Bệnh đái tháo đường type 1
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 1
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type1 xảy ra khi cơ thể bị thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối insulin, làm lượng đường trong máu tăng cao vượt ngưỡng cho phép.
Vốn dĩ, thức ăn khi vào ruột non sẽ được các enzym phân cắt, tạo thành loại đường có công thức cấu tạo đơn giản là glucose, được các tế bào sử dụng như nguồn cung cấp năng lượng chính bên trong cơ thể. Và đảm nhận nhiệm vụ đưa glucose từ máu vào các mô cơ thể chính là nhờ “người vận chuyển” insulin - hormon nội sinh được sản xuất bởi các tế bào beta tiểu đảo tụy.
Sự thiếu hụt hormon Insulin gây ra bệnh đái tháo đường
Lượng insulin thiếu hụt trong bệnh ĐTĐ type1 là do “nhà máy sản xuất” tại tuyến tụy bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải chính xác vì sao hệ miễn dịch của cơ thể lại tấn công các tế bào beta này. Một số yếu tố được cho liên quan đến nguyên nhân hình thành bệnh như yếu tố di truyền, nhiễm virus, tiếp xúc với môi trường có hóa chất độc hại, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, stress kéo dài…
Triệu chứng bệnh đái tháo đường type 1
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường: Nguyên nhân là do đường huyết tăng cao, cơ thể tăng đào thải đường qua nước tiểu, chính vì vậy bạn sẽ thấy đi tiểu nhiều hơn.
- Khát nước: Cơ thể sẽ tăng cảm giác khát để bù lại lượng nước thiếu hụt do tiểu nhiều, đồng thời bổ sung nước từ bên ngoài sẽ giúp pha loãng và làm giảm độ nhớt của máu.
- Ăn nhiều nhưng gầy nhiều, sụt cân nhanh: Mặc dù ăn vào nhiều nhưng không chuyển hóa được glucose khiến cơ thể “đói” năng lượng và sụt cân một cách nhanh chóng không rõ lý do.
- Mệt mỏi thường xuyên: Các tế bào thiếu năng lượng nên bạn sẽ thấy mệt mỏi, không đủ sức làm việc.
- Mắt mờ, tầm nhìn bị hạn chế: Nước bị kéo nhiều vào trong thủy tinh thể (ống kính của mắt), gây hạn chế tầm nhìn.
- Dễ bị nhiễm trùng cũng như các vết thương khó lành hơn: Bởi vì môi trường đường rất thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, tổn thương mạch máu, độ nhớt máu tăng làm sự dịch chuyển các dòng máu cũng trở nên khó khăn hơn.
Đến gặp bác sỹ nếu bạn gặp các triệu chứng kể trên là cách tốt nhất giúp phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.
Chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 1
Bác sỹ có thể yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm chẩn đoán khi nghi ngờ bạn bị ĐTĐ type1, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nồng độ glucose và xeton.
- Thử nghiệm đường huyết ngẫu nhiên.
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói.
- Xét nghiệm chỉ số HbA1c
Xét nghiệm nồng độ glucose máu giúp chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường
Biến chứng đái tháo đường type 1
Biến chứng ĐTĐ typ1 thường xảy ra khi đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt, nó có thể trở nên quá cao hoặc quá thấp.
Các biến chứng do tăng đường huyết
- Nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu là hai biến chứng cấp tính của bệnh ĐTĐ, thường xảy ra đột ngột. Nồng độ đường huyết tăng quá cao khi bạn bị sốt, nhiễm trùng, dùng liều thấp thuốc điều trị hoặc insulin, ăn quá nhiều tinh bột, đường… Nếu không được cấp cứu và xử lý kịp thời, có thể dẫn đến nguy cơ hôn mê, thậm chí là tử vong.
Biến chứng mạn tính ĐTĐ xảy ra khi đường huyết không ổn định, hoặc đường huyết tăng nhẹ trong một thời gian dài có thể làm tổn thương mạch máu và các tế bào thần kinh. Kết quả là người bệnh có thể gặp phải rất nhiều các biến chứng trên hầu hết các cơ quan của cơ thể bao gồm:
- Suy thận: là một trong những biến chứng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như gia tăng gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi người bệnh phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
- Biến chứng thần kinh: Có thể gồm biến chứng thần kinh tự chủ (rối loạn cương dương, rối loạn tiêu hóa… ) và biến chứng thần kinh ngoại biên gây các triệu chứng tê bì, châm chích, bỏng rát hoặc mất cảm giác, nhất là ở khu vực bàn chân.
- Biến chứng mắt: gây bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể, glocom đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của người bệnh, nếu điều trị không tốt có thể gây mù lòa.
- Bệnh tim mạch: Hơn 80% người bệnh ĐTĐ tử vong là do biến chứng tim mạch, nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim.
- Nhồi máu não.
- Loét bàn chân có thể dẫn đến cắt cụt chi.
- Nhiễm trùng hoặc các vết thương lâu lành.
- Các bệnh về da do biến chứng ĐTĐ.
Biến chứng hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi mức đường trong máu xuống dưới 4mmol/l. Nguyên nhân có thể do người bệnh kiêng khem quá mức trong chế độ ăn, tập luyện quá mức, sử dụng insulin liều thấp… Khi xuất hiện biến chứng này, bạn có thể thấy người mệt mỏi, chóang váng, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn … Khi đó, bạn nên nhanh chóng xử lý bằng cách ăn một ít thức ăn, ngậm một viên kẹo ngọt, uống ít nước đường… Nếu thấy các dấu hiệu này vẫn không được cải thiện, hãy nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện để được điều trị.
Điều trị đái tháo đường type 1
Việc điều trị ĐTĐ typ1 vẫn đang là một trong những “nhức nhối” với các nhà khoa học. Tuy thời gian gần đây, có một số nghiên cứu cho thấy có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này bằng cách sử dụng tế bào gốc, thay tuyến tụy nhân tạo… nhưng tất cả vẫn đang cần được xem xét ở đầy đủ mọi khía cạnh mới được áp dụng thực trên người bệnh. Cho đến thời điểm này, để điều trị bạn cần thiết phải sử dụng nguồn insulin ngoại sinh suốt đời, bạn sẽ được chỉ định nó ngay khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ typ1. Ban đầu, bác sỹ có thể sử dụng liều “khởi điểm” sau đó đánh giá lại nồng độ glucose để điều chỉnh liều sao cho hợp lý.
Các vùng da nên tiêm insulin
Có nhiều loại insulin khác nhau tùy thuộc vào thời gian mà chúng có tác dụng như insulin tác dụng nhanh, chậm, trung bình hay hỗn hợp (vừa chứa insulin tác dụng nhanh, vừa chứa insulin tác dụng trung bình). Đa phần insulin được sản xuất từ nguồn gốc động vật (bò, lợn) hoặc từ người. Insulin được tiêm dưới da, bạn có thể cần dùng một, hai hay nhiều hơn số mũi tiêm trong ngày phụ thuộc vào thời gian tác dụng của insulin. Các vùng da ở mông, đùi, bắp tay, hoặc vùng rốn là nơi insulin phát huy tác dụng hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, khi tiêm insulin bạn phải thay đổi chỗ tiêm thường xuyên để tránh tác dụng phụ gây hoại tử cơ. Trước đây, bạn có thể cần sử dụng bơm kim tiêm thông thường, tuy nhiên liều lượng thường không chính xác, khó bảo quản. Vì vậy, ngày này bút tiêm, bơm tiêm insulin ra đời đã phần nào giải quyết được những khó khăn này.
Sống chung với bệnh đái tháo đường type 1
Bạn có thể sống chung cùng bệnh ĐTĐ type1 nếu kiểm soát tốt đường huyết cũng như có các biện pháp giúp phòng ngừa biến chứng của căn bệnh này.
- Hãy ăn một chế độ ăn lành mạnh với việc chia nhỏ bữa ăn và ăn ít đi (tối thiểu 3 bữa/ngày). Bạn nên ăn ít thực phẩm cung cấp nhiều tinh bột như gạo, bánh mì, khoai tây…. Nhưng nên ăn tăng cường thêm nhiều rau xanh để cung cấp chất xơ hòa tan, giúp nhuận tràng dễ tiêu hóa.
- Bạn nên tập thể dục ít nhất 10 phút mỗi ngày hoặc nhiều hơn để giúp giữ cân nặng ở mức cho phép và đồng thời giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch…
- Nếu bạn hút thuốc, hãy dừng lại. Hút thuốc không những không có lợi cho người bệnh ĐTĐ mà còn làm tăng nguy cơ phát triển căn bệnh này so với nhóm không sử dụng. Mặt khác, khi hút thuốc, có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng tim mạch.
Để kiểm soát tất cả các điều trên có thể sẽ thật khó khăn với người bệnh ĐTĐ typ1, bởi vì hầu hết trong số họ là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, bạn sẽ không phải một mình chống đỡ căn bệnh này, bởi vì bên bạn sẽ luôn có sự giúp đỡ của đội ngũ y bác sỹ điều trị, những người thân trong gia đình và toàn bộ xã hội.
Bình luận