Ba tôi 70 tuổi. Bác sĩ nói bị tiền liệt tuyến. Kiểm tra đường huyết khi đói thì kết quả là 7.2. Sao bác sĩ chỉ nói đường huyết cao? Nếu phải làm phẫu thuật thì đường huyết cao có nguy hiểm không?

Chào bạn

Ở đây chúng tôi đang thấy bạn có 2 câu hỏi. Thứ nhất là tại sao đường huyết khi đói của bác trai cao trên 7 nhưng bác sĩ không bảo bị bệnh tiểu đường. Thứ 2 là nếu bác phải phẫu thuật tuyến tiền liệt thì đường huyết cao có nguy hiểm không. Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt giải đáp cho bạn.

Tại sao đường máu khi đói 7.2 nhưng bác sĩ không kết luận bị tiểu đường?

Theo hướng dẫn chẩn đoán Đái tháo đường của Bộ Y Tế, để xác định 1 người có bị tiểu đường hay không cần xét nghiệm đường máu khi đói 2 lần, cách nhau từ 1 - 7 ngày. Nếu kết quả 2 lần đều từ 7 mmol/l trở lên thì mới kết luận bị bệnh tiểu đường.

Như vậy với trường hợp của bác trai, chưa đủ cơ sở để bác sĩ chẩn đoán. Thêm vào đó, bạn có chia sẻ bác trai bị tuyến tiền liệt. Nếu bác đang có dấu hiệu bị viêm thì đường huyết cũng bị tăng lên.

Thực hiện phẫu thuật khi đường huyết cao có nguy hiểm không?

Đường huyết cao có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh. Do đó sau phẫu thuật, người bệnh sẽ có nguy cơ bị viêm. Tuy nhiên, rủi ro này không lớn. Đặc biệt là nếu bác dùng kỹ thuật nội soi cộng thêm kiểm soát tốt đường huyết thì gần như bác có thể phẫu thuật như 1 người khỏe mạnh bình thường. Sau khi phẫu thuật, gia đình chỉ cần lưu ý cho bác ăn đồ giàu vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng là được.

Còn sau khi sức khỏe bác ổn định, gia đình nên cho bác đi đo lại đường máu để đưa ra kết luận chính xác nhất. Rằng liệu bác bị tiểu đường hay mới có nguy cơ mắc cao mắc tiểu đường. Đồng thời, bác cũng cần thay đổi chế độ ăn (ăn giảm tinh bột, nhiều rau), tăng cường tập luyện để giảm đường huyết.

Thông tin cụ thể về các giải pháp này, bạn có thể tham khảo qua bài viết sau: Các cách giảm đường huyết hiệu quả

Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận