Sự hiện diện của sỏi mật có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đài Loan đã cho thấy phẫu thuật cắt túi mật có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân sỏi mật.  Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tiêu hóa và Gan mật ngày 5 tháng 6 năm 2019.

Tại sao phải phẫu thuật cắt túi mật?

Sỏi mật là sự kết tụ của các thành phần trong dịch mật và thường được hình thành trong túi mật. Mặc dù được hình thành trong túi mật nhưng sỏi mật có thể di chuyển tới các vị trí khác trong đường mật như ống mật chủ, ống tụy hoặc ống Vater. Sự hiện diện của chúng có thể gây nhiễm trùng, tắc nghẽn ống dẫn mật và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật cấp tính, viêm đường mật hoặc viêm tụy. Khi đó, người bệnh phải phẫu thuật cắt túi mật để loại bỏ sỏi và giảm rủi ro biến chứng.

Cắt túi mật có thể giảm nguy cơ đột quỵ

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Tưởng niệm Show Chwan (Changhua, Đài Loan), Đại học Y Trung Quốc (Đài Trung, Đài Loan) và các tổ chức khác đã thực hiện một nghiên cứu trên 155.356 bệnh nhân sỏi mật. Trong thời gian nghiên cứu từ năm 2000 đến năm 2012, có 19.096 bệnh nhân sỏi mật không cắt túi mật và 11.913 bệnh nhân sỏi mật đã cắt túi mật bị đột quỵ.

Kết quả cho thấy cả bệnh nhân sỏi mật có triệu chứng và không có triệu chứng đều có nguy cơ đột quỵ tổng thể thấp hơn sau phẫu thuật cắt túi mật, bất kể tuổi tác hay các tình trạng y tế khác. Nguy cơ đột quỵ tổng thể, đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết giảm 40% sau khi cắt bỏ túi mật.

Hiện nay, sỏi mật và đột quỵ là những bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng “Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ có thể được xem xét cho bệnh nhân sỏi mật, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ bị đột quỵ”.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn:

https://www.hospimedica.com/surgical-techniques/articles/294778323/gall-bladder-removal-may-reduce-stroke-risk.html

Bình luận