Các loại vaccine COVID-19 có tại Việt Nam? Tác dụng phụ của chúng là gì? Đối tượng nào nên tiêm vaccine? Sau tiêm có cần lưu ý gì… 10 câu hỏi thường gặp nhất về vaccine COVID-19 sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Các loại vaccine COVID-19 tại Việt Nam? Khác biệt giữa các loại?

Hiện nay Việt Nam đang có 5 loại vaccine COVID-19 là AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sputnik V, Vero Cell. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về 5 loại vaccine COVID-19 này:

Tên vaccine

Công ty

Loại

Hiệu quả bảo vệ

AstraZeneca

Oxford Uni-AstraZeneca 

Viral vector (Virus được can thiệp thay đổi gen)

65 - 90%

Moderna

Moderna

RNA (sử dụng một phần mã gen của virus

90%

Pfizer

BioNTech

RNA (sử dụng một phần mã gen của virus

95,3%

Sputnik V

Gamaleya

Viral vector (Virus được can thiệp thay đổi gen)

92% 

Vero Cell

Sinopharm

Viral vector (Virus được can thiệp thay đổi gen)

78,2%


Vaccine COVID-19 có hiệu quả với các biến thể mới không?

Các dữ liệu hiện tại cho thấy, vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể mới. Cụ thể, hiệu quả của vaccine AstraZeneca trên hai biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là B.1.617.2 (Ấn Độ) và B.1.17 (Anh) tương tự như chủng ban đầu. Tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine AstraZeneca giúp giảm tới 92% số ca nhập viện do mắc biến thể Delta và chưa có ca tử vọng trong số những người đã tiêm chủng.

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có nên tiêm vaccine không?

Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú nên tiêm vaccine COVID-19. 

Theo PGS. Trần Danh Cường - Giám đốc BV Phụ sản TW, phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng cao khi nhiễm COVID-19. Vì trong thời kỳ mang thai, nhu cầu oxy của họ sẽ cao người thường, dễ xuất hiện tình trạng giữ nước, phù và tổn thương niêm mạc hô hấp.

Với phụ nữ cho con bú, các nghiên cứu cũng đã chứng minh việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro. Hầu hết các vaccine hiện nay đều có thể tiêm cho đối tượng này mà không cần ngưng cho con bú.

Người già, mắc bệnh lý nền có được tiêm vaccine COVID-19 không?

Người già, dù kèm hay không kèm bệnh lý nền đều thuộc nhóm đối tượng ưu tiên cần tiêm vaccine COVID-19.

BS Lê Nhất Duy (BV Đại học Y dược TP.HCM) cho biết khả năng nhiễm bệnh và nguy cơ tiến triển nặng ở người cao tuổi mắc COVID-19 thường cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do hàng rào miễn dịch ở người già bị suy giảm, tạo điều kiện cho virus tấn công và làm tổn thương. Vì vậy, tiêm chủng cho nhóm đối tượng này là cần thiết.

Tuy nhiên, người trên 65 tuổi có tiền sử dị ứng với bất kỳ nguyên nhân nào, người có tiền sử bệnh nền mạn tính đang điều trị ổn, tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu đang dùng thuốc chống đông thì cần được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện. Bạn không nên quá lo lắng vì người cao tuổi thường được các nhân viên y tế thăm dò và sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng.

Người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tiên tiêm vaccine COVID-19

Người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tiên tiêm vaccine COVID-19

Cách đăng ký tiêm vaccine COVID-19 như thế nào?

Nếu bạn đủ 18 tuổi trở lên thì có thể đăng ký tiêm vaccine COVID-19 theo 2 cách như sau:

Cách 1: Đăng ký tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19

Bạn hãy truy cập vào đường link: https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person. Tại đây bạn cần điền đầy đủ thông tin bao gồm họ tên, số điện thoại, ngày sinh, giới tính, số CCCD/CMND, địa chỉ, nghề nghiệp và thứ tự ưu tiên tiêm theo quy định. Sau khi đăng ký hoàn tất, bạn sẽ được thông báo về việc đăng ký này. Khi có kế hoạch tiêm cụ thể thì người dùng sẽ được liên hệ qua số điện thoại.

Cách 2: Đăng ký qua app “Sổ sức khỏe điện tử” của Bộ Y tế

Trên ứng dụng Google Play hoặc App store, bạn tìm kiếm và tải app “Sổ tay sức khỏe điện tử” về. Tiếp đó, bạn cần nhập họ tên, số điện thoại và mật khẩu để đăng ký tài khoản. Sau khi có tài khoản, bạn tiến hành đăng nhập và click vào mục Đăng ký tiêm chủng được đặt ở giao diện chính. 

Tương tự như khi đăng ký qua cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, bạn cần nhập đầy đủ thông tin cá nhân và chọn thứ tự ưu tiên tiêm theo quy định. Tiếp theo, bạn khai báo tiền sử tiêm và xác nhận đồng ý. Sau khi hoàn tất đăng ký, bạn sẽ nhận được thông báo.

Ngoài ra, ứng dụng cũng tích hợp Chứng nhận tiêm chủng bằng mã QR, trong đó thể hiện số lần tiêm của người dùng. 

Cách 3: Áp dụng riêng với người dân tại Hà Nội

Nếu bạn không có smartphone thì có thể đăng ký bằng biểu mẫu trên giấy với đầy đủ các thông tin trên đây, sau đó gửi về UBND xã, phường, thị trấn và sẽ được hỗ trợ đăng ký tiêm trên phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”. Cách đăng ký này hiện chỉ áp dụng tại Hà Nội.

Đăng ký tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử

Đăng ký tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử 

Vaccine COVID-19 có thể gây ra những tác dụng phụ gì?

Tỉ lệ và mức độ tác dụng phụ tùy thuộc vào loại vaccine mà bạn tiêm. Tuy nhiên, phần lớn người tiêm vaccine CONVID - 19 đều gặp những phản ứng như đau, sưng ở vết tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, sốt, buồn nôn, ớn lạnh… Đây là phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể, hầu hết tác dụng phụ đều biến mất sau vài ngày. 

Tuy nhiên, vaccine COVID - 19 có thể gây ra một số phản ứng phụ muộn nghiêm trọng như viêm cơ tim, giảm tiểu cầu, huyết khối và hạ huyết áp. Tỉ lệ gặp phản ứng phụ nguy hiểm rất hiếm gặp nhưng bạn vẫn cần chú ý theo dõi 3 tuần sau tiêm để phát hiện kịp thời.

Xem thêm: Tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19 và cách giảm nhẹ

Sau tiêm vaccine, cần lưu ý gì để tránh tác dụng phụ?

BS.Lê Minh Thượng (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) khuyến cáo 5 lưu ý sau tiêm vaccine COVID-19 như sau:

Một là, thực hiện nghiêm túc thời gian theo dõi 30 phút tại cơ sở y tế sau khi tiêm. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ khó chịu, phản ứng nào trong người thì nên thông báo ngay với các bác sĩ. 

Hai là, khi về nhà nên chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vaccine. Nếu gặp một trong những triệu chứng như sốt cao, vật vã, tím tái, khó thở… thì cần liên lạc với nhân viên y tế để được nhập viện ngay.

Ba là, hãy đảm bảo bạn luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng COVID-19.

Bốn là, không sử dụng các rượu bia, các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine COVID-19.

Năm là, đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Sau tiêm vaccine, cơ thể có thể bị sốt gây mất nước. Vì vậy, bạn cần bổ sung đủ lượng nước (uống từ từ và chia nhỏ lượng nước), ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm (nên dùng các loại thức ăn mềm để dễ ăn, dễ tiêu hóa).

Tiêm vaccine xong có cần thực hiện 5K không?

Việc thực hiện nghiêm túc quy định 5K là rất cần thiết, kể cả với những người đã tiêm chủng vaccine COVID-19.

TS. Phạm Quang Thái (Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc) khuyến cáo rằng người đã tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là người mới chỉ tiêm 1 mũi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là 5K. 

Nguyên nhân là do vaccine không đem lại sự bảo vệ ngay lập tức, sau tiêm mũi 1 thì phải ít nhất 14 ngày mới bắt đầu có tác dụng và mức bảo vệ ở mũi 1 rất thấp. Sau tiêm vaccine mũi 2 từ một tháng trở ra thì mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu. Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ đạt ở mức khoảng 60 - 90% tùy từng loại vaccine. 

Khoảng cách giữa 2 liều vaccine là bao lâu? Tiêm chậm có sao không?

Thời điểm giữa mũi tiêm số 1 và mũi tiêm số 2 sẽ tùy thuộc vào loại vaccine bạn đã tiêm, cụ thể:

  • Vaccine AstraZeneca: Từ 8 - 12 tuần
  • Vaccine Moderna: Khoảng 4 tuần
  • Vaccine Pfizer: 3 tuần
  • Vaccine Sputnik-V: 3 tuần
  • Vaccine Vero Cell: Từ 3 - 4 tuần

Về hiệu quả bảo vệ của vaccine nếu tiêm chậm, BS. Đinh Văn Thới (Viện Pasteur, Tp.HCM) cho biết nếu người dân không kịp tiêm mũi 2 thì vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ và nên tiêm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các trường hợp tiêm chậm hơn so với quy định của Bộ Y tế thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu. 

Có nên tiêm trộn 2 loại vaccine không?

Bạn nên tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và sử dụng bất kỳ loại vaccine đã được Bộ Y tế thông qua. Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, vì vậy việc tiêm trộn 2 loại vaccine sẽ giúp giảm bớt áp lực cung ứng trong tiêm chủng. 

Tại Đức, nhóm nghiên cứu của BS. Tina Schmidt và cộng sự đã so sánh kết quả của việc sử dụng AstraZeneca cho 2 mũi tiêm và việc sử dụng phối hợp AstraZeneca cho mũi đầu và Pfizer/Moderna cho mũi thứ hai. Kết quả cho thấy biện pháp tiêm trộn có khả năng kích hoạt kháng thể trung hòa cao hơn một chút so với biện pháp tiêm 2 liều Astrazeneca. 

Vì vậy, có thể kết luận tạm thời rằng tiêm trộn 2 loại vaccine vẫn có được hiệu quả giống như tiêm hai liều chung một loại thuốc (GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Trưởng ban Thăm dò chức năng Hô hấp tại BV Cochin Paris, Pháp).

Hiện nay, mức độ lây lan của chủng Delta mới đang tăng rất cao và cách tốt nhất để chống lại những biển thể này là tiêm vaccine càng sớm và tốt. Đây là cách tốt nhất giúp giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về vaccine COVID-19 thì hãy để lại bình luận dưới đây để được giải đáp chi tiết theo các chuyên gia, bác sĩ. 

Biên tập viên Đông Tây

Nguồn tham khảo: ncov, nhidongcantho, bachmai

Bình luận