Khác với nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Điều trị nhịp nhanh thất phụ thuộc vào độ ổn định của huyết động (lưu lượng máu ra vào tim). Người bệnh có cơn tim nhanh thất gây rối loạn huyết động nặng cần được cấp cứu ngay.

Nhịp nhanh thất là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm bởi tâm thất là bộ phận quan trọng nhất của tim có trách nhiệm đẩy máu từ tim đi khắp cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu gây ra nhịp nhanh thất là do rối loạn dẫn truyền xung điện tim. Nhịp nhanh thất thường đi kèm với nhiều bệnh tim tiềm ẩn hoặc người bệnh có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

Phân loại nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất có hai dạng: Cơn nhịp nhanh thất gây rối loạn huyết động và cơn nhịp nhanh thất không gây rối loạn huyết động (nhịp nhanh thất ổn định).

Cơn tim nhanh thất gây rối loạn huyết động

Người bệnh có dấu hiệu cơ thể thiếu oxy trầm trọng khiến nhịp tim nhanh và:

  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Hạ huyết áp
  • Rối loạn nhận thức

 Nhịp nhanh thất là rối loạn nhịp tim nhanh xuất phát từ tâm thất

Nhịp nhanh thất là rối loạn nhịp tim nhanh xuất phát từ tâm thất

Cơn tim nhanh thất không gây rối loạn huyết động

Người bệnh có cơn tim nhanh thất không gây rối loạn huyết động không gặp các triệu chứng gây ra do vấn đề lưu thông máu. Bởi khi đó, tim vẫn còn đủ khả năng tưới máu cho các cơ quan trong cơ thể. Điều trị cho những đối tượng này phụ thuộc nhiều vào chức năng tâm thất trái.

Cấp cứu người bệnh nhịp nhanh thất gây rối loạn huyết động nặng

Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn huyết động nặng do nhịp nhanh thất như ở trên cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Bệnh nhân cũng cần được bóp bóng oxy, ép tim ngoài lồng ngực (kỹ thuật CPR) cho đến khi tỉnh và tự thở được trong quá trình đưa đi cấp cứu đề phòng nguy cơ tử vong khi chưa đến được phòng cấp cứu.

Cơn tim nhanh

Bệnh nhân cần được ép tim ngoài lồng ngực để tỉnh táo và tự thở được khi chờ đến bệnh viện

Quản lý nhịp nhanh thất sau điều trị ban đầu

Trong giai đoạn này, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị của bác sỹ, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp tim. Ghi lại các tác dụng phụ của thuốc nếu có để báo lại với bác sỹ điều trị.

Ở những bệnh nhân nhịp nhanh thất lớn tuổi thường có khả năng lớn mắc bệnh tim mạch vành. Các nhà khoa học khuyến khích người bệnh cho dù ở độ tuổi nào cũng nên tập thể dục thường xuyên, sẽ có ích cho sức khỏe nói chung và đặc biệt là bệnh tim mạch nói chung.

Điều trị dài hạn nhịp nhanh thất

Người bệnh bị nhịp nhanh thất có cấu trúc tim bình thường ít có nguy cơ đột tử do tim mạch. Những bệnh nhân này thường không cần đặt máy khử rung tim mà chỉ cần điều trị bằng thuốc hoặc đốt tim bằng sóng năng lượng tần số radio.

Thuốc chống loạn nhịp thất trái thường không có nhiều tác dụng, đặc biệt ở những bệnh nhân suy thất trái. Thậm chí một số loại thuốc trong nhóm này còn làm tăng nguy cơ đột tử ở bệnh nhân. Thuốc chống loạn nhịp thế hệ III giúp chống loạn nhịp bằng cách khóa kênh kali có tác dụng tốt trên lâm sàng và Amiodarone là một trong những loại thuốc này.

Nếu suy thất trái hoặc suy tim toàn phần, người bệnh sẽ phải sử dụng thêm các loại thuốc suy tim mặc dù những loại thuốc này không có công dụng chống loạn nhịp tim: Thuốc chẹn beta như carvedilol, metoprolol, bisoprolol; Thuốc ức chế men chuyển ACE; Thuốc đối kháng aldosterone.

Đốt tim bằng sóng năng lượng tần số radio

Đốt tim là phương pháp loại bỏ các ổ gây rối loạn nhịp tim bằng sóng năng lượng. Trong điều trị nhịp nhanh thất, đốt tim giúp loại bỏ các mô tim khiến điện tim bị rối loạn. Sau khi đốt hết các mô tim gây rối loạn nhịp tim, nhịp thất sẽ ổn định trở lại.

Đốt tim bằng sóng năng lượng radio có thể sử dụng cho bệnh nhân có cấu trúc tim bình thường, hiệu quả với cả hai tình trạng nhịp nhanh thất phải và nhịp nhanh thất trái. Phương pháp này nên áp dụng sớm cho những bệnh nhân bị nhịp nhanh thất đơn hình, bệnh nhân có bệnh cơ tim.

Máy khử rung tim ICD

Máy khử rung tim được cấy ghép vào ngực của bệnh nhân có thể phát hiện được nhịp nhanh thất và chấm dứt nó bằng một sốc điện gửi vào tim.  

Người bệnh không được đặt máy khử rung tim nếu:

  • Có ST cao trong kết quả đo điện tâm đồ
  • Điều trị bằng thuốc có hiệu quả tốt
  • Tỷ lệ sống thấp, tiên lượng xấu


Chế độ ăn uống và hoạt động khi bị nhịp nhanh thất

Người bệnh thiếu máu do nhịp nhanh thất có thể được cải thiện tốt hơn nhờ chế độ ăn uống ít cholesterol, ít muối hoặc cả hai. Người bệnh nhịp nhanh thất không rõ nguyên nhân nếu như giảm các chất kích thích như cà phê, rượu bia sẽ giảm được triệu chứng tim mạch.

Vận động thể chất có nhiều lợi ích cho người bệnh tim mạch nói chung và những người mắc nhịp nhanh thất nói riêng. Các bài tập tốt cho tim mạch (cardio) sẽ giúp tăng cường chức năng tim.

Ngay khi có biểu hiện nhịp nhanh thất, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch gần nhất để được kiểm tra. Người bệnh cũng như người chăm sóc cần hiểu rõ nhịp nhanh thất gây rối loạn huyết động là tình trạng khẩn cấp. Người bệnh cần được sơ cứu ngay và đưa đến bệnh viện để cấp cứu, phòng nguy cơ đột tử do tim mạch hoặc các di chứng do nhồi máu cơ tim gây ra.

Tham khảo: http://emedicine.medscape.com/article/159075-treatment

Bình luận