Nhịp nhanh kịch phát trên thất: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Một nhịp tim bình thường bắt đầu khi nút xoang (nằm ở tâm nhĩ - buồng trên của tim) phát tín hiệu điện đầu tiên. Trong nhịp nhanh kịch phát trên thất, một đường điện bất thường (đường truyền phụ) làm cho tim đập nhanh hơn bình thường. Các cơn nhịp tim nhanh kéo dài từ vài phút đến vài giờ đồng hồ, nhịp tim có thể lên tới 200 nhịp/phút (nhịp tim bình thường là từ 60 – 100 nhịp/phút).
Các yếu tố nguy cơ gây nhịp nhanh kịch phát trên thất
Nhịp nhanh kịch phát trên thất ảnh hưởng đến 1 trong số 2.500 trẻ em. Đây là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, trong đó, hội chứng Wolff - parkinson - white (WPW) là loại phổ biến nhất.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất phổ biến hơn ở những người dưới 65 tuổi (trên 65 tuổi có nhiều nguy cơ mắc rung nhĩ).
Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc nhịp nhanh kịch phát trên thất, chẳng hạn như digoxin liều cao (thuốc điều trị bệnh tim), một số thuốc chống dị ứng và thuốc ho.
Caffeine, đồ uống có cồn, thuốc lá và ma túy cũng làm tăng nguy cơ bị nhịp nhanh kịch phát trên thất.
Sử dụng cà phê cũng có thể kích hoạt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất
Nhận biết các triệu chứng nhịp nhanh kịch phát trên thất
Tim đập nhanh, mạch nhanh, cảm giác đau thắt ở ngực, lo lắng và khó thở… là các triệu chứng phổ biến của cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.
Nghiêm trọng hơn, PSVT có thể gây chóng mặt, thậm chí ngất xỉu do tuần hoàn máu kém tới não.
Triệu chứng nhịp nhanh kịch phát trên thất đôi khi bị nhầm lẫn với một cơn nhồi máu cơ tim. Nếu bị đau ngực nghiêm trọng, bạn nên đi đến phòng cấp cứu ngay để kiểm tra.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất được chẩn đoán như thế nào?
Trước hết, nếu thấy nhịp tim cao hơn bình thường rất nhiều, bác sỹ có thể nghi ngờ nhịp nhanh kịch phát trên thất.
Điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc nghiên cứu điện sinh lý giúp chẩn đoán chính xác nhịp nhanh kịch phát trên thất. Ngoài ra, một số trường hợp khó chẩn đoán cần theo dõi điện tâm dồ 24 giờ.
Điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất
Nhịp nhanh kịch phát trên thất hiếm khi đe dọa tính mạng, bạn không cần điều trị nếu ít khi gặp triệu chứng hoặc không kéo dài.
Cách để cắt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng phương pháp vagal:
- Gây áp lực lên động mạch ở cổ (động mạch cảnh) bằng cách dùng tay ấn một bên cổ
- Hít thở sâu, giữ hơi thở trong vòng 3 - 5 giây, bịt mũi và miệng lại, cố gắng thở mạnh ra
- Nhúng mặt vào chậu nước đá lạnh
- Cúi mặt thật sâu về phía trước và giữ trong vòng 5 giây
Những hành động này nhằm gửi tín hiệu thần kinh đến tim để làm chậm tín hiệu điện, đủ để đưa nhịp tim trở lại bình thường.
Nếu bạn thường xuyên gặp cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, bác sỹ có thể kê đơn thuốc làm chậm sự di chuyển của các xung điện từ tâm nhĩ đến tâm thất. Các thuốc này thường bao gồm thuốc chẹn kênh canxi, diogxin, thuốc chẹn beta và thuốc chống loạn nhịp.
Nếu thuốc không có khả năng làm giảm cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, bác sỹ có thể yêu cầu triệt đốt nhịp nhanh kịch phát trên thất qua đường ống thông (cardiac ablation). Sử dụng năng lượng tạo ra từ sóng năng lượng tần số radio, bác sỹ sẽ tiến hành đốt những phần mô tim được xác định là nguyên nhân gây rối loạn điện tim. Phương pháp này có hiệu quả cao và được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được điều trị bằng phương pháp đặt máy tạo nhịp tim.
Phương pháp đốt điện điều trị nhịp nhanh kịch phát thất khi nội khoa kém hiệu quả
Nhịp nhanh kịch phát trên thất không đe dọa tính mạng của người bệnh nhưng lại có thể làm tăng nguy cơ suy tim, đau thắt ngực kéo dài và những biến chứng tim mạch khác. Do đó, việc điều trị căn bệnh này phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
Song song với việc điều trị theo chỉ định của bác sỹ thì người bệnh cũng nên áp dụng một lối sống lành mạnh, không hút thuốc, lạm dụng rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác. Thường xuyên vận động để nâng cao sức mạnh cơ tim, phòng ngừa những biến chứng tim mạch do nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể gây ra.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Tham khảo:
Bình luận