Hạ đường huyết – Biến chứng nguy hiểm trong bệnh tiểu đường
Ngày nay khi nhắc đến bệnh đái tháo đường, hẳn rất nhiều người chỉ quan tâm tới tình trạng đường huyết trong máu tăng cao, mà quên rằng khi đường máu hạ xuống thấp quá mức bình thường lại là một tình trạng cấp tính rất nguy hiểm. Nó thậm chí còn nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều, vì có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Bình thường bộ não của chúng ta sử dụng đường để làm nguồn năng lượng chính trong hoạt động hằng ngày. Trong đó chỉ một lượng nhỏ đường được lấy từ glycogen chứa trong các tế bào hình sao (đủ dùng trong vài phút), còn lại phần lớn đường được lấy từ máu, vì vậy khi nồng độ đường trong máu giảm sẽ gây ra các triệu chứng về thần kinh.
Các dấu hiệu của hạ đường huyết
Mức đường huyết an toàn khi đói là 90 – 120mg/dl (3.9 – 6.4mmol/l), sau các bữa ăn 1 – 2h là nhỏ hơn 180 mg/dl (10 mmol/l). Khi đường huyết xuống dưới 3.6 mmol/l (65 mg/dl), các triệu chứng thần kinh sẽ xuất hiện; nếu xuống dưới 0,55 mmol/l (10 mg/dl) thì các nơron thần kinh sẽ bị mất hoạt động điện học, khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê.
Khi đường máu xuống thấp dưới ngưỡng bình thường, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất các hoóc-môn để làm tăng đường huyết như adrenaline, glucargon theo cơ chế tự bảo vệ. Chính sự gia tăng của các hoóc-môn này gây nên triệu chứng kinh điển của hạ đường huyết như: cảm giác cồn cào, mạch nhanh, da tái lạnh, bủn rủn chân tay…
Hạ đường huyết là một biến chứng hay gặp ở người bệnh đái tháo đường đang được điều trị bằng thuốc uống hoặc insulin tiêm.
Các yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết bao gồm:
- Dùng liều thuốc hạ đường huyết quá cao, quá lâu.
- Người bệnh kiêng khem quá mức; người bệnh không ăn uống nhưng vẫn dùng thuốc hạ đường huyết.
- Do uống quá nhiều rượu, nhất là uống rượu mà không ăn gì.
- Dùng liều insulin chưa thích hợp.
- Người bệnh đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác như: cúm, nhiễm khuẩn… hoặc dùng phối hợp nhiều loại thuốc hạ đường huyết với nhau mà theo dõi không kỹ…
Hạ đường huyết là một tình trạng rất thường gặp ở người mắc bệnh đái tháo đường đang điều trị. Các dấu hiệu gồm:
- Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, cảm giác cồn cào trong ruột.
- Bủn rủn chân tay. Nếu làm xét nghiệm máu kịp thời sẽ thấy tình trạng đường huyết xuống thấp.
- Choáng váng, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh, huyết áp tăng nhẹ, tim đập nhanh.
- Ngất xỉu, nếu nặng hơn, bắt đầu xuất hiện những cơn co giật và đi vào hôn mê ở các mức độ khác nhau, các phản xạ nuốt và ho sặc rất kém hoặc mất dẫn tới tình trạng sặc dịch hầu họng, dịch vị, thức ăn… vào phổi gây viêm phổi suy hô hấp nặng, có trường hợp tử vong. Ngay cả khi đã được điều trị tích cực, các di chứng thần kinh sau hôn mê hoặc do thiếu oxy não quá lâu cũng thường gặp như chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, các cơn co giật kiểu động kinh có thể làm tổn thương não nặng nề cho nên người bệnh tuy được cứu sống nhưng có thể phải sống đời sống thực vật.
Trên thực tế tình trạng hạ đường huyết thường xảy ra khi người bệnh đang ở nhà, hoặc đang đi xa hay khi đang ngủ… nên ít khi được người thân phát hiện để đưa đi cấp cứu kịp thời, do đó dễ dẫn tới các biến chứng nặng nề như hôn mê, tử vong do hôn mê, suy hô hấp quá nặng. Nguy hiểm hơn là tình trạng hạ đường huyết khi người bệnh đang lao động hoặc đang điều khiển các phương tiện giao thông nên dễ gây tai nạn.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ hoặc có biểu hiện của hạ đường huyết, người bệnh cần uống ngay một cốc nước đường, sữa, ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt để nhanh chóng nâng đường huyết lên. Khi người bệnh đã có biểu hiện hôn mê, không nên cho ăn uống vì rất dễ bị suy hô hấp do sặc, trong trường hợp này phải nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện ngay. Đồng thời ngưng ngay tất cả các loại thuốc điều trị đái tháo đường đang dùng. Tại cơ sở y tế, tùy tình trạng người bệnh mà được các bác sĩ xử lý để làm tăng đường huyết và điều trị các biến chứng nếu có. Để phòng hạ đường huyết, người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra đường huyết.
Theo Sức khỏe & Đời sống, số 767
Bình luận