Rung nhĩ và biến chứng suy tim, đột quỵ, mất trí nhớ
Rung tâm nhĩ (atrial fibrillation, gọi tắt là rung nhĩ) là một dạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng nhưng bản thân nó không đe dọa tính mạng, trừ khi dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm đột quỵ và suy tim.
Rung nhĩ là tình trạng tim không đập đúng nhịp điệu bình thường. Cụ thể, hai buồng tim trên (tâm nhĩ) đập nhanh hơn và lệch nhịp so với hai buồng tim dưới (tâm thất). Kết quả là, trái tim phải làm việc nhiều hơn nhưng kém hiệu quả, khiến máu không được lưu thông đi khắp cơ thể. Khi bị rung nhĩ, người bệnh thường có các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược và khó thở.
Những người bị chứng rung nhĩ có nguy cơ cao bị đột quỵ và suy tim. Cả hai biến chứng này đều có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Đột quị và cục máu đông: Biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ
Một trong những biến chứng thường gặp nhất của chứng rung nhĩ là sự hình thành các cục máu đông (huyết khối) ở trong tim.
Chứng rung nhĩ khiến cho dòng máu ở hai buồng nhĩ lưu thông hỗn loạn, ứ lại một phần ở tâm nhĩ thay vì đổ hết xuống tâm thất. Đây là nguyên nhân hình thành cục máu đông. Sau đó, cục máu đông sẽ theo dòng máu đến tâm thất và kết thúc “hành trình” ở phổi hoặc các động mạch vành, động mạch não. Cơn đột quỵ xảy ra khi cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu tới não, dẫn tới đột quị, khi đó các tế bào não không được cung cấp đủ oxy và bị tổn thương vĩnh viễn.
Cục máu đông – nguyên nhân gây đột quị não ở người rung nhĩ
Một người mắc chứng rung nhĩ có nguy cơ bị đột quị cao hơn gấp 2 lần so với người khỏe mạnh, nguy cơ này tăng lên theo tuổi tác. Theo thống kê, có khoảng 5% số người bệnh rung nhĩ bị một cơn đột quị mỗi năm. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Bệnh đái tháo đường
- Suy tim
- Tiền sử bị huyết khối
Đột quị não là tình trạng cấp cứu, có thể gây tê liệt một phần cơ thể, thậm chí là tử vong. Những người được chẩn đoán mắc chứng rung nhĩ thường phải sử dụng thuốc chống đông máu để làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Biến chứng rung nhĩ gây suy tim
Suy tim xảy ra khi trái tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cơ thể. Chứng rung nhĩ có thể dẫn đến suy tim bởi tâm nhĩ không bơm máu đầy tâm thất trước khi tâm thất co lại (để đẩy máu đến các cơ quan khác). Hay nói cách khác, tâm thất không thể bơm đủ máu đến những nơi cần đến.
Mệt mỏi, khó thở là các triệu chứng suy tim điển hình ở người rung nhĩ
Mệt mỏi và khó thở là các triệu chứng phổ biến của suy tim. Các triệu chứng này gây ra bởi sự tích tụ chất lỏng trong phổi. Sự tích tụ chất lỏng cũng có thể xảy ra ở bàn chân, mắt cá chân, bắp chân (tình trạng phù), gây tăng cân. Suy tim ảnh hưởng tới một bên hoặc toàn bộ cơ thể.
Thay đổi lối sống, uống thuốc và các can thiệp y tế là các phương pháp chính để điều trị cho người bệnh suy tim. Một người bệnh suy tim có thể sống được thêm nhiều năm nếu biết cách làm chậm tiến triển của bệnh và làm giảm triệu chứng.
Bệnh Alzheimer – nguy cơ cao của những người rung nhĩ
Theo một nghiên cứu trên hơn 37.000 người bệnh của Trung tâm Y khoa Intermountain (Mỹ) được công bố vào tháng 5/2009:
- Người bệnh rung nhĩ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 44% so với những người không bị rung nhĩ.
- Người trẻ tuổi bị rung nhĩ có nguy cơ cao mắc tất cả các loại bệnh mất trí nhớ, đặc biệt là Alzheimer. Người rung nhĩ dưới 70 tuổi có nguy cơ mắc Azheimer tới 130%.
- Những người bị cả rung nhĩ và mất trí nhớ có nguy cơ tử vong sớm (trong thời gian nghiên cứu) cao hơn 61% so với người bị mất trí nhớ mà không bị rung nhĩ.
- Người trẻ tuổi bị cả rung nhĩ và mất trí nhớ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn so với những những người già mắc cả hai chứng bệnh này.
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ cao mắc một số loại bệnh mất trí nhớ, bao gồm cả chứng mất trí nhớ mạch máu và bệnh Azheimer.
Khi bạn bị chẩn đoán mắc chứng rung nhĩ, điều quan trọng là bạn cần điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sỹ để cải thiện các triệu chứng và làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu được điều trị đúng cách, người bệnh rung nhĩ vẫn có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
Bình luận