Rối loạn thần kinh tim điều trị thế nào?
Rối loạn thần kinh tim là gì?
Rối loạn thần kinh tim (hay cường giao cảm, rối loạn thần kinh thực vật) không do các tổn thương ở tim gây ra nhưng lại có triệu chứng tương tự bệnh tim như: hồi hộp, chóng mặt, nhịp tim nhanh, choáng ngất hoặc rối loạn nhịp tim...
Rối loạn thần kinh tim là tình trạng không rõ nguyên nhân, thường xuất hiện khi người bệnh gặp trạng thái căng thẳng, lo âu, stress hay suy nhược thần kinh. Nó cũng có thể là hậu quả của một thời gian dài sống trong môi trường chật chội, thiếu không khí; Hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc; Sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, ma túy; Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hoặc thực phẩm có chứa nhiều hóa chất độc hại. Rối loạn thần kinh tim cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng trong điều trị ung thư, trầm cảm và một số thuốc tim mạch.
Triệu chứng rối loạn thần kinh tim dễ nhầm với bệnh tim
Rối loạn thần kinh tim gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh tim mạch, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, người bệnh không mắc các bệnh lý về tim mạch:
Mệt mỏi
Đôi lúc, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Nếu tình trạng mệt mỏi thông thường sẽ hết khi nghỉ ngơi hợp lý thì mệt mỏi do rối loạn thần kinh tim lại kéo dài khá lâu, ngay cả khi người bệnh vừa ngủ một giấc say.
Đánh trống ngực
Người bệnh có thể cảm nhận được tim đập loạn xạ và “thình thịch” trong lồng ngực, hiện tượng này gọi là đánh trống ngực – một bất thường về nhịp tim gây ra bởi rối loạn thần kinh tim.
Người bị rối loạn thần kinh tim có thể cảm nhận các cơn đánh trống ngực
Đau ngực
Mặc dù đau ngực là hiện tượng gắn liền với bệnh tim cụ thể nhưng đây cũng có thể là triệu chứng của rối loạn thần kinh tim. Người bệnh có thể bị đau nhói ngực từng cơn hoặc đau mạn tính, tùy theo mức độ nghiêm trọng của rối loạn thần kinh tim. Cơn đau ngực cấp tính thường xuất hiện bất chợt và kết thúc trong thời gian ngắn, tạo cảm giác giống như bị nghẹt thở. Đối với trường hợp đau ngực mạn tính, người bệnh thường có cảm giác đau tức ngực vào buổi sáng sớm, vị trí đau không rõ rệt.
Chóng mặt
Nếu cảm thấy choáng váng khi nhìn thấy ánh sáng, đứng không vững hoặc muốn ngất xỉu, đó có thể là triệu chứng của rối loạn thần kinh tim. Tình trạng này đôi khi là nghiêm trọng và người bệnh phải nhập viện cấp cứu kịp thời.
Tăng thông khí
Người bệnh có cảm giác muốn hít thở nhanh và liên tục giống như một người bình thường sau khi đã nhịn thở trong một thời gian dài hết mức có thể hoặc một người cảm thấy khó thở, khó tiếp nhận oxy.
Một số triệu chứng khác có thể gặp là run rẩy, vã mồ hôi… Nếu có các triệu chứng trên, tốt nhất bạn cần đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán bệnh. Nếu qua thăm khám không phát hiện thấy có tổn thương hay bất thường bệnh lý nào của tim, bác sỹ thường sẽ nghĩ đến chứng rối loạn thần kinh tim.
Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh tim
Rối loạn thần kinh tim có chữa được không?
Tập yoga sẽ giúp thư giãn tinh thần, tốt cho người bị rối loạn thần kinh tim
Rối loạn thần kinh tim là rối loạn lành tính, có tiên lượng tốt và có thể chữa trị được nếu được chẩn đoán rõ nguyên nhân dẫn tới rối loạn. Rối loạn thần kinh tim có thể được điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp tự nhiên.
Thuốc điều trị rối loạn thần kinh tim
Các loại thuốc điều trị chứng rối loạn thần kinh tim thường là thuốc thuốc an thần, làm giảm lo lắng, căng thẳng cho người bệnh.
Tuy nhiên, dùng thuốc chỉ được coi là phương án giải quyết tạm thời, tức là chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng mà không khắc phục nguyên nhân gốc rễ. Bạn nên hạn chế dùng thuốc, chỉ sử dụng trong trường hợp nặng và khi có sự chỉ định của bác sỹ bởi chúng có thể gây ra các tác dụng phụ không có lợi cho sức khỏe.
Nhiều nhà nghiên cứu và các bác sỹ cho rằng người bệnh nên kết hợp điều trị bằng thuốc với các giải pháp tự nhiên, như giảm stress, dành thời gian nghỉ ngơi, thay đổi môi trường sống hoặc thực phẩm chức năng. Người bệnh nên bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin C bởi đây là các chất giúp thư giãn thần kinh, giảm lo lắng và ổn định hoạt động của tim. Người bệnh cũng có thể tham khảo các sản phẩm hỗ trợ điều trị có nguồn gốc từ thảo dược an toàn.
Giảm rối loạn thần kinh tim bằng chế độ ăn uống, luyện tập
Bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc từ bỏ các thói quen có hại và thay đổi chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với những người bị rối loạn thần kinh tim.
Người bệnh nên ăn nhiều rau, củ, quả tươi. Không nên tiêu thụ những loại đồ ăn thức uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà… và nhất là thuốc lá. Người bệnh cũng nên khuyên các thành viên khác trong gia đình bỏ thuốc lá vì việc hít phải khói thuốc cũng nguy hiểm không kém hút thuốc lá.
Hãy dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Những bộ môn hữu ích cho người bị rối loạn thần kinh tim là bơi lội, yoga, đi bộ, thái cực quyền... Yoga và thái cực quyền là những bộ môn giúp điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng còn bơi lội và đi bộ giúp tăng cường sức khỏe trái tim.
Nếu thực hiện tốt điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, các triệu chứng rối loạn thần kinh tim sẽ dần thuyên giảm, trả lại cho bạn một trái tim khỏe mạnh.
Dược sĩ Đông Tây
Bình luận