Đánh trống ngực – cảm giác tim đập mạnh, dồn dập hoặc bỏ nhịp trong lồng ngực, đôi khi là lành tính không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng trong nhiều trường hợp nó có thể liên quan đến bệnh rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Làm thế nào để nhận biết cơn đánh trống ngực là nguy hiểm?

Đánh trống ngực có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nghiêm trọng nhất là rối loạn nhịp tim. Không khó để nhận biết cơn đánh trống ngực, người bệnh có thể cảm thấy rõ cảm giác tim đập rất mạnh như rung lên trong lồng ngực, đôi khi lan lên cổ. TS.BS Joseph E. Marine – chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins Bayview (Mỹ) cho biết, người bệnh thường cảm thấy tim đập bỏ nhịp vào ban đêm – khi họ đang ngủ trên giường và rất dễ dàng để nhận ra điều này. 

Với những triệu chứng có vẻ báo động của đánh trống ngực, người mắc thường không tránh khỏi suy nghĩ mình đang bị bị bệnh tim. Tuy nhiên, không phải đánh trống ngực lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh tim.

Danh-trong-nguc-co-the-la-dau-hieu-canh-bao-roi-loan-nhip-tim-nguy-hiem

Đánh trống ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim nguy hiểm

Nguyên nhân gây đánh trống ngực

Có nhiều nguyên nhân gây ra đánh trống ngực, gồm cả nguyên nhân liên quan hoặc không liên quan đến bệnh tim, bao gồm:

-  Gắng sức

-  Stress

-  Caffeine, rượu, thuốc lá hoặc thuốc/thực phẩm chức năng giảm cân

-  Bệnh cường chức năng tuyến giáp

-  Thay đổi nội tiết tố liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh.

-  Huyết áp thấp

-  Bệnh tim hoặc bất thường ở van tim

-  Phản ứng của cơ thể với các loại thuốc như thuốc tuyến giáp, thuốc cảm và thuốc hen suyễn.

Đánh trống ngực cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số loại rối loạn nhịp tim, phổ biến nhất là:

-  Nhịp nhanh trên thất (Supraventricular tachycardia): Nhịp tim nhanh có nguồn gốc từ phía trên tâm thất được gọi là nhịp nhanh trên thất, có thể khiến tim đập rất nhanh hoặc thất thường. Triệu chứng của nhịp nhanh trên thất bao gồm tim đập quá nhanh và chóng mặt.

-  Rung nhĩ (Atrial fibrillation): Đây là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Rung nhĩ có thể khiến tim đập nhanh và hỗn loạn, làm giảm lượng máu xuống tâm thất và dẫn đến hình thành cục máu đông nghiêm trọng, gây đột quỵ. Rung nhĩ đôi khi không có triệu chứng, nhưng có thể gây đau ngực, đánh trống ngực hoặc khó thở.

-  Nhịp nhanh thất (Ventricular tachycardia): Nhịp tim nhanh xuất phát từ tâm thất (buồng tim dưới) được gọi là nhịp nhanh thất. Nếu có liên quan đến bệnh tim cấu trúc, nhịp nhanh thất có thể gây ngừng tim, thậm chí đột tử.

Phát hiện đánh trống ngực là dấu hiệu của rối loạn nhịp tim nguy hiểm

Việc phân biệt đánh trống ngực lành tính với rối loạn nhịp tim rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu đánh trống ngực đôi khi xuất hiện do tác động của một số yếu tố như stress hay chất kích thích, thì chúng thường lành tính và vô hại.

Nhưng nếu đánh trống ngực xuất hiện thường xuyên, dồn dập, kèm theo nhiều triệu chứng như tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở, mệt mỏi,... thì có thể là cảnh báo của một vấn đề tim mạch nghiêm trọng, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Tuy nhiên, việc chẩn đoán đánh trống ngực không phải lúc nào cũng dễ dàng vì cơn đánh trống ngực thường không xuất hiện khi người bệnh đi khám. Vì vậy, người bệnh sẽ cần ghi điện tâm đồ Holter (Holter Monitor) trong vòng 24 – 48 giờ hoặc lâu hơn.

Phat-hien-danh-trong-nguc-nguy-hiem-bang-cach-ghi-dien-tam-do-Holter

Phát hiện đánh trống ngực nguy hiểm bằng cách ghi điện tâm đồ Holter

Holter Monitor là một thiết bị nhỏ có thể bỏ túi, các điện cực được gắn vào vùng ngực để ghi lại nhịp tim của người bệnh . Bằng cách này các bác sĩ có thể phát hiện được các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng gây ra biểu hiện đánh trống ngực.

Điều trị đánh trống ngực

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và nguyên nhân cơ bản gây đánh trống ngực, người bệnh được điều trị theo 1 trong 3 phương pháp sau:

-  Chăm sóc phòng ngừa: Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp đánh trống ngực không nghiêm trọng. Chăm sóc phòng ngừa bao gồm bỏ thuốc lá, hạn chế caffeine và rượu; giảm căng thẳng; Tập hít thở sâu và yoga; Ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên; Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.

-  Điều trị bằng thuốc: Nếu phát hiện các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, bác sỹ có thể kê thuốc chống loạn nhịp tim như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci. Trong trường hợp các thuốc này không có hiệu quả, người bệnh có thể cần đến thuốc chống loạn nhịp có tác dụng mạnh hơn, đó là các thuốc tác động trực tiếp lên kênh natri và kali. Việc sử dụng thuốc điều trị đánh trống ngực cần được tư vấn và theo dõi chặt chẽ.

-  Điều trị rối loạn nhịp tim bằng phương pháp đốt điện qua đường ống thông (Catheter ablation): Một dây dẫn nhỏ được luồn qua tĩnh mạch chân vào tim để kích hoạt rối loạn nhịp tim nhằm xác định nguyên nhân. Sau đó, bằng dây dẫn này, bác sỹ sẽ đốt khu vực cơ tim phát ra các tín hiệu điện bất thường gây rối loạn nhịp. Liệu pháp này có hiệu quả cao nếu bác sỹ tìm được khu vực cụ thể của trái tim gây rối loạn nhịp tim.

Ngoài ra, đánh trống ngực kèm theo rối loạn nhịp tim có thể được điều trị bằng một số phương pháp khác, bao gồm sốc điện và cấy máy khử rung tim dưới da, tùy theo tình trạng bệnh.

TS.BS Joseph E. Marine cho rằng, đối với đánh trống ngực thì sự thư giãn đôi khi là liều thuốc tốt nhất cho bệnh nhân. Tránh xa stress, tập kỹ thuật thở và giảm lo lắng là cách hiệu quả để ngăn chặn cơn rối loạn nhịp do đánh trống ngực, cho dù nó xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa.

Tham khảo: http://www.hopkinsmedicine.org

Bình luận