Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim nhanh
Mỗi phút, trái tim của người trưởng thành khỏe mạnh đập khoảng 60 - 100 nhịp để bơm máu đi nuôi cơ thể. Nhịp tim nhanh (tachycardia) xảy ra khi tim đập trên 100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi.
Ở nhiều người, nhịp tim nhanh là phản ứng bình thường của cơ thể khi bị sốt, mất máu nhanh, hoạt động mạnh hoặc lo lắng, căng thẳng. Tình trạng tim đập nhanh cũng có thể liên quan đến bệnh lý nội tiết (bệnh cường giáp), các vấn đề về phổi (viêm phổi, có cục máu đông trong động mạch phổi) hoặc tác dụng phụ của thực phẩm/đồ uống/thuốc men. Nhưng nhịp tim nhanh cũng có thể là dấu hiệu, triệu chứng của nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tim đập nhanh, bạn sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như dùng thuốc, can thiệp hoặc phẫu thuật.
1. Những cách làm ngừng nhịp tim nhanh
Trái tim có thể tự điều chỉnh một cơn nhịp nhanh và người bệnh cũng có thể làm chậm nhịp tim bằng một vài chuyển động đơn giản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bệnh phải sử dụng thuốc hoặc can thiệp y tế mới có thể kiểm soát được nhịp tim nhanh.
Các phương pháp điều trị làm chậm nhịp tim bao gồm:
- Nghiệm pháp Vagal (Vagal maneuvers): Bao gồm các thao tác ảnh hưởng tới dây thần kinh phế vị, giúp ngăn chặn nhịp tim nhanh. Ví dụ về nghiệm pháp Vagal: Ho mạnh, khoát nước lạnh lên mặt hoặc uống một cốc nước đá.
Chườm túi nước đá lên mặt có thể giúp làm chậm nhịp tim
- Thuốc: Nếu nghiệm pháp vagal không làm chậm nhịp tim, người bệnh cần sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim. Thuốc chống loạn nhịp tim có dạng tiêm (được thực hiện tại bệnh viện) hoặc dạng viên uống kê toa. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ để tránh biến chứng do nhịp tim giảm xuống quá thấp hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Sốc điện tim: Nếu rối loạn nhịp tim nhanh gây ngừng tim đột ngột, phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực được sử dụng để thiết lập lại nhịp tim. Sốc điện gây ra sự khử cực đối với tất cả các tế bào cơ tim đang bị kích thích, tái đồng bộ hoạt động điện của tim. Sốc điện thường được sử dụng trong chăm sóc khẩn cấp hoặc khi nghiệm pháp vagal và thuốc không có hiệu quả.
2. Phòng ngừa các cơn nhịp tim nhanh
Các phương pháp điều trị sau đây giúp phòng ngừa hoặc quản lý các cơn nhịp tim nhanh trong tương lai:
- Cắt đường dẫn truyền phụ qua đường ống thông (catheter ablation): Được sử dụng khi xác định được chính xác đường điện phụ gây tăng nhịp tim. Trong thủ thuật này, bác sỹ chèn một hoặc nhiều ống thông vào mạch máu ở háng, cánh tay hoặc cổ đến bên trong tim. Điện cực ở các đỉnh ống thông sử dụng năng lượng nhiệt, năng lượng cực lạnh hoặc sóng cao tần để cắt bỏ con đường điện phụ, ngăn nó gửi tín hiệu điện làm tăng nhịp tim. Phương pháp này có hiệu quả cao, đặc biệt là đối với các trường hợp nhịp tim nhanh trên thất. Cắt đường dẫn truyền phụ qua đường ống thông cũng được sử dụng để điều trị rung nhĩ và cuồng động nhĩ.
- Thuốc: Sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa các cơn nhịp tim nhanh. Ngoài ra, bác sỹ có thể chỉ định một số thuốc khác để thay thế hoặc kết hợp với thuốc chống loạn nhịp tim để đem lại hiệu quả điều trị cao hơn.
Phòng ngừa cơn nhịp tim nhanh trong tương lai bằng thuốc
- Cấy máy tạo nhịp tim: Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ được cấy dưới da vùng ngực. Khi cảm nhận được nhịp tim bất thường, thiết bị này sẽ phát ra xung điện giúp tim trở lại nhịp điệu bình thường.
- Cấy máy khử rung tim: Dành cho những người có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim nhanh đe dọa tính mạng. Máy khử rung tim là một thiết bị nhỏ, được cấy ghép dưới da vùng ngực. Thiết bị này theo dõi nhịp tim một cách liên tục, phát hiện sự gia tăng của nhịp tim và cung cấp những cú sốc điện khi cần thiết để phục hồi nhịp tim bình thường.
- Phẫu thuật: Mổ tim cần thiết trong một số trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh để triệt tiêu đường điện phụ. Một trong những phương pháp phẫu thuật khá phổ biến là Maze – tạo ra các vết rạch nhỏ ở mô tim để tạo ra “mê cung” sẹo tim. Vì sẹo tim không dẫn đện nên chúng có tác dụng ngăn cản các xung điện đi lạc gây nhịp tim nhanh. Phẫu thuật tim chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả hoặc người bệnh đồng thời có thêm vấn đề khác ở tim cần phẫu thuật.
3. Phòng ngừa biến chứng do cục máu đông
Một số người bị nhịp tim nhanh có nguy cơ phát triển cục máu đông, đây là nguyên nhân chính gây đột quỵ não và nhồi máu cơ tim.
Trong các trường hợp này, bác sỹ thường yêu cầu người bệnh dùng các thuốc chống đông như dabigatran (Pradaxa) và warfarin (Coumadin) để làm giảm nguy cơ.
4. Điều trị một căn bệnh tiềm ẩn gây nhịp tim nhanh
Nếu một bệnh lý khác, chẳng hạn như cường giáp, là nguyên nhân góp phần gây ra nhịp tim nhanh, thì bạn cần điều trị tốt bệnh lý đó để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tối đa cơn nhịp tim nhanh.
Một số dạng nhịp tim nhanh rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nhưng bạn có thể kiểm soát tốt bằng các phương pháp điều trị nêu trên. Khi bắt đầu quá trình điều trị, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ để đạt được kết quả tốt nhất.
Tham khảo: http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tachycardia/basics/treatment/con-20043012
Bình luận