Loạn nhịp xoang: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Nhịp xoang là gì?
Nhịp xoang là 1 chu kỳ hoạt động của nút xoang để tạp nên 1 nhịp đập của tim. Nút xoang là 1 cấu trúc nằm trong buồm tim phía trên bên phải của tim, được gọi là tâm nhĩ phải, nó được xem là máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể, chịu trách nhiệm phát tín hiệu điện để bắt đầu 1 chu kỳ dẫn truyền điện trong tim. Nhịp xoang bình thường là nhịp tim thường thấy ở người khỏe mạnh.
Loạn nhịp xoang xảy ra chủ yếu do bất thường trong hoạt động của nút xoang
Loạn nhịp xoang là gì?
Loạn nhịp xoang là sự bất thường trong nhịp tim, bắt nguồn từ nút xoang. Có 2 dạng rối loạn nhịp xoang chính là nhịp xoang nhanh, xảy ra khi tim đập trên 100 nhịp mỗi phút và loạn nhịp xoang chậm, khi tim đập dưới 60 nhịp mỗi phút.
Có một dạng đặc biệt của chứng bệnh này là loạn nhịp xoang hô hấp, đây là hiện tượng lành tính, không gây hại tới sức khỏe. Bệnh xảy ra khi nhịp tim của một người liên quan đến chu kỳ thở của họ. Hay nói các khác là khi người thở, nhịp tim tăng lên và khi thở ra thì tỷ lệ này sẽ giảm. Loạn nhịp xoang hô hấp thường gặp ở trẻ em và sẽ cải thiện dần khi chúng lớn lên.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây loạn nhịp xoang
Loạn nhịp xoang có thể là hiện tượng sinh lý, xảy ra khi cơ thể trong trạng thái lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi hoặc sợ hãi. Còn rối loạn nhịp xoang bệnh lý thường gây ra bởi một số nguyên nhân như rối loạn điện giải, sốt cao, mất nước, mất máu, rối loạn thần kinh tim, tổn thương cơ tim, bệnh van tim, suy nút xoang hoặc lão hóa nút xoang ở người già… Một số yếu tố nguy cơ của bệnh loạn nhịp xoang bao gồm tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tuổi cao, từng có tiền sử tổn thương tim do chấn thương hoặc nhồi máu cơ tim, sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, thừa cân, tập thể dục quá sức…
Loạn nhịp xoang có nguy hiểm không?
Ở đa số trường hợp, rối loạn nhịp xoang ít gây biến chứng nặng nề. Trên thực tế, tình trạng này ít được quan tâm điều trị và nghiên cứu sâu, vì nó hiếm khi gây triệu chứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe.
Nếu loạn nhịp xoang chậm hoặc nhanh xảy ra kết hợp với các bệnh tim mạch khác, nó có thể gây ra triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng không thể xem thường. Loạn nhịp tim chậm gây chóng mặt, khó thở, ngất xỉu đột ngột. Còn tình trạng tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực, lo lắng, sợ hãi… có thể xảy ra với người bị loạn nhịp tim nhanh bất thường. Ngoài ra, khi bệnh tiến triển lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, đột quỵ và suy tim.
Người bệnh loạn nhịp xoang có thể được điều trị bằng cách đặt máy tạo nhịp
Điều trị rối loạn nhịp xoang như thế nào?
Tùy thuộc vào loại loạn nhịp xoang và tiên lượng, độ nguy hiểm của bệnh mà bác sĩ có những chỉ định khác nhau để điều trị tình trạng này. Với nhiều người ban đầu chưa cần điều trị, chỉ theo dõi và thay đổi lối sống. Nếu sử dụng thuốc mà các triệu chứng tim đập bất thường vẫn diễn ra, đặc biệt khi bệnh xảy ra trên nền bệnh tim mạch khác như mạch vành, suy tim, tăng huyết áp, bệnh van tim, sau nhồi máu cơ tim thì một số thủ thuật có thể được khuyến cáo. Ví dụ, chỉ định cấy máy tạo nhịp tim được chỉ định cho những người cao tuổi có biểu hiện nhịp tim bất thường, quá thấp hoặc cao không kiểm soát được bằng nội khoa; chỉ định đặt stent hay bắc cầu động mạch vành được dùng cho những người tắc hẹp động mạch vành. Một số người khác tuy chưa tới mức đặt máy nhưng cũng có thể được đốt điện tim để điều chỉnh lại hoạt động nút xoang.
Với tình trạng loạn nhịp xoang ở trẻ em, đặc biệt là loạn nhịp xoang hô hấp sẽ tự khỏi khi trẻ lớn hơn, bởi tim của trẻ vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để phát hiện các nhịp tim bất thường và điều trị sớm, tránh ảnh hưởng xấu đến tim của trẻ. Nếu đến tuổi vị thành niên mà hiện tượng loạn nhịp xoang ở trẻ không tự khỏi, trẻ sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phù hợp.
Loạn nhịp xoang tuy không nguy hiểm như những dạng rối loạn nhịp tim nhanh khác, nhưng bạn cũng đừng vì vậy mà chủ quan không điều trị, để rồi chức năng tim bị ảnh hưởng mới chữa thì e là quá muộn. Hãy chủ động lắng nghe bất thường từ trái tim và tìm đến chuyên gia y tế càng sớm càng tốt để được chữa trị, phục hồi sớm nhịp đập trái tim.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/319987.php
https://www.americansinus.com/what-is-sinus-arrhythmia/
Bình luận