Kiểm tra đường huyết và sức khỏe định kỳ giúp tầm soát bệnh đái tháo đường và phòng ngừa biến chứng của bệnh.

Đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tiểu đường được xem là bệnh lý "thời thượng" bởi tốc độ phát triển gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Bình thường chất đường từ thực phẩm khi ăn sẽ được hấp thu vào máu, sau đó được đưa vào trong tế bào của các cơ quan bộ phận trong cơ thể nhờ chất insulin – một nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra. Ở người ĐTĐ, chất insulin này được tiết ra không đầy đủ hoặc không hoạt động tốt làm cho lượng đường trong máu tăng quá cao vượt khả năng giữ lại của thận, hậu quả là xuất hiện đường trong nước tiểu.

phong-ngua-dai-thao-duong

Tuyến tụy tiết Insulin

Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra bệnh lý ĐTĐ, đến nay đã thấy có rất nhiều yếu tố liên quan. Cụ thể, yếu tố di truyền được xem là khá mật thiết: người có anh chị em bị ĐTĐ thì tỷ lệ mắc lên đến 15% - 50%. Nếu cha hoặc mẹ bị ĐTĐ thì có 1% - 7% con bị mắc bệnh, nhưng nếu cả cha và mẹ đều mắc bệnh thì khả năng con mắc bệnh lên đến 35%.

Trên một số người có cơ địa đặc biệt, khi gặp phải các yếu tố thuận lợi sẽ dễ dàng phát triển bệnh ĐTĐ. Những căng thẳng về thể chất hay tinh thần sẽ làm tăng tiết các nội tiết tố gây stress và làm tăng đường huyết. Những nhiễm trùng siêu vi cúm, quai bị, Rubella, Coxsackie B,… hoặc một số loại thuốc có thể làm tổn thương tuyến tụy gây giảm tiết insulin.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy đái tháo đường có thể là một bệnh tự miễn, tức là bệnh do cơ thể tự sinh ra các chất chống lại chính tuyến tụy của ta. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh bệnh ĐTĐ loại II (thường gặp ở người 45 tuổi trở lên) là các rối loạn chuyển hóa của cơ thể như thừa cân, béo phì, ít vận động cơ thể, tăng mỡ trong máu, cao huyết áp, viêm tụy, rối loạn đường huyết lúc đói, rối loạn dung nạp đường, phụ nữ có tiền căn sinh con trên 4 kg (đái tháo đường thai kỳ)…

Mặc dù có sự ảnh hưởng của yếu tốt di truyền, cơ địa, nhưng việc phòng tránh bệnh vẫn có thể thực hiện được. Chế độ ăn uống điều độ và hợp lý, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày. Một chế độ ăn nhiều rau (khuyến cáo 300g rau một ngày cho một ngày trưởng thành), khoai củ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây ít ngọt, thay một phần thịt bằng cá và đậu hủ, hạn chế thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ và các thức uống nhiều đường, kiểm soát lượng muối ăn… là rất cần thiết để phòng tránh ĐTĐ. Đi bộ ít nhất 30 phút/ngày và liên tục 4-6 ngày/tuần là phương thức vận động thích hợp cho hầu hết các đối tượng. Các nghiên cứu cho thấy mỗi ngày cần bước đi từ 6.000 đến 10.000 bước là rất tốt.

phong-ngua-dai-thao-duong

Đi bộ là phương thức vận động thích hợp với bệnh nhân đái tháo đường

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và thử đường huyết (sau nhịn đối tám giờ) mỗi năm… là những biện pháp cơ bản để tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý, giúp ích cho việc điều trị và hạn chế các biến chứng nặng nề của bệnh ĐTĐ.

BS CK1 ĐÀO THỊ YẾN THỦY

(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận