Nhịp nhanh trên thất và những vấn đề cần quan tâm
Nhịp tim nhanh trên thất xảy ra khi có sự rối loạn dẫn truyền tại hai giai đoạn phát và dẫn truyền xung động này. Điều này làm tim phải tăng tốc độ hoạt động nhưng thực tế chất lượng bơm máu lại không đạt hiệu quả như mong muốn. Các dạng nhịp tim nhanh trên thất thường gặp nhất là nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất (AVNRT), nhịp nhanh hỗ tương nhĩ thất (AVRT) và nhịp nhanh nhĩ (AT).
Hình ảnh điện tâm đồ so sánh giữa nhịp tim bình thường và nhịp tim nhanh trên thất
Các triệu chứng nhịp tim nhanh trên thất
Khi nghỉ ngơi trái tim của bạn chỉ dao động từ 60 – 100 nhịp/phút và có thể tăng lên đến hơn 100 khi bạn hoạt động, căng thẳng… Nhưng tình trạng này rất nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.
Nếu bạn có một nhịp nhanh trên thất, điều đó đồng nghĩa với việc tim bạn có thể đập lên tới hơn 200 nhịp/phút. Tình trạng này thường không kéo dài, liên tục mà đến và đi rất đột ngột, có thể chỉ trong vài giây, vài phút, vài giờ hoặc thậm chí là lâu hơn (trong một số trường hợp hiếm gặp). Hầu hết người bệnh thường gặp một hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây:
- Tức ngực
- Hồi hộp kèm theo lo lắng không rõ nguyên nhân
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt
- Khó thở
- Mệt mỏi
Các triệu chứng nặng nề hơn bao gồm choáng ngất, giảm huyết áp. Nếu bạn có những biểu hiện trên cho dù mờ nhạt thì bạn nên gọi 115 ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp nhanh trên thất
Nhịp tim nhanh không phải là bệnh mà là triệu chứng của rất nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các nguyên nhân ngoài tim và tại tim như bệnh mạch vành, suy tim giai đoạn sớm, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim....
Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp nhịp tim nhanh có thể được khởi phát bởi các lý do sau:
- Tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc như thuốc điều trị hen suyễn, chẹn beta…
- Tiêu thụ quá nhiều caffein hoặc cồn
- Stress
- Hút nhiều thuốc lá
- Một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như cường giáp, đái tháo đường…
- Phụ nữ tiền mãn kinh do có sự thay đổi về số lượng của các hormon sinh dục
Phát hiện nhịp tim nhanh trên thất
Các bác sỹ có thể sàng lọc nhịp tim nhanh trên thất bằng cách dựa vào những mô tả triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó bạn sẽ được đo điện tâm đồ (ECG) để bác sỹ kiểm tra nhịp tim và hoạt động của hệ thống dẫn truyền. Điện tâm đồ là phương pháp đơn giản, không gây đau đớn, nhanh chóng ghi lại hoạt động điện của tim dưới dạng đồ thị, qua đó bác sỹ có thể đọc được bất thường của tim nếu có.
Điện tâm đồ (ECG) thường được sử dụng để chẩn đoán nhịp tim nhanh
Nếu điện tâm đồ chưa thể phát hiện được tình trạng rối loạn nhịp tim, bạn có thể được đeo thiết bị Holler để ghi lại hoạt động của tim trong vòng 24h – 48h thậm chí một vài tuần.
Thông tim cũng là một trong các phương pháp xác định chính xác các vấn đề tại tim và nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Điều trị nhịp nhanh trên thất như thế nào?
Trong một số ít các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì việc điều trị là cần thiết để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như suy tim, huyết khối, đột quỵ…
Bạn có thể được chỉ định một hoặc phối hợp các phương pháp điều trị dưới đây:
Liệu pháp Vasalva giúp giảm nhịp tim
Mục đích của liệu pháp này chính là kích thích dây thần kinh phế vị giúp điều hòa lại nhịp tim tạm thời. Bác sỹ có thể lựa chọn cho bạn thực hiện các giải pháp như: tạo áp lực vào động mạch cổ, hoặc ngậm miệng, bịt mũi và cố gắng thở ra hết sức… Tuy nhiên tất cả các kỹ thuật này đều được khuyên nên tiến hành dưới sự giám sát của bác sỹ.
Thực hiện nghiệm pháp Vasalva giúp làm giảm nhịp tim tạm thời
Lựa chọn thuốc điều trị loạn nhịp thất
Nếu nghiệm pháp Vagal không thành công bạn có thể được bác sỹ chỉ định tiêm một loại thuốc có tên gọi là adenosine, sẽ làm giảm các xung động điện trong trái tim. Nhưng thuốc này thường gây ra các tác dụng không mong muốn liên tục và chỉ diễn ra ngăn ngủi chẳng hạn như buồn nôn, nôn, khó thở, đau thắt ngực… Verapamil có thể được chỉ định thay thế khi adenosine không phù hợp chẳng hạn như người bệnh hen phế quản. Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng gây hạ huyết áp.
Một số thuốc như digoxin, verapamil, chẹn beta, chẹn calci…có thể được chỉ định hàng ngày để giúp duy trì nhịp tim ổn định.
Sử dụng sốc điện tim trong các trường hợp khẩn cấp
Sốc điện thường được thực hiện trong trường hợp cấp cứu ngừng tim hoặc có thể được sử dụng như một liệu pháp điều trị khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Sốc điện là một kỹ thuật tương đối đơn giản và an toàn, sử dụng dòng điện bên ngoài để đưa tim trở về nhịp điệu bình thường. Bạn cần gây mê toàn thân và có thể ra viện trong ngày. Phần cơ ngực của bạn có thể cảm thấy đau và các vùng da nơi thực hiện sốc điện bị mẩn đỏ, nhưng bạn không cần quá lo lắng vì tình trạng này sẽ hết sau một vài ngày.
Thủ thuật triệt đốt ổ loạn nhịp bằng đường ống thông catheter
Là phương pháp điều trị triệt để, an toàn và mang lại hiệu quả cao. Nó được tiến hành bằng cách sử dụng một ống thông nhỏ xuyên qua tĩnh mạch tại đùi rồi đưa thẳng đến tim. Sau đó một nguồn điện sẽ được kích hoạt giúp triệt đốt các ổ gây rối loạn nhịp tim. Phương pháp này có hiệu quả tới trên 95% các trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh trên thất, và được khuyến cáo trên toàn thế giới.
Dù bạn đang có một rối loạn nhịp tim nhanh hay không, bạn vẫn nên tập các thói quen tốt như bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, cà phê… để bảo vệ sức khỏe. Và nên nhớ rằng hãy dành thời gian cho tim nghỉ ngơi cũng như luyện tập đều đặn mỗi ngày để duy trì một trái tim luôn khỏe mạnh.
Bình luận