Nhà em có người bị tiểu đường, chân mới bị loét. Mong bác sĩ tư vấn cách chăm sóc vết loét ạ. Và vết loét như thế nào thì cần đến bệnh viện để chữa thưa bác sĩ.

Chào bạn, 

Chúng tôi xin gửi tới bạn giải đáp của ThS. BS Nguyễn Huy Cường - Nguyên phó trưởng khoa Đái tháo đường, BV Nội tiết Trung Ương, chủ Phòng khám Nội khoa Huy Cường (133 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội):

Các vấn đề liên quan đến vết loét của bệnh nhân tiểu đường khá nan giải và cũng khó để điều trị. Trung bình một vết loét, thường bệnh nhân phải chăm sóc có thể mất một tháng, hai tháng thì vết loét mới lành được. 

Vết loét ở bàn chân người tiểu đường cũng có nhiều loại. Loại thứ nhất là các vết loét khô, không bị nhiễm trùng mà thường là do tổn thương thần kinh ngoại biên gây ra. Loại thứ 2 là các vết loét do tổn thương, va chạm làm hình thành vết thương hở, gây nhiễm khuẩn, các vết loét ấy thường dễ tấy đỏ và có mủ.

Việc điều trị và chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường cũng phụ thuộc vào từng loại loét và khả năng nuôi dưỡng bởi các mạch máu ở chân. Nếu các mạch máu ở chân bị tắc nghẽn nhiều do hình thành mảng xơ vữa, vậy thì việc điều trị sẽ khó khăn, các vết loét cũng lâu lành hơn. Hoặc là nếu các vết loét tấy đỏ, đau nhiều do tổn thương thần kinh tại chân nặng thì cũng phải đến bệnh viện.

Tóm lại, khi thấy các vết loét tại chân, tốt nhất dù nhẹ thì bạn cũng nên đưa người nhà đến bệnh viện để bác sĩ làm các xét nghiệm đánh giá toàn diện, sau đó có thể cho bệnh nhân tự điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị.

Gửi bạn bài viết về cách phòng ngừa loét chân tiểu đường, bạn có thể tham khảo thêm: Hướng dẫn ngăn chặn loét bàn chân tiểu đường 

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Bình luận