Phát minh mới: Tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân
Bệnh viện E đã phẫu thuật tái tạo van bằng màng tim tự thân thành công
Lấy màng tim của chính người bệnh để tái tạo van động mạch chủ
Chia sẻ về chuỗi thời gian trước đây bị bệnh, anh Bùi Văn Nhiền (35 tuổi – Hòa Bình) cho biết: anh phát hiện bệnh hở van động mạch chủ trước khi tiến hành mổ 8 năm. Anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thở mỗi khi chiều tối. Anh đã đi khám ở nhiều bệnh viện, các bác sĩ đều chỉ định, anh phải tiến hành mổ thay van tim bằng van tim cơ học.
“ Khoảng thời gian đó, tôi đi khám ở viện nào cũng gặp tình trạng quá tải bệnh viện và phải chờ đợi lâu. Khi tôi tới BV E, tôi đã không phải chờ đợi lâu. Sau phẫu thuật, tôi rất khỏe, tôi vẫn chơi thể thao, đánh cầu lông hằng ngày.” – anh Nhiền cho biết.
GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc BV E chia sẻ: Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam do các bác sĩ Trung tâm tim mạch BV E tiến hành dưới sự hỗ trợ của giáo sư Ozaki. Gs Ozaki là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tim ở BV Đại học Toho (Tokyo – Nhật Bản).
Sau khi hội chẩn, được gia đình đồng ý, năm 2013 dưới sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ GS. Ozaki, GS. Thành cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BV E đã quyết định thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng màng tim của chính bệnh nhân theo phương pháp Ozaki cho bệnh nhân Nhiền.
Ông Ozaki kiểm tra tình trạng tim mạch cho ông Nhiền sau 4 năm phẫu thuật
Ozaki - bệnh lý van động mạch chủ không còn là lỗi lo
GS. Thành cho biết: bệnh nhân hở van động mạch chủ vừa – nặng được điều trị nội khoa thường có tỷ lệ sống sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 50%. Tỷ lệ này sẽ tăng nếu họ được điều trị tích cực bằng thuốc, hay được chỉ định sớm thời điểm phẫu thuật hoặc cải tiến kỹ thuật mổ. Mặc dù thuốc có thể giúp cải thiện phần nào tiên lượng sống nhưng đó chỉ là giải pháp để trì hoãn thời gian mổ.
Trên thế giới phần lớn vẫn tiến hành thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 - 20 năm, và nếu là van cơ học phải sử dụng thuốc chống đông suốt đời. Trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh cần được thay thế bằng chiếc van mới. Bằng những nghiên cứu GS. Ozaki (Nhật Bản) đã chế tạo ra được dụng cụ đo được van động mạch chủ theo hướng cải tạo lại. Ông dùng chính màng tim của bệnh nhân để tạo thành van tim. Phương pháp này được cả thế giới biết gọi là phương pháp Ozaki mang tên ông.
Phân tích ưu điểm của phương pháp này, GS. Thành cho biết: đây là kỹ thuật hiện đại rất phù hợp để ứng dụng can thiệp cho những bệnh nhân bị hỏng van tim ở người lớn tuổi trong trường hợp khẩn nguy. Trong 7 năm qua, GS. Ozaki đã tiến hành mổ thành công trên 1.000 trường hợp, cho đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào phải mổ lại.
Một ưu điểm nữa của phương pháp này là vấn đề huyết động học trong bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch được giải quyết triệt để. Luồng máu qua van động mạch chủ không bị cản trở, chênh áp qua van thấp, không bị tái hở van tim sau mổ. Bệnh nhân không dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những tác dụng phụ và nguy cơ rủi ro khi dùng thuốc chống đông, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Hơn nữa, do các bác sĩ dùng chính màng tim tự thân của bệnh nhân thay van động mạch chủ sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.
Cũng trong ngày 7/3, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn thêm 4 trường hợp khác để có thể tiếp tục phẫu thuật bằng kỹ thuật này vào thời gian tới.
Mặc dù ở Việt Nam chưa thực sự thuần thục phương pháp này, vẫn cần có sự hỗ trợ của GS. Ozaki nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho người mắc bệnh lý van động mạch chủ. Với những ưu điểm vượt trội, phương pháp này sẽ giúp người bệnh cải thiện được sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Bình luận