Những điều cần tránh khi sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin (2)
Warfarin được dùng trong những trường hợp nào?
Warfarin giúp giảm sự hình thành của các cục máu đông bằng cách ngăn cản hoạt động của các enzyme sử dụng vitamin K để sản xuất các yếu tố đông máu. Nhờ đó, thuốc thường được dùng trong những trường hợp:
- Người bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ): dễ hình thành các cục máu đông, gây tắc mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Do đó người bệnh phải uống thuốc chống đông để ngăn ngừa biến chứng.
- Người bệnh đã thay van tim cơ học: cần phải uống chống đông suốt đời để duy trì hoạt động của van, tránh bị kẹt van do cục máu đông gây hư van phải mổ lại.
- Những người có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ: dùng thuốc chống đông để phòng ngừa tái phát.
- Người bệnh huyết khối tĩnh mạch chân: cần uống thuốc chống đông từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn tùy nguyên nhân gây huyết khối.
- Người bệnh thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi tiên phát: cần điều trị thuốc kháng đông lâu dài.
Những điều cần tránh khi sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin
Ai không nên dùng Warfarin?
Những người sau đây không nên dùng warfarin:
- Phụ nữ mang thai, bởi thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé
- Người bị tăng huyết áp không kiểm soát được
- Những người có nguy cơ cao bị chảy máu như loét dạ dày, tá tràng
- Người có rối loạn đông máu, như bệnh máu khó đông
Những điều cần lưu ý khi sử dụng Warfarin
Nên uống Warfarin như thế nào?
Bạn cần dùng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định bác sĩ. Warfarin được uống một lần mỗi ngày, thường vào buổi tối. Bạn có thể dùng thuốc khi đói hoặc khi no nhưng tốt nhất nên cố định thời điểm uống mỗi ngày.
Làm gì nếu lỡ quên một liều thuốc Warfarin?
- Uống lại liều đã quên ngay khi nhớ ra nếu bạn quên trong vòng 8 tiếng.
- Nếu quên trên 8 tiếng, bạn nên bỏ qua liều đó và uống liều tiếp theo như bình thường.
- Không được liều uống gấp đôi để bù lại.
- Nếu quên liên tiếp 2 lần nên hỏi ý kiến hướng dẫn của bác sĩ.
Xét nghiệm máu thường xuyên khi dùng Warfarin
Warfarin kéo dài thời gian đông máu do đó bạn phải xét nghiệm máu thường xuyên để đo INR (tốc độ đông máu). Dựa vào chỉ số này bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp. Nếu INR thấp, không đạt mục tiêu điều trị, có thể phải tăng liều. Nếu INR cao làm tăng nguy cơ chảy máu, khi đó bác sĩ sẽ cần xem xét để giảm liều.
Khi mới bắt đầu uống kháng đông nên đo INR mỗi 1-2 ngày trong 2 tuần đầu, cho đến khi INR đạt mục tiêu 2 lần liên tiếp.
Khi ổn định, nên thử INR định kỳ mỗi 2-4 tuần một lần.
Khi thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc uống, mắc bệnh khác hay dấu hiệu chảy máu thì nên thử lại INR.
Những điều cần tránh khi sử dụng Warfarin
- Hạn chế các thực phẩm giàu vitamin K như súp lơ, rau bina, bắp cải, rau diếp, rau muống, gan động vật, bơ thực vật, dầu đậu nành, dầu hướng dương...
- Hạn chế bia rượu, bởi uống nhiều rượu bia khi sử dụng Warfarin có thể gây nguy hiểm, làm tăng tác dụng phụ của thuốc và tăng nguy cơ chảy máu.
- Đặc biệt cẩn thận với các dụng cụ có thể gây chảy máu như dao, kéo, dao cạo râu, máy móc công nghiệp...
- Tránh những môn thể thao dễ gây tổn thương như bóng đá, võ thuật, đấm bốc...
- Khi tiêm chủng chỉ nên tiêm dưới da, tránh tiêm bắp vì có thể gây thâm tím tại nơi tiêm.
- Khi làm bất kỳ một phẫu thuật hay thủ thuật nào (ví dụ như nhổ răng), cần phải thông báo cho bác sĩ biết bạn đang dung Warfarin. Bởi bạn sẽ phải ngưng thuốc vài ngày trước khi thực hiện phẫu thuật.
- Tránh các thuốc có thể gây tương tác với Warfarin hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Những thuốc thông thường bao gồm: aspirin, ibuprofen, paracetamol...
Tác dụng phụ của Warfarin
Tác dụng phụ phổ biến nhất của Warfarin chính là chảy máu. Nguy cơ chảy máu lớn nhất xảy ra trong vài tuần đầu tiên khi bắt đầu điều trị với warfarin và khi bạn bị ốm.
Những dấu hiệu cảnh báo biến chứng khi dùng Warfarin:
- Chảy máu cam kéo dài hơn 10 phút
- Chảy máu răng lợi
- Ho hoặc nôn ra máu
- Nước tiểu hồng, đỏ hoặc nâu
- Đi cầu ra máu hoặc phân đen
- Nhức đầu dữ dội và kéo dài
- Sưng bàn chân hoặc bắp chân dai dẳng (kéo dài > 1 - 2 ngày)
- Dấu hiệu và triệu chứng của tai biến mạch máu não: yếu nửa người, nói khó, nuốt sặc,...
Trong mọi trường hợp, nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trong khi dùng thuốc chống đông, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được trợ giúp.
Nguồn: nhs.uk/conditions/Anticoagulants-warfarin-/Pages/Introduction.aspx
Bình luận