Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử nhỏ nhưng rất tinh vi được cấy dưới da giúp điều hòa nhịp tim và giữ cho cử động của các buồng tim được phối hợp nhịp nhàng với nhau. Nếu bạn đã cấy máy tạo nhịp tim hoặc được chỉ định sử dụng phương pháp này để điều trị bệnh tim mạch, dưới dây là những thông tin hữu ích cho bạn.

Máy tạo nhịp tim là thiết bị hữu ích đối với những người bị rối loạn nhịp tim khi hệ thống điện bình thường của tim bị trục trặc. Loại máy này được sử dụng nhiều nhất ở những người có nhịp tim chậm do hội chứng nút xoang hoặc block tim. Trong những thập kỷ gần đây, máy tạo nhịp tim đã được cải tiến và khắc phục nhiều nhược điểm, trở thành thiết bị an toàn, hiệu quả, giúp người bệnh trở về với cuộc sống gần như bình thường. 

Máy tạo nhịp tim có thể giúp loại bỏ các triệu chứng do chậm nhịp tim, bao gồm yếu, mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt hoặc mất ý thức. Ngoài ra, một loại máy tạo nhịp tim đặc biệt còn có thể giúp cải thiện chức năng tim cho người bệnh suy tim, được gọi là máy tạo nhịp tái đồng bộ tim (cardiac resynchronization therapy – CRT).

May-tao-nhip-tim-duoc-cay-duoi-da-la-mot-thiet-bi-huu-ich-cho-nguoi-benh-roi-loan-nhip-tim

Máy tạo nhịp tim được cấy dưới da  là một thiết bị hữu ích cho người bệnh rối loạn nhịp tim

Dưới đây là tất cả những thông tin bạn cần biết về máy tạo nhịp tim:

Máy tạo nhịp tim hoạt động như thế nào?

Máy tạo nhịp tim không được tạo ra để làm thay công việc của trái tim, nhiệm vụ chính của nó là điều chỉnh thời gian và trình tự của nhịp tim trong khi trái tim hoạt động.

Máy tạo nhịp tim gồm hai phần chính là: Máy tạo nhịp (the generator) và dây dẫn (leads).

-  Máy tạo nhịp về cơ bản là một máy tính nhỏ (với một cục pin và các linh kiện điện tử khác), được bọc bởi lớp vỏ titan kín. Bộ phận này thường có kích thước bằng khoảng 3 đồng xu xếp chồng lên nhau.

-  Dây dẫn là dây cách điện giúp truyền tín hiệu điện qua lại giữa máy tạo nhịp với trái tim. Một đầu của dây dẫn được gắn vào máy tạo nhịp, đầu kia được đưa vào tim thông qua một tĩnh mạch. Hầu hết các máy tạo nhịp tim hiện nay có hai dây dẫn, một nối với tâm nhĩ phải, một nối với tâm thất phải.

Máy tạo nhịp tim được cấy dưới da, ngay dưới xương đòn thông qua gây tê tại chỗ. Các dây dẫn được luồn qua tĩnh mạch gần đó, luồn đến vị trí phù hợp trong tim, đầu còn lại cắm vào máy tạo nhịp. Thủ thuật cấy máy tạo nhịp tim rất nhanh gọn, chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 giờ.

Sau khi được cấy ghép, máy tạo nhịp tim sẽ điều hòa nhịp tim bằng cách giám sát hoạt động điện của tim và can thiệp khi cần thiết. Nếu nhịp tim bị chậm, thiết bị sẽ truyền tín hiệu điện nhỏ đến cơ tim, làm cho tim co bóp.

Nhịp tim có thể được tạo từ tâm nhĩ phải hoặc tâm thất phải, cũng có thể là cả hai. Điều này do máy tạo nhịp tự điều chỉnh dựa theo tình trạng thực tế (máy tạo nhịp tim đã được lập trình). Bác sỹ có thể dễ dàng lập trình lại máy tạo nhịp tim sao cho phù hợp với nhịp điệu của tim người bệnh.

Máy tạo nhịp tim có đáp ứng tần số (Rate-Responsive Pacemakers)

Trước đây, những chiếc máy tạo nhịp tim đầu tiên được sử dụng chỉ có thể đạt được một tốc độ nhịp tim cụ thể, tức là bất kỳ khi nào nhịp tim của bệnh nhân giảm xuống dưới một giá trị được thiết lập sẵn (thường là 70 nhịp/phút), máy tạo nhịp sẽ bắt đầu phát ra xung điện và giúp tim đập với tốc độ bình thường cố định.

Ngày nay, hầu hết các máy tạo nhịp tim có khả năng thay đổi tốc độ, phụ thuộc vào nhu cầu trước mắt của người bệnh. Những thiết bị như vậy được gọi là máy tạo nhịp tim có đáp ứng tần số.

Máy tạo nhịp tim có đáp ứng tần số giúp điều chỉnh nhịp tim theo hoạt động của cơ thể

Máy tạo nhịp tim có đáp ứng tần số giúp điều chỉnh nhịp tim theo hoạt động của cơ thể

Một số máy tạo nhịp tim có đáp ứng tần số được gắn các cảm biến hoạt động (phát hiện hoạt động của cơ thể) để xác định nhịp tim tối ưu. Cơ thể càng hoạt động nhiều, máy tạo nhịp sẽ đẩy tốc độ đập của tim lên cao hơn, nhưng không vượt quá phạm vi an toàn theo thiết lập của bác sỹ. Ngoài ra, máy tạo nhịp tim có đáp ứng tần số cũng có thể được gắn cảm biến hơi thở, càng thở gấp thì cơ thể càng hoạt động nhiều và máy tạo nhịp sẽ đẩy tốc độ lên cao. Những công nghệ này cho phép máy tạo nhịp tim “ bắt chước ” sự thay đổi của nhịp tim đối với các hoạt động bình thường.

Máy tạo nhịp tim có thường xuyên can thiệp vào nhịp đập của tim hay không?

Ở hầu hết các bệnh nhân cấy máy tạo nhịp tim, hệ thống điện tim là nơi chủ yếu tạo ra nhịp tim. Máy tạo nhịp tim đóng vai trò như một chiếc “van an toàn” để ngăn chặn các cơn nhịp tim chậm thỉnh thoảng xuất hiện. Đối với những bệnh nhân khác, máy tạo nhịp tim hoạt động chủ yếu ở chế độ đáp ứng tần số, cho phép nhịp tim tăng một cách thích hợp trong quá trình hoạt động. Chế độ đáp ứng tần số của máy tạo nhịp tim giúp người bệnh chủ động hơn và ít mệt mỏi hơn.

Có một số dạng rối loạn nhịp chậm nặng và người bệnh cần được “tạo nhịp” thường xuyên. Nếu máy tạo nhịp dừng lại, rất có thể người bệnh sẽ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Những người bệnh này được gọi là “người phụ thuộc vào máy tạo nhịp tim”.

Cuộc sống với máy tạo nhịp tim có gì khác?

Máy tạo nhịp tim có nhiệm vụ ngăn chặn hoặc loại bỏ các vấn đề gây ra bởi chậm nhịp tim. Vì vậy, đây là một thiết bị vô cùng cần thiết cho những người có nhịp tim chậm.

Người bệnh vẫn có thể sống cuộc sống bình thường, không hạn chế sau khi cấy máy tạo nhịp tim

Người bệnh vẫn có thể sống cuộc sống bình thường, không hạn chế sau khi cấy máy tạo nhịp tim

Sau khi cấy máy tạo nhịp tim, bạn vẫn có thể sống cuộc sống bình thường, hầu như không bị hạn chế nếu như tuân thủ các biện pháp phòng ngừa theo chỉ dẫn của bác sỹ và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tuy nhiên, bạn cần hạn chế một số thiết bị có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp bao gồm:

-  Điện thoại di động, nam châm: bạn cần giữ chúng cách xa máy tạo nhịp ít nhất 15 cm.

-  Dò chống trộm: Máy dò chống trộm tại các cửa hàng hay siêu thị cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp tim. Vì vậy, bạn cần tránh dừng lại nó quá lâu, hãy đi bộ qua nó một cách bình thường.

-  Máy quét kim loại cầm tay tại sân bay: hãy trao đổi trước với các nhân viên an ninh tại sân bay rằng bạn đang sử dụng máy tạo nhịp tim để họ tránh đưa máy quét kim loại tới gần bạn.

-  Máy hàn và máy cưa: đủ mạnh để can thiệp vào hoạt động của máy tạo nhịp tim, vì vậy bạn cần tránh sử dụng.

-  Một số thủ thuật y tế: như quét MRI, xạ trị, tán sỏi cũng làm gián đoạn hoạt động của máy tạo nhịp, thậm chí làm hỏng máy, vì vậy hãy thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi tiến hành các biên pháp này.

Nhờ những tiến bộ trong y học, máy tạo nhịp tim ngày càng an toàn và trở thành thiết bị hữu ích đối với người bệnh tim mạch, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do rối loạn nhịp tim chậm gây ra.

Tham khảo: www.verywell.com/pacemakers-what-you-should-know-1745231

Bình luận

  • Tien Manh
    Tien Manh - Gửi lúc 15:02 08/10/2020
    Người yêu e bị bệnh tim bẩm sinh phải lắp máy tạo nhịp tim. Bs cho e hỏi có ảnh hưởng nhiều đến vấn đề mang thai hoặc sinh nở sau này không ạ
    • dongtay.net.vn
      Chào bạn,Với người đã đặt máy tạo nhịp tim thì họ sẽ phải dùng một số thuốc nhất định, và cơ bản chức năng tim cũng bị ảnh hưởng phần nào. Trước khi có kế hoạch mang thai, người nhà bạn nên cần cân nhắc kỹ cùng bác sĩ điều trị để đánh giá tổng quan lại sức khỏe tim mạch xem có nên mang thai hay không? Bởi khi mang thai, tim của người mẹ sẽ phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ máu cho cả mẹ và thai nhi, cho nên có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, máy tạo nhịp tim dẫn tới nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.Do đó các bạn hãy tới gặp bác sĩ trước khi có ý định mang thai nhé.Thân mến,