Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường typ 1 ở trẻ do Virus Enterovirus
48% trẻ nhiễm virus Enterovirus – virus gây tiêu chảy, có nguy cơ bị mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) typ1 trong tương lai.
Enterovirus có nhiều typ và nhóm khác nhau như nhóm Coxsackie A, Coxsackie B, Echovirus gây viêm màng não, sốt phát ban, viêm đường hô hấp trên; Poliovirus gây sốt bại liệt… Đa phần các trường hợp nhiễm virus, các triệu chứng xuất hiện nhẹ và tự khỏi sau 7 – 10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp có thể xuất hiện các biến chứng như viêm não, viêm màng não, bại liệt… và có đến 48 % trẻ nhiễm virus Enterovirus có khả năng sẽ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) typ1. Đây là nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội châu Âu về bệnh tiểu đường.
Nhiễm Enterovirus tăng 2 lần khả năng mắc ĐTĐ typ1 ở trẻ em
Nguyên nhân bệnh ĐTĐ typ1 hiện chưa được làm rõ, tuy nhiên các nghiên cứu nhận thấy bệnh được gây ra bởi sự tương tác phức tạp giữa hệ thống miễn dịch, tính nhạy cảm di truyền và các yếu tố môi trường... làm cho các tế bào beta của đảo tụy bị tổn thương không hồi phục, không có khả năng sản xuất insulin để vận chuyển glusose vào các tế bào, từ đó làm tăng nồng độ glucose trong máu.
Nghiên cứu tại trường đại học Tampere – Phần Lan, đã phát hiện 5 chuỗi gen trong hơn 100 gen của Enterovirus (EV) gây bệnh ĐTĐ typ1, do virus này tấn công và phá hủy các tế bào của tuyến tụy.
Một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Tsai Chung-Li, Đại học Y khoa Đài Loan, đã nghiên cứu về sự liên quan giữa nhiễm virus Enterovirus (EV) và bệnh ĐTĐ typ1. Bà đã sử dụng dữ liệu của hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia và thống kê tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em dưới 18 tuổi có hoặc không có chẩn đoán nhiễm EV trong 8 năm từ 2000 – 2008. Kết quả thống kê cho thấy: Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ typ1 ở trẻ em nhiễm EV cao hơn gấp 2,18 lần so với nhóm không bị nhiễm EV. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng: Các vùng châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, tỉ lệ trẻ em mắc ĐTĐ typ1 ngày càng gia tăng cùng với tần suất nhiễm EV và yếu tố môi trường có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỉ lệ nhiễm EV ở các khu vực này.
Ô nhiễm môi trường làm gia tăng tỉ lệ nhiễm enterovirus
Phòng ngừa nhiễm Entrovirus – ngăn ngừa ĐTĐ typ1 ở trẻ em
Enterovirus vào cơ thể theo đường tiêu hóa, đường hô hấp hay tiếp xúc với dịch tiết hô hấp của bệnh nhân và khu trú ở vùng hầu họng hoặc phân. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng ngừa EV, các nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Do đó, để phòng ngừa bệnh ĐTĐ typ1 ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm EV, cần có biện pháp phòng ngừa nhiễm EV cho trẻ:
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ: Rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hàng ngày tắm rửa, thay quần áo cho trẻ; bố mẹ khi đi làm về nên thay quần áo, rửa tay trước khi chơi với trẻ. Hạn chế dùng chung các đồ dùng như bát đĩa, thìa, đũa, cốc… để tránh lây nhiễm qua đường ăn uống. Thường xuyên cắt móng tay, móng chân cho trẻ và người lớn; khi ho, hắt hơi… nên che miệng và tránh xa trẻ.
Rửa tay thường xuyên giúp phòng ngừa nhiễm enterovirus
- Tăng cường miễn dịch: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, nên cho trẻ uống nhiều nước. Tiêm phòng định kì, theo đúng lộ trình cho trẻ. Không nên cho trẻ ở trong nhà nhiều, nên cho trẻ ra ngoài vui chơi, vận động nhiều sẽ giúp tăng cường miễn dịch, đồng thời giảm đường huyết, ngăn ngừa nguy cơ béo phì.
- Môi trường sống: Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở và lau sạch các đồ chơi của trẻ.
- Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm virus: Hạn chế đưa trẻ đến những nơi tụ tập đông người. Khi trẻ có biểu hiện nhiễm virus như cảm sốt, sốt liên tục theo đợt, phát ban, viêm họng, yếu liệt chân tay… nên cho trẻ ở nhà để tránh lây nhiễm và đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng trên thần kinh, co giật, ĐTĐ typ1…
Ds. Đông Tây
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/
Bình luận