Hội chứng “trái tim tan vỡ”: Đau khổ cũng có thể giết người
Mỗi năm, cứ đến gần ngày Lễ tình nhân Valentine là rất nhiều báo chí quốc tế đưa tin về những câu chuyện tình cảm khiến nhiều chị em bị mắc Hội chứng “trái tim tan vỡ”. Đây là một hội chứng căng thẳng cơ tim cấp tính, được “kích hoạt” do các tổn thương tình cảm, cảm xúc của người bệnh.
Chẩn đoán ban đầu, các bác sỹ có thể nhận định đây là một cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bằng phương pháp điện tâm đồ ECG, các bác sỹ dễ dàng nhận ra đây là Hội chứng “trái tim tan vỡ” mà không phải là cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm. Trong một số trường hợp, hội chứng này khiến cho chức năng tim bị suy yếu. Người bệnh cần được chăm sóc tim mạch chuyên sâu để phục hồi sớm. Thời gian để phục hồi có thể kéo dài một vài ngày đến vài tuần.
Hội chứng “trái tim tan vỡ” thường gặp ở nữ giới trên tuổi 50
Hội chứng “trái tim tan vỡ” cũng có thể gặp ở nhiều người khỏe mạnh (thường là nữ giới) ngay sau một cơn cảm xúc căng thẳng. Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân của hội chứng này có thể là do phản ứng của cơ thể tiết ra một lượng lớn adrenaline.
Các triệu chứng của hội chứng “trái tim tan vỡ”
Các triệu chứng của người bệnh có phần giống với một cơn nhồi máu cơ tim:
- Đau thắt ngực
- Lồng ngực có cảm giác bị đè nén
- Khó thở và cảm giác cơ thể chuẩn bị phát nổ
Bất cứ cơn đau ngực kéo dài nào đều có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim. Do đó, điều bạn cần làm là phải gọi cấp cứu ngay hoặc nhờ người thân, bạn bè đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng kể trên.
Nguyên nhân gây hội chứng “trái tim tan vỡ”
Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân của hội chứng trái tim tan vỡ. Một số giả thuyết cho rằng sự đột biến lượng hormone adrenaline là nguyên nhân gây hại cho tim.
Ngoài nguyên nhân là do kích động về mặt tình cảm, cảm xúc, một số loại thuộc cũng có thể gây ra hội chứng này:
- Epinephrine (EpiPen, EpiPen Jr), được sử dụng để điều trị dị ứng nghiêm trọng hoặc cơn hen nặng.
- Duloxetine (Cymbalta), được dùng trong điều trị các vấn đề thần kinh ở những người bị bệnh đái tháo đường hoặc trầm cảm.
- Venlafaxine (Effexor XR), điều trị trầm cảm.
- Levothyroxin (Synthroid, Levoxyl), trị bệnh tuyến giáp
Epinephrine có thể khiến người sử dụng mắc Hội chứng “trái tim tan vỡ”
Các biến chứng của hội chứng “trái tim tan vỡ”
Trong trường hợp hiếm gặp, Hội chứng “trái tim tan vỡ” gây tử vong cho người mắc phải. Tuy nhiên, hầu hết những người đã từng mắc hội chứng này đều nhanh chóng phục hồi và không để lại hậu quả lâu dài.
Các biến chứng khác của Hội chứng “trái tim tan vỡ” bao gồm:
- Phù phổi
- Huyết áp thấp
Hội chứng “trái tim tan vỡ”: phương pháp điều trị và thuốc
Không có điều trị nào là chuẩn cho Hội chứng “trái tim tan vỡ”. Đa số người bệnh mắc hội chứng này sẽ tự hồi phục trong khoảng vài ngày đến một vài tuần.
Do các triệu chứng của Hội chứng “trái tim tan vỡ” rất giống với một cơn nhồi máu cơ tim nên rất đa số bệnh nhân được đưa đến viện và phục hồi dần dần trong bệnh viện. Người bệnh có thể được điều trị bằng một số loại thuốc điều trị tim mạch như chất ức chế men chuyển ACE, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu. Những loại thuốc này giúp trái tim giữ được “bình tĩnh”, giảm khối lượng công việc mà tim phải thực hiện.
Điều trị bằng thuốc còn giúp cho bệnh nhân ngăn chặn các cơn đau thắt ngực tiếp theo, hạn chế nguy cơ xuất hiện biến chứng khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Các thủ tục như nong mạch, đặt stent hay phẫu thuật tim là không cần thiết trong điều trị Hội chứng “trái tim tan vỡ”.
Nếu bạn đã mắc Hội chứng “trái tim tan vỡ” một lần, bạn hoàn toàn có thể mắc lần thứ 2, lần thứ 3 và nhiều hơn thế nữa. Nếu bạn bị tái phát nhiều lần, bạn có thể sử dụng thuốc chẹn beta ở liều thấp theo đơn của bác sỹ để ngăn ngừa tình trạng này. Các bệnh lý liên quan đến tim mạch thường rất nguy hiểm, do đó, bạn không nên coi thường bất kỳ triệu chứng nào. Hãy đến gặp bác sỹ ngay khi nghi ngờ mình mắc bệnh tim, thời gian chính là mạng sống mà bạn giành giật lại từ tay căn bệnh đáng sợ này.
Tham khảo:
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/broken-heart-syndrome/basics/definition/con-20034635
https://www.verywell.com/broken-heart-syndrome-stress-cardiomyopathy-1746401
Bình luận