Rối loạn nhịp tim là bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong nhóm các bệnh lý tim mạch. Rối loạn nhịp tim có một số dạng chính gồm ngoại tâm thu, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất,  và nhịp tim chậm. Chi tiết về từng dạng rối loạn nhịp tim được cập nhật trong bài viết dưới đây.

Ngoại tâm thu – dạng rối loạn nhịp tim thường gặp

Còn được gọi là nhịp đập sớm – một dạng phổ biến nhất của rối loạn nhịp tim, hầu hết chúng thường vô hại và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào rõ rệt. Khi ngoại tâm thu xảy ra, người bệnh có thể chỉ cảm nhận được rung nhẹ trong ngực hoặc cảm giác hụt hẫng do tim bỏ lỡ một nhịp. Đa số bệnh nhân mắc ngoại tâm thu không cần điều trị, đặc biệt là những người khỏe mạnh.

Khi các nhịp đập sớm xảy ra ở trong tâm nhĩ (buồng trên của tim) được gọi là cơn co thắt tâm nhĩ sớm hay ngoại tâm thu nhĩ. Nhịp đập sớm xảy ra ở tâm thất (buồng dưới của tim) được gọi là cơn co thắt tâm thất sớm hay ngoại tâm thu thất. Một số bệnh lý tim mạch, sự căng thẳng, tập thể dục quá sức, uống nhiều caffeine hoặc hút thuốc lá… là những nguyên nhân gây ngoại tâm thu.

Nhịp nhanh trên thất (Supraventricular Arrhythmias)

Rối loạn nhịp nhanh trên thất là nhịp tim nhanh bất thường có nguyên nhân từ nút nhĩ thất (AV). Nút AV là nhóm tế bào nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất phải (buồng trên và buồng dưới của tim bên phải. Nhịp nhanh trên thất bao gồm: Rung nhĩ (AF), cuồng động nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất (PSVT) và hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW).

Rung nhĩ (Atrial Fibrillation)

Rung nhĩ là loại phổ biến nhất trong các dạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, có liên quan đến cơn co rất nhanh và bất thường của tâm nhĩ (2 buồng trên của tim). Rung nhĩ xảy ra khi tín hiệu điện tim không bắt đầu phát ra từ nút xoang mà xuất phát từ phần khác của tâm nhĩ hoặc từ các tĩnh mạch phổi gần tim. Các tín hiệu điện tim  bất thường này nhanh chóng lan tỏa đi khắp tâm nhĩ một cách vô tổ chức, khiến vách tim tâm nhĩ rung rất nhanh, khiến nhịp tim có thể tăng hơn 300 lần mỗi phút. Điện tim cũng có thể lan truyền đến tâm thất (buống dưới của tim) khiến tâm thất đập rất nhanh. Rung nhĩ không phải là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi nó lan truyền đến tâm thất, khiến toàn bộ tim đập loạn nhịp, gây tử vong cho người bệnh.

Rung-nhi-khien-tim-dap-nhanh-bat-thuong
Rung nhĩ khiến tim đập nhanh bất thường

Hai biến chứng mạn tính thường gặp của rung nhĩ là đột quỵ và suy tim. Rung nhĩ khiến máu bị ứ trong tâm nhĩ khiến các cục máu đông hình thành. Nó có thể di chuyển đến não gây đột quỵ hoặc vào mạch vành gây nhồi máu cơ tim. Chính vì vậy, các thuốc chống động là chỉ định bắt buộc trong điều trị rung nhĩ để phòng ngừa đột quỵ.

Rung nhĩ khiến tim không thể bơm đầy đủ máu đi khắp cơ thể, trong đó có mạch vành, làm tim không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng và oxy để duy trì hoạt động; và tình trạng tim đập nhanh kéo dài là những điều tất yếu dẫn tới suy tim. Ngoài những người mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim là những đối tượng có nguy cơ cao bị rung nhĩ, thì tình trạng viêm, bệnh cường giáp, sử dụng nhiều rượu bia cũng có thể gây rung nhĩ.

Cuồng động nhĩ (Atrial Flutter)

Cuồng động nhĩ cũng tương tự như rung nhĩ. Tuy nhiên, tín hiệu điện tim lan truyền qua tâm nhĩ không đều với nhịp điều nhanh hơn và thường xuyên hơn so với rung nhĩ. Cuồng động nhĩ ít xuất hiện hơn so với rung nhĩ nhưng biến chứng và triệu chứng là tương tự.

Nhịp nhanh kịch phát trên thất (Paroxysmal Supraventricular Tachycardia)

Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một nhịp tim rất nhanh, bắt đầu và kết thúc rất đột ngột do kết nối điện giữa tâm nhĩ và tâm thất bị gián đoạn. Tín hiệu điện tim đi từ tâm nhĩ lẽ ra phải đi đến tâm thất nhưng nó lại quay trở lại tâm nhĩ khiến tim đập thêm một nhịp trên thất. Đây là rối loạn nhịp tim thường gặp ở người trẻ tuổi, khi hoạt động thể chất cường độ cao.

Hội chứng Wolff-Parkinson-White: là một dạng đặc biệt của nhịp nhanh kịch phát trên thất. Trong đó, các tín hiệu điện tim đi từ tâm nhĩ qua tâm thất bằng một con đường khác, khiến tín hiệu điện tim bị rối loạn, làm tâm thất đập rất nhanh. Đây là dạng rối loạn nhịp tim có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Nhịp tim nhanh thất (Ventricular Arrhythmias)

Rối loạn nhịp tim ở buồng dưới của tim thường rất nguy hiểm và người bệnh cần được đi cấp cứu ngay. Nhịp nhanh thất có thể chỉ kéo dài trong vài giây hoặc lâu hơn, nếu người bệnh chỉ có một vài nhịp nhanh thất và xảy ra trong thời gian rất ngắn thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, chỉ cần nhịp nhanh thất kéo dài hơn một vài giây là có thể gây nguy hiểm. Bởi nhịp nhanh thất có thể rất nhanh chuyển thành rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rung thất.

Rung thất (Ventricular Tachycardia)

Xảy ra khi các tín hiệu điện bất thường làm cho tâm thất rung lên, thay vì co bóp tống máu đi nuôi cơ thể. Nếu tâm thất không hoạt động, người bệnh có thể ngừng tim và tử vong chỉ trong vài phút. Để cứu người bệnh rung thất, các bác sỹ thường sử dụng máy sốc điện tim để khử rung tim, giúp tim trở lại hoạt động bình thường. Rung thất có thể xảy ra trong một cơn đau tim hoặc khi tim đã bị suy yếu do các bệnh lý khác.

Rối loạn nhịp tim chậm (Bradyarrhythmias)

Nhip-tim-cham-khien-tim-khong-kip-cung-cap-mau-di-nuoi-co-the
Nhịp tim chậm khiến tim không kịp cung cấp máu đi nuôi cơ thể

Nhịp tim của người trưởng thành khỏe mạnh dao động từ 60 – 100 nhịp/ phút. Nhịp tim chậm xảy ra khi tim đập dưới 60 nhịp/phút. Ngoại trừ một số vận động viên chuyên nghiệp hoặc người thường xuyên tập luyện thể thao, nhịp tim của họ có thể chỉ từ 40 – 60 nhịp/ phút, nhưng vẫn được xem là bình thường.

Người bị rối loạn nhịp tim chậm thường thiếu máu đến não và các cơ quan khác trong cơ thể, và gặp tình trạng choáng, ngất. Một số nguyên nhân có thể gây ra nhịp tim chậm là: nhồi máu cơ tim (đau tim);  hoạt động điện tim bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như suy giáp hoặc lão hóa; mất cân bằng kali trong máu; tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chống rối loạn nhịp và digoxin.

Loạn nhịp tim ở trẻ em

Trẻ con có nhịp tim rất nhanh và thường giảm dần theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh có nhịp tim từ 95 – 160 lần/ phút. Trẻ 1 tuổi nhịp tim từ 90 – 150 lần/ phút. Trẻ 6 – 8 tuổi có nhịp tim trong khoảng từ 60 – 110 lần/ phút. Trái tim của trẻ có thể đập nhanh hoặc chậm vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ nhanh khi trẻ hoạt động, hít vào và chậm lại khi ngủ, thở ra. Tương tự như người trưởng thành, rối loạn nhịp tim ở trẻ cũng có khá nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do dị tật tim bẩm sinh. Trẻ mắc rối loạn nhịp tim có thể được điều trị bằng thuốc, máy khử rung tim, các thiết bị cấy ghép để kiểm soát nhịp tim, các phương pháp đốt điện tim.…

Nhiều dạng rối loạn nhịp tim là lành tính, nhưng cũng có dạng gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do đó, nếu bạn hoặc người thân bị rối loạn nhịp tim, trước hết cần hiểu rõ mình thuộc loại rối loạn nhịp tim nào để có phương pháp điều trị kịp thời, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là một cơn đau tim luôn rình rập để tấn công bất cứ khi nào mình không có sự đề phòng.

Tham khảo: www.nhlbi.nih.gov

Bình luận