Rối loạn nhịp tim là căn bệnh khiến tim của trẻ hoạt động bất thường. Nhịp tim có thể rất nhanh hoặc rất chậm, đôi khi lại lúc nhanh lúc chậm. Đa phần rối loạn nhịp tim ở trẻ không đáng lo ngại, số còn lại mặc dù nguy hiểm nhưng đều có phương pháp điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.

Dưới đây là những dạng rối loạn nhịp tim phổ biến mà con bạn có thể đã mắc phải.

Hội chứng QT kéo dài: Rối loạn nhịp tim do di truyền ở trẻ

Hội chứng dài QT là dạng rối loạn di truyền ảnh hưởng đến hệ thống điện tim, có thể xảy ra ở trẻ em bị bệnh tim mạch và cả những đứa trẻ khỏe mạnh. Sử dụng thuốc chẹn beta (beta blocker), phẫu thuật và cấy máy khử rung tim dưới da là những giải pháp có thể giúp giảm triệu chứng của hội chứng QT kéo dài.

Hội chứng dài QT kéo dài có thể không gây ra triệu chứng. Một số trẻ có thể bị ngất xỉu, nhịp tim rối loạn trong một thời gian ngắn và lặp lại. Các triệu chứng có thể xuất hiện khi trẻ có cảm xúc mãnh liệt như: sợ hãi, giận dữ hoặc đau đớn. Đôi khi, hội chứng dài QT cũng là nguyên nhân gây đột tử ở trẻ.

Ngoại tâm thu nhĩ (PAC) và ngoại tâm thu thất (PVC): Rối loạn nhịp tim thường gặp

Ngoại tâm thu là tình trạng tim đập sớm hoặc xuất hiện nhịp tim phụ bất thường. Nhịp bất thường nếu xuất phát từ buồng tim phía trên gọi là ngoại tâm thu nhĩ, từ buồng tim phía dưới gọi là ngoại tâm thu thất.

Ngoại tâm thu là rối loạn nhịp tương đối phổ biến ở trẻ em và vị thành niên. Hầu hết mọi người đều từng có ngoại tâm thu khi ở độ tuổi này, không có nguyên nhân cụ thể và không cần điều trị do thường biến mất nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện trên nền bệnh lý tim mạch thì rất nguy hiểm. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tim mạch để được điều trị.

 Roi-loan-nhip-tim-o-tre-nho-co-nhieu-dang-khac-nhau

Rối loạn nhịp tim ở trẻ nhỏ có nhiều dạng khác nhau

Rối loạn nhịp tim nhanh

Rối loạn nhịp tim nhanh là tình trạng tim đập quá nhanh so với nhịp điệu bình thường. Ở trẻ sơ sinh bị tim đập nhanh nếu nhịp tim khi nghỉ lớn hơn 160 nhịp/phút. Trẻ ở tuổi vị thành niên bị tim đập nhanh nếu nhịp tim khi nghỉ là 90 nhịp/phút. Nhịp tim bình thường của trẻ vị thành niên có thể lên tới 200 nhịp/phút khi tập luyện.

Nhịp nhanh xoang

Đặc trưng là sự tăng nhịp tim khi trẻ bị sốt, phấn khích hoặc tập thể dục. Nhịp nhanh xoang không cần điều trị, trừ khi trẻ bị nhịp nhanh xoang do thiếu máu hoặc cường giáp (hiếm gặp). Sau khi điều trị thiếu máu và cường giáp, nhịp nhanh xoang sẽ tự biến mất.

Nhịp nhanh trên thất ở trẻ em

Nhịp nhanh trên thất không nghiêm trọng ở hầu hết trẻ em và vị thành niên, trừ khi các triệu chứng thường xuyên xuất hiện trong thời gian dài. Trẻ sơ sinh có nhịp nhanh trên thất thường khỏi sau 6 - 12 tháng điều trị.

Tuy nhiên, nhịp nhanh trên thất có thể xảy ra ở trẻ bị dị tật tim bẩm sinh, đẩy nhịp tim lên trên 220 nhịp/phút, kèm theo triệu chứng thở nhanh, khó chịu hoặc buồn ngủ nhiều hơn bình thường.

Nhịp nhanh trên thất có thể được phát hiện khi trẻ vẫn còn trong bụng mẹ. Người mẹ có thể uống thuốc để làm chậm nhịp tim của thai nhi. Trẻ lớn hơn một chút có thể tự nhận thức được cơn nhịp nhanh trên thất với các triệu chứng như đánh trống ngực, chóng mặt, choáng váng, khó chịu ở ngực, đau bụng… Ở lứa tuổi này, tần suất xuất hiện nhịp nhanh trên thất sẽ dày đặc hơn và trẻ cần được điều trị kéo dài.

Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW)

Hội chứng WPW xảy ra khi xuất hiện một đường dẫn truyền phụ giữa tâm nhĩ và tâm thất xuất hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ.

WPW tạo ra một số thay đổi nhất định có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ. Nhiều người bị hội chứng WPW không có biểu hiện cụ thể nhưng lại có nguy cơ bị dừng tim đột ngột.

Hội chứng WPW ở trẻ có thể được cải thiện thông qua việc dùng thuốc loại bỏ đường dẫn truyền bất thường qua đường ống thông hoặc phẫu thuật.

Nhịp nhanh thất: Rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất ở trẻ

Nhịp nhanh thất là rối loạn nhịp tim nhanh xuất phát từ buồng tim dưới, hay tâm thất. Đây là tình trạng hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhưng lại có thể đe dọa cuộc sống, bệnh nhi cần được điều trị kịp thời.

Một số dạng nhịp nhanh thất không cần điều trị. Nếu việc điều trị là cần thiết, có thể trẻ sẽ phải uống thuốc để giải quyết nguyên nhân gây ra nhịp nhanh thất. Đốt sóng cao tần và phẫu thuật là các lựa chọn điều trị khác để kiểm soát nhịp nhanh thất ở trẻ em.

Nhịp tim chậm

Tim đập quá chậm cho với bình thường được gọi là rối loạn nhịp tim chậm. Trẻ sơ sinh có nhịp tim nghỉ ngơi dưới 80 nhịp/phút được coi là nhịp tim chậm. Vận động viên tuổi vị thành niên có nhịp tim nghỉ ngơi dưới 50 nhịp/phút được coi là nhịp tim chậm.

Hội chứng nút xoang (sick sinus syndrome)

Thường gặp ở những trẻ đã từng phẫu thuật tim mở. Hội chứng nút xoang xảy ra khi nút xoang hoạt động không đúng cách, gây rối loạn hệ thống điện trong tim. Trẻ bị hội chứng này thường có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu, một số trẻ không có triệu chứng gì.

Hội chứng hút xoang gây ra cả cơn nhịp tim nhanh và nhịp tim chậm, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và/hoặc cấy máy tạo nhịp tim nhân tạo.

Block tim hoàn toàn

 Block-tim-hoan-toan-co-the-xuat-hien-sau-phau-thuat-tim

Block tim hoàn toàn có thể xuất hiện sau phẫu thuật tim

Block tim hoàn toàn, hay block nhĩ thất cấp 3, là một trong ba mức độ rối loạn xung điện ở tim. Đây là trường hợp nặng nhất khi xung điện hoàn toàn bị chặn ở nút nhĩ thất nên không có xung điện nào được truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Lúc này, tâm thất phải tự tạo xung điện riêng nhưng nhịp từ tâm thất tạo ra lại thường chậm hơn nhiều so với nhịp tim. Điều này sẽ dẫn đến tim không thể bơm máu đủ đến các cơ quan khác trong cơ thể và có thể dẫn đến ngất hoặc tử vong.

Block tim có thể là tình trạng bẩm sinh hoặc xuất hiện sau một bệnh/phẫu thuật gây tổn thương hệ thống điện tim. Thông thường, trẻ bị block tim hoàn toàn cần được cấy máy tạo nhịp tim.

Nếu con bạn chẳng may bị rối loạn nhịp tim, bạn cần sát cánh bên con, nhắc nhở con uống thuốc và tránh các hoạt động ảnh hưởng xấu đến nhịp tim. Cùng với sự phát triển của y học, rối loạn nhịp tim ở trẻ nhỏ không còn là một vấn đề đáng lo ngại, chỉ cần bạn giúp trẻ điều trị đúng chỉ định của bác sỹ.

Tham khảo:
http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/Arrhythmia/AboutArrhythmia/Types-of-Arrhythmia-in-Children_UCM_302023_Article.jsp#.V2QDztJ97IV

Bình luận