Loạn nhịp tim ở trẻ em - Bệnh không dễ phát hiện
Loạn nhịp tim là gì?
Nếu con bạn được chẩn đoán rối loạn nhịp tim, đồng nghĩa rằng trái tim của trẻ sẽ đập quá nhanh, quá chậm, hoặc thậm chí là nhát đập nhát bỏ. Đó có thể là kết quả của tổn thương thực thể tại tim như khuyết tật tim bẩm sinh. Cũng có thể chỉ là tình trạng đáp ứng nhu cầu sử dụng oxy của cơ thể khi mắc các bệnh như sốt, nhiễm trùng… hay do tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc.
Loạn nhịp tim xảy ra do hệ thống dẫn truyền trong tim bị rối loạn
Hầu hết các rối loạn nhịp tim đều vô hại nhưng một số lại có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ. Nếu trái tim của trẻ đập quá nhanh (nhịp tim nhanh) hoặc quá chậm (nhịp tim chậm) đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, làm cho máu không được cung cấp đầy đủ cho các bộ phận của cơ thể hoạt động bao gồm thận, gan, tim và não.
Trái tim vốn dĩ có thể hoạt động nhịp nhàng là do có một hệ thống các xung điện chạy dọc toàn bộ bên trong các buồng tim. Khi hệ thống này làm việc hiệu quả trái tim của trẻ đập đều đặn và trơn tru. Khi có một nguyên nhân làm hệ thống này bị “ngắt mạch”, nhịp tim ngay lập tức sẽ đập không đều gây ra tình trạng rối loạn nhịp.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhịp tim ở trẻ
Việc nhận ra sự bất thường trong nhịp đập trái tim phụ thuộc vào độ tuổi và sự trưởng thành của con bạn. Đối với trẻ sơ sinh và mới biết đi bạn có thể nhận ra những thay đổi như trẻ hay khuấy khóc, xanh xao, không chịu ăn… Một số trẻ lớn hơn có thể mô tả lại các dấu hiệu mà chúng gặp phải như: người mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu, da xanh tái, tức ngực, cảm thấy tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều, ra nhiều mồ hôi, khó thở…
Nếu con bạn có một hoặc nhiều các dấu hiệu kể trên, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ để được thăm khám kịp thời từ đó có hướng điều trị phù hợp để hạn chế biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như huyết khối, đột quỵ, ngừng tim…
Loạn nhịp tim có thể khiến trẻ thường xuyên mệt mỏi
Các loại loạn nhịp tim thường gặp ở trẻ
Ở trẻ thường có các rối loạn nhịp chính sau: rối loạn nhịp trên thất, rối loạn nhịp thất và nhịp tim chậm.
Các rối loạn nhịp trên thất ở trẻ
- Ngoại tâm thu nhĩ: nhịp đập sớm phát ra từ tâm nhĩ
- Nhịp nhanh trên thất: ổ phát nhịp nằm tại tâm nhĩ
- Rung nhĩ: tâm nhĩ đập nhanh và hỗn loạn có thể lên đến 300 – 600 nhịp/phút
- Cuồng động nhĩ: loạn nhịp tim gây ra bởi một hoặc nhiều mạch nhanh ở tâm nhĩ
- Hội chứng WPW: khi một tín hiệu điện đến tâm thất quá nhanh do con đường dẫn truyền phụ từ tâm nhĩ đến tâm thất.
- Nhịp nhanh nút nhĩ thất: ổ phát nhịp nằm ở nút nhĩ thất
Các rối loạn nhịp thất ở trẻ
- Ngoại tâm thu thất: thường gặp, là tình trạng tim nhát đập nhát bỏ
- Nhịp nhanh thất: có thể de dọa đến tính mạng của trẻ, trong đó tín hiệu điện bắt đầu phát ra từ tâm thất với một tốc độ nhanh nhưng không đều
- Rung thất: Là một rối loạn bất thường cần phải điều trị sớm ở những đứa trẻ đã mắc các bệnh tim nặng
Nhịp tim chậm
- Nhịp xoang chậm: nút xoang là nơi phát xung động đầu tiên trong hệ thống dẫn truyền của tim, nhịp xoang chậm là nhịp xoang có tần số dưới 50 chu kỳ/phút
- Block tim: là tình trạng đường dẫn truyền phát ra từ nút xoang đến tâm thất bị cản trở
Chẩn đoán rối loạn nhịp tim ở trẻ
Khai thác triệu chứng là điều đầu tiên bác sỹ tiến hành, bên cạnh đó trẻ có thể được chỉ định một số xét nghiệm hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
- Xét nghiệm máu: giúp loại trừ nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim do nhiễm trùng hoặc do thuốc
- Điện tâm đồ ECG: để đánh giá hoạt động của tim, đây là công cụ chẩn đoán chính xác nhất rối loạn nhịp tim.
- Gắn thiết bị theo dõi điện tim: được sử dụng khi các rối loạn nhịp tim không xảy ra ở thời điểm thực hiện ECG. Thiết bị này sẽ truyền tín hiệu đến thiết bị di động và bạn hoàn toàn có thể gửi cho bác sỹ để nhờ họ đánh giá tình trạng của con bạn mà trẻ không cần thiết phải đến viện. Chúng có thể được sử dụng trong khoảng thời gian từ vài tháng thậm chí hàng năm.
- Thử nghiệm điện sinh lý: Trong thử nghiệm này một ống nhỏ sẽ được chèn vào tĩnh mạch ở chân hoặc cánh tay tới các buồng tim để đánh giá sự dẫn truyền giữa tâm nhĩ và tâm thất.
Ngoài ra, nếu con bạn có biểu hiện thường xuyên bị choáng, ngất bác sỹ có thể chỉ đinh tiến hành nghiệm phát bàn nghiêng để đánh giá nhịp tim và huyết áp đáp ứng như thế nào khi con bạn thay đổi tư thế đứng lên hoặc ngồi xuống.
Loạn nhịp tim ở trẻ được điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào tình trạng rối loạn và nguyên nhân mà trẻ có thể được chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:
- Sử dụng thuốc: Nhiều rối loạn nhịp tim đáp ứng tốt với thuốc và có thể không cần áp dụng thêm các biện pháp khác. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sỹ vì nó có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
- Đốt điện sinh lý: Phương pháp này sử dụng năng lượng của sóng vô tuyến đốt các ổ phát sai nhịp trong buồng tim.
- Sốc điện tim: Thường áp dụng trong trường hợp cấp cứu, tác động đến các xung điện trong tim và khôi phục lại nhịp điệu bình thường của tim.
- Các thiết bị cấy ghép:
- Lắp máy tạo nhịp tim: đây là một thiết bị nhỏ, được đặt ngay dưới da sử dụng xung điện để điều khiển nhịp tim bất thường.
- Cấy ghép máy khử rung tim (ICD): Thiết bị này cũng được đặt dưới da, sử dụng trong trường hợp có rối loạn nhịp tim nặng đe dọa đến tính mạng của trẻ.
- Phẫu thuật Maze: Được sử dụng để chỉnh sửa bất thường trong tâm nhĩ, các bác sỹ có thể rạch các đường rạch ở tâm nhĩ trái và phải, để ngăn chặn các xung động điện gây ra rung nhĩ.
Chăm sóc trẻ bị rối loạn nhịp tim
Trẻ em khó có thể tự lập như người lớn vì vậy chúng cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ cũng như người thân trong gia đình. Chính vì vậy cha mẹ của trẻ nên:
- Tìm hiểu tình trạng bệnh của con bằng cách hỏi bác sỹ hoặc đọc thêm sách báo… từ đó giúp bạn an tâm và có kiến thức để chăm sóc con tốt hơn.
- Nếu chẳng may con bạn đột ngột ngất xỉu, hãy la lớn để yêu cầu giúp đỡ và bấm số gọi ngay cấp cứu 115. Bạn cũng có thể hỏi trước ý kiến của bác sỹ để đề phòng trường hợp này có thể xảy ra.
- Đưa trẻ tái khám sức khỏe định kỳ thường xuyên 3 – 6 tháng/lần để đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tình trạng sức khỏe của con.
Đưa con tái khám sức khỏe định kỳ thường xuyên giúp đánh giá hiệu quả điều trị rối loạn nhịp tim
- Nên biết cách tự đo nhịp tim của con bạn bằng cách bắt mạch hoặc sử dụng ống nghe
- Tìm hiểu kỹ về các loại thuốc mà con bạn đang sử dụng. Cũng như tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sỹ như thời gian, liều dùng. Tuyệt đối không được tự ý bỏ liều hoặc thay thể thuốc khác.
- Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn nên hạn chế các đồ ăn nhiều giàu mỡ, đồ ăn nhanh… và chế độ tập luyện đều đặn hàng ngày.
Khi con bạn đã lớn hơn, hãy giáo dục cho trẻ biết cách bảo vệ và chăm sóc bản thân để giúp con có một trái tim khỏe mạnh.
Theo nguồn: https://my.clevelandclinic.org
Bình luận
Con của bạn đang có đầy đủ các dấu hiệu về bệnh lý tim mạch như bài viết mô tả. Tuy nhiên, để được kết luận chính xác về bệnh cho con, bạn nên cho bé đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời.
Thân mến,
Hiện với tình trạng của bé, bạn nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ theo dõi và chuẩn đoán, điều trị kịp thời.
Thân mến,
Nhịp tim ở trẻ nhỏ có thể dao động từ 70 - 110 nhịp/ phút được đo ở trạng thái nghỉ ngơi ít nhất 15 phút.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý khi vận động mạnh, chạy gắng sức nhịp tim của chúng ta sẽ tăng cao, do đó việc đo nhịp tim cho trẻ nên khuyến khích đo một nơi yên tĩnh, có không gian thoáng và để trẻ ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái, trẻ đang bình tĩnh nghỉ ngơi. Nếu trẻ mới vừa vận động hoặc cười, khóc, cha mẹ nên đợi khoảng 5 -15 phút khi nhịp tim của trẻ đã ổn định thì mới đo.
Tuy nhiên, hiện con bạn đang đo nhịp tim sau khi vận động thể dục thể thao mạnh 250 nhịp/phút là khá cao, nếu sau 5 -10p nghỉ ngơi mà nhịp tim trẻ vẫn chưa giảm bạn nên cho trẻ theo dõi sức khỏe và khám định kỳ.
Thân mến,
Nhịp tim ở trẻ nhỏ có thể dao động từ 70 - 110 nhịp/ phút được đo ở trạng thái nghỉ ngơi ít nhất 15 phút.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý khi vận động mạnh, chạy gắng sức nhịp tim của chúng ta sẽ tăng cao, do đó việc đo nhịp tim cho trẻ nên khuyến khích đo một nơi yên tĩnh, có không gian thoáng và để trẻ ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái, trẻ đang bình tĩnh nghỉ ngơi. Nếu trẻ mới vừa vận động hoặc cười, khóc, cha mẹ nên đợi khoảng 5 -15 phút khi nhịp tim của trẻ đã ổn định thì mới đo.
Hiện con bạn đang đo nhịp tim sau khi vận động thể dục thể thao mạnh, nhịp tim có thể 200 nhịp/phút nhưng sau khoảng 5 -10p khi nghỉ mà nhịp tim trẻ trở về bình thường là không sao. Trường hợp sau 5- 10 phút nghỉ ngơi mà nhịp tim trẻ vẫn cao dao động 200 nhịp/ phút là rất nguy hiểm. Bạn cần cho trẻ theo dõi sức khỏe và khám định kỳ.
Thân mến,
Nếu tình trạng tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, da xanh tái, tức ngực của trẻ xảy ra thường xuyên ở trạng thái nghỉ ngơi, bạn nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ theo dõi và sớm điều trị, hạn chế biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như huyết khối, đột quỵ, ngừng tim…
Với trẻ nhỏ sẽ rất khó để hướng dẫn cũng như thăm hỏi các triệu chứng và sức khỏe tim mạch, do các con còn nhỏ và các hoạt động gắng sức, vui chơi quá mạnh cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy bạn cần thời gian chăm sóc, quan tâm và hiểu tình trạng bệnh của con bằng cách hỏi bác sỹ hoặc đọc thêm sách báo… từ đó giúp bạn an tâm và có kiến thức để chăm sóc con tốt hơn.
Thân mến,
Với trường hợp bé nhỏ 5 tuổi có dấu hiệu mệt mỏi, đau tim thì bạn nên theo dõi sức khỏe của bé. Nếu bé có các dấu hiệu xanh xao, mệt mỏi liên tục, khó thở, quấy khóc... thì bạn cho bé đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chuẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thân mến,