Bơi giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch do bệnh tiểu đường
Bơi lội là một hoạt động thể chất không chỉ mang lại niềm vui mà còn có nhiều lợi ích trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Vì vậy, có thể đánh giá bơi lội là tiềm năng trong việc phòng ngừa biến chứng – đặc biệt là biến chứng tim mạch do bệnh tiểu đường.
Năm 25 tuổi, vận động viên bơi người Mỹ - Gary Hall - được chẩn đoán bị tiểu đường typ 1. Nhưng với những nỗ lực của bản thân, ông đã kiểm soát tốt bệnh và dành 8 huy chương hạng mục bơi lội tại các thế vận hội Olympic năm 1996 và 2000. Vì vậy, có thể thấy bơi lội như một cách giúp người bệnh tiểu đường quản lý tốt bệnh của họ.
Bơi giúp phòng tránh biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường
Tại sao bơi lội có lợi cho người bệnh tiểu đường?
Bơi lội là một bài tập thể dục cường độ thấp, giúp kiểm soát cân nặng, đốt cháy calo và cải thiện sức khỏe tim mạch. Điều này rất có ý nghĩa để giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch của tiểu đường. Lý do là tất cả các cơ bắp lớn trong cơ thể đều được hoạt động, sợi cơ sẽ tiêu thụ một lượng đường lớn và huy động đường từ trong máu đến, nhờ đó giảm được đường huyết. Bên cạnh đó, bơi lội còn giảm áp lực lên đôi chân của người bệnh tiểu đường hơn so với nhiều hình thức tập thể dục khác. Đồng thời làm tăng lưu lượng máu tới các mạch máu nhỏ ở chi dưới, ngăn ngừa các tổn thương và nhiễm trùng ở bàn chân.
Tuy nhiên, người tiểu đường cần duy trì lịch bơi thường xuyên, có thể chí là 10-15 phút mỗi lần thay vì kéo dài thời gian mỗi lần tập nhưng lại bị ngắt quãng. Vì hiệu quả kiểm soát đường huyết từ tập thể dục có thể kéo dài hàng giờ, đôi khi hàng ngày nhưng không phải là vĩnh viễn.
Người bệnh tiểu đường nên làm gì trước khi tham gia bơi?
Để biết người bệnh tiểu đường có nên đi bơi hay không, cần có sự đánh giá của bác sĩ điều trị về mức độ phù hợp của họ với môn thể dục này. Các chuyên gia cũng sẽ cung cấp cho họ biết cách phòng tránh tụt đường huyết, dựa vào loại bệnh tiểu đường mà người đó mắc phải, thuốc đang sử dụng, lượng đường máu, môn thể dục khác đang tập, tuổi tác.
Cần lưu ý gì khi đi bơi?
Để tránh những điều đáng tiếc khi đang bơi, người tiểu đường nên:
- Thông báo với nhân viên cứu hộ về tình trạng bệnh của mình trước khi xuống nước.
- Khi đi trên bờ, trong phòng thay đồ cần mang theo giày, dép. Kiểm tra bàn chân sau khi bơi xem có vết cắt, vết bầm tím hoặc trầy xước hay không, nhằm hạn chế nguy cơ vô tình bị nhiễm trùng bàn chân tại hồ bơi.
- Khi bơi trong một khoảng thời gian dài có thể làm lượng đường trong máu tụt xuống thấp, kèm theo cảm giác mệt mỏi. Khi đó nên ngừng bơi và ăn 1 chiếc kẹo hoặc đồ ăn nhẹ mang theo khi đi bơi tránh bị hạ đường huyết.
Nên có người đi cùng khi bơi
Có bạn đồng hành khi tham gia các môn thể dục giúp tạo thêm động lực cho người bệnh. Nên có ít nhất một người bạn hoặc tham gia câu lạc bộ bơi dành cho người tiểu đường để chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh, giải tỏa các lo lắng về bệnh, và giao lưu nhiều hơn, nhờ đó giảm được căng thẳng và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường, đồng thời kiểm soát biến chứng của bệnh mà điển hình là biến chứng tim mạch.
DS. Đông Tây
Theo: http://diabetes.about.com/
Bình luận