu dùng thuốc chẹn Canxi dạng giải phóng kéo dài (kết thúc bằng đuôi XL, XR, XT), bạn phải uống thuốc nguyên viên, không được nhai hoặc nghiền nát viên thuốc.
Thực phẩm nào cần tránh khi dùng thuốc chẹn Canxi?
Tránh bưởi hoặc nước ép bưởi, vì chúng sẽ làm thay đổi tác dụng của thuốc. Vì vậy, bạn cần dùng bưởi cách thời điểm uống thuốc ít nhất 4h.
Tránh hút thuốc, bởi nó có thể gây ra nhịp tim nhanh bất thường.
Tránh uống rượu, do rượu có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc chẹn Canxi.
Thuốc chẹn Canxi có tác dụng phụ gì không?
Thuốc chẹn Canxi là một nhóm thuốc tương đối an toàn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng thường ít nghiêm trọng.
Bạn có thể có biểu hiện đỏ bừng và đau đầu do thuốc có tác dụng giãn mạch. Tuy nhiên những triệu chứng này thường giảm dần sau một vài ngày sử dụng.
Một tác dụng phụ khác khá phổ biến của thuốc chẹn Canxi đó là táo bón. Nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách tăng cường chất xơ trong mỗi bữa ăn.
Phù nhẹ ở mắt cá chân cũng là một tác dụng phụ thường gặp.
Một số tác dụng phụ khác ít gặp hơn là mệt mỏi, đánh trống ngực, chóng mặt, phát ban.
Nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng phụ nào hãy liên hệ với bác sĩ để được xử trí
Những loại thuốc nào tương tác với thuốc chẹn kênh Canxi?
Những loại thuốc say đây có thể gây tương tác, làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc chẹn Canxi, vì vậy bạn cần tránh hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Chúng bao gồm:
- Các thuốc chống loạn nhịp khác
- Các thuốc điều trị huyết áp cao, như thuốc chẹn kênh beta hoặc thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc lợi tiểu
- Các thuốc Corticoid
- Digitalis
- Thuốc bổ sung Canxi hay vitamin D liều cao.
Một số loại thuốc khác gây tương tác với thuốc chẹn Canxi nhưng có thể không được liệt kê ở trên, vì vậy tốt nhất hãy trao đổi với bác sĩ về tất cả những loại thuốc mà bạn đang dùng.
Nguồn: webmd.com/heart-disease/guide/heart-disease-calcium-channel-blocker-drugs
Bình luận