Thuốc Aspirin: Những lợi ích và rủi ro trong điều trị bệnh tim mạch
Khởi đầu từ việc người dân Hippocrates nhai vỏ cây liễu để giảm viêm và sốt, salicylate đã ra đời sau đó, và đến thế kỷ 20 là sự xuất hiện của Aspirin cùng với tác dụng nổi bật: phòng ngừa cơn đột quỵ, đau tim. Nhưng những lợi ích mà loại thuốc này mang lại liệu có vượt trội hơn so với rủi ro mà nó có thể gây ra?
Aspirin – viên thuốc nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn cho cho người bệnh tim mạch
Thuốc Aspirin có tác dụng gì?
Aspirin là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), được sử dụng từ rất lâu trên thế giới và Việt Nam với tác dụng giảm đau và viêm cho các trường hợp đau đầu, sốt, đau cơ khớp... Trong những thập niên gần đây thì liều thấp Aspirin thường được chỉ định cho người bệnh mạch vành, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, người có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột qụy với công dụng ngăn ngừa cục máu đông.
Khi bạn bị chảy máu, các tế bào tham gia vào quá trình đông máu là tiểu cầu sẽ tập trung và hình thành cục máu đông ở miệng vết thương, ngăn chặn tình trạng chảy máu. Nhưng hiện tượng đông máu này cũng có thể xảy ra trong động mạch vành có mảng xơ vữa xuất hiện và gây tắc mạch máu, làm xuất hiện cơn đau tim (nhồi máu cơ tim). Thuốc Aspirin liều thấp làm giảm hoạt động của tiểu cầu nên giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, phòng tránh cơn đau tim.
Thuốc Aspirin có nhiều dạng bào chế khác nhau về hàm lượng hoặc cách bào chế: Aspirin 800mg; 500mg; 325mg; thuốc Aspirin 81mg, thuốc Aspirin ph8…
Phần I: Những lợi ích khi sử dụng thuốc Aspirin trong điều trị bệnh tim
Người bệnh tim mạch sử dụng Aspirin hàng ngày có lợi ích như thế nào?
Bác sĩ có thể chỉ định điều trị Aspirin hàng ngày nếu bạn:
- Đã từng gặp phải cơn nhồi máu cơ tim (đau tim) hoặc đột qụy
- Chưa trải qua cơn đau tim, nhưng bạn đã đặt stent trong động mạch vành hoặc đã được phẫu thuật bắc cầu mạch vành, hoặc bị đau thắt ngực do bệnh mạch vành
- Chưa bao giờ bị đau tim, nhưng có nguy cơ cao bị đau tim
- Bị bệnh tiểu đường và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác: hút thuốc lá, cao huyết áp, là nam giới trên 50 tuổi hoặc nữ giới trên 60 tuổi.
Trung tâm y học Dự phòng của Hoa Kỳ gần đây đã khuyến cáo sử dụng liệu pháp Aspirin ở những người thuộc độ tuổi từ 50 đến 59, không có nguy cơ chảy máu, có nguy cơ bị đau tim hoặc đột qụy từ 10% trở lên trong vòng 10 năm. Nếu bạn từ 60 đến 69 tuổi, không có nguy cơ chảy máu, và có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ từ 10% trở lên trong 10 năm tới, hãy trao đổi với bác sỹ của bạn về việc dùng Aspirin hàng ngày. Còn việc sử dụng Aspirin hàng ngày ở người dưới 50 tuổi và trên 70 tuổi trong phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư đại trực tràng cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để xác định lợi ích và nguy cơ của nhóm đối tượng này trước khi có khuyến cáo sử dụng.
Có nên tự ý sử dụng Aspirin khi bị bệnh tim mạch?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không khuyến cáo sử dụng liệu pháp Aspirin để phòng ngừa cơn đau tim ở những người chưa bị đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch khác. Mặc dù trước đây việc sử dụng Aspirin cho nhóm người không có tiền sử bệnh tim đã ghi nhận được nhiều quan điểm trái chiều về lợi ích mà Aspirin mang lại có lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn.
Có nhiều hướng dẫn điều trị bằng Aspirin khác nhau giữa các cơ sở điều trị, nhưng cần tuân theo nguyên tắc: lợi ích không vượt quá nguy cơ chảy máu ở những người có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim thấp. Nguy cơ bị đau tim càng cao thì khả năng gặp phải tác dụng phụ xuất huyết của thuốc Aspirin hàng ngày càng cao. Ở phụ nữ, liệu pháp Aspirin hàng ngày có thể hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa đột quỵ hơn ngăn nhồi máu cơ tim.
Điều quan trọng với tất cả người bệnh là trước khi dùng Aspirin hàng ngày, bạn nên trao đổi với bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị, không tự ý tăng, giảm liều.
Hãy trao đổi với bác sỹ khi có ý định thay đổi liều thuốc Aspirin
Liều thuốc Aspirin tốt nhất là bao nhiêu?
Liều Aspirin hàng ngày thường dùng là từ 81mg đến 325mg. Bác sỹ sẽ căn cứ vào tình trạng thực tế của bạn để chỉ định liều dùng phù hợp. Mức liều Aspirin rất thấp ở người lớn 75mg/ngày cũng có thể mang lại hiệu quả phòng cơn đau tim, đột quỵ cho người bệnh tim mạch. Nếu người bệnh từng bị đau tim hoặc đã đặt stent, có thể cần dùng thêm thuốc chống đông khác kết hợp cùng với Aspirin.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ngưng dùng Aspirin mỗi ngày?
Nếu người bệnh tim mạch ngưng sử dụng Aspirin hàng ngày, họ có thể gặp phải phản ứng phục hồi gây ra cục máu đông, làm tăng nguy cơ bị đau tim. Nếu người có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đã đặt stent khi ngừng điều trị Aspirin hàng ngày dễ gặp phải cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.
Nếu bạn đang dùng thuốc Aspirin và muốn dừng lại, hãy tới gặp bác sĩ và trao đổi trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Đừng vì chủ quan mà làm thay đổi hoàn toàn lợi ích điều trị vốn có của loại thuốc này.
Xem tiếp Phần II: Những rủi ro khi sử dụng Aspirin trong điều trị bệnh tim mạch
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Bình luận